Chuyện lớp trẻ “Tây” ở xứ dừa

“Được giao tiếp với người nước ngoài, được học tiếng Hàn, tiếng Anh, học hát múa nữa… vui lắm!” - em Dương Cẩm Tiên, học sinh lớp 6 xã Lương Hòa khoe. Không chỉ Tiên mà nhiều thiếu nhi ở Bến Tre rất vui kể từ khi các sinh viên Hàn Quốc và Mỹ về đây.

“Tụi nó được lắm”

 

Mấy ngày trước, bác Dương Văn Sáng (ấp 2, xã Lương Hòa, huyện Giồng Trôm) được cán bộ xã báo sẽ có đoàn sinh viên Hàn Quốc về phụ cất cho bác một căn nhà gỗ, thay cho căn nhà lá cũ của hai vợ chồng bác. Bác và bác gái đã gần 70 tuổi, chỉ có một người con, lại ở xa, nên đời sống rất khó khăn.

 

Buổi trưa, bác xách mấy buồng dừa xiêm mới bẻ ra sân, lấy dao chặt rồi ra hiệu bằng tay mời các “thợ làm nhà” người Hàn Quốc uống. Một vài sinh viên nam muốn tự mình chặt dừa nhưng lóng ngóng mãi, bác Sang lại phải dùng tay chỉ cách chặt dừa… Không khí rất tự nhiên, cởi mở cho dù chủ nhà và khách toàn trò chuyện bằng tay!”.

 

“Dzô, dzô, dzô, alê, alê…”, sân bóng đá xã Phước Hiệp (huyện Mỏ Cày) sôi động với trận bóng đá giữa nhóm sinh viên Mỹ và nhóm sinh viên TPHCM. Sân bãi kề bên rạch nước nhưng vẫn có khá đông người dân tham gia cổ vũ cuồng nhiệt cho hai đội. Mọi rào cản dường như không còn nữa, chỉ có những tiếng hò hét theo ngôn ngữ bóng đá.

 

Vui chơi vài tiếng, các bạn lại đạp xe hơn cây số đường sỏi về lại xã Định Thủy, tiếp tục dạy tiếng Anh, dạy hát cho các em học sinh trong xã; một nhóm khác đi đắp đường, sơn nhà… Bác Hai Nhơn (ấp An Quới) không giấu được cảm động: “Đám trẻ Mỹ mần cũng được lắm, mà lại vui vẻ nữa, khác xa tụi Mỹ hồi xưa”.

 

“Thích nhất là con người và môi trường Việt Nam”

 

Bạn Lee Na Yeon, sinh viên khoa Quản trị Kinh doanh trường Đại học Hongik (Seoul), hào hứng: “Mình có một người bạn đang ở Việt Nam, nghe nói Việt Nam rất thú vị nên mình đăng ký sang Việt Nam ngay”.

 

Khác với các bạn sinh viên Hàn Quốc (đều là sinh viên trường Đại học Hongik và đến Bến Tre trong hoạt động tình nguyện quốc tế), các sinh viên người Mỹ ở đây đến từ nhiều trường đại học khác nhau sau khi giành được suất học bổng đến nước khác để học hỏi, tìm hiểu thực tế thông qua các hoạt động xã hội.

 

Tuy ăn ở tại khách sạn nhưng phần lớn thời gian các bạn vẫn “ở giữa dân” để dạy học, tham gia xây, sơn sửa nhà cho dân nghèo. Lee Na Yeon thích thú: “Việt Nam có nhiều điểm tương đồng với Hàn Quốc nên bọn mình cũng ít gặp khó khăn. Thức ăn ngon và rẻ, nước dừa thật là tuyệt, môi trường sống thì hết chê, trong sạch, nhiều cây xanh”.

 

Nhóm sinh viên người Mỹ hòa nhập rất nhanh vào nhịp sống nông thôn ở xứ dừa. Các bạn “bật mí”: “Đó là nhờ bọn mình đã học tiếng Việt và văn hóa Việt được một tháng tại Sài Gòn”. Sáng, tại khách sạn ở thị trấn Mỏ Cày, các bạn dùng điểm tâm xong thì lên xe đạp, mỗi người một chiếc đạp về xã Định Thủy. Tại cái nôi của phong trào Đồng Khởi, các bạn chia ra nhiều nhóm, xuống các ấp, dạy vẽ, dạy hát, phụ xây nhà…

 

Buổi trưa, những gia đình chính gốc xứ Đồng Khởi tiếp đãi các bạn các món ăn “đặc sệt” chất Nam bộ . Má Chín tròn xoe mắt: “Tụi nó ăn thấy mà mê. Cầm chén, cầm đũa gắp đồ ăn hổng khác gì người mình. Rau muống xào, thịt kho tàu, canh chua gì đều ăn ngon lành”.

 

Bạn Dimia Fogam, sinh viên ngành Quốc tế học (Đại học UNC-Chapel Hill), thổ lộ: “Thực tế ở đây tốt đẹp hơn những gì mình mong đợi và biết qua sách báo, truyền hình… Người dân Việt Nam thật thân thiện, thích nhất là được ăn cơm trưa ở nhà dân, rất đầm ấm”.

 

Bạn Nimmi Chilamkum, sinh viên ngành Chính sách cộng đồng (Đại học Duke), cho biết thêm: “Học bổng này được đi nhiều nước nhưng mình chọn Việt Nam vì mình đã nghe nói nhiều về Việt Nam, muốn được đi thực tế để biết rõ hơn về con người, cảnh vật và lịch sử Việt Nam. Phong cảnh ở đây rất đẹp, trong lành, người Việt thật cởi mở, tận tình chỉ bảo mình mọi thứ nên mình ít nhớ nhà”.

 

Nhóm sinh viên người Mỹ ở đây còn đặc biệt khoái kẹo dừa. Hôm đi thăm xưởng làm kẹo, được ăn kẹo no nê rồi mà khi ra về bạn nào cũng xách một túi kẹo to tướng. Thì ra các bạn mua để làm quà cho bạn bè và gia đình khi về nước.

 

Còn bạn Đoàn Thúy Uyên, Việt kiều, tốt nghiệp đại học năm ngoái, Trưởng nhóm sinh viên Mỹ, lại bồi hồi: “Mình sống ở Mỹ 21 năm, năm ngoái có về Việt Nam, nay là lần thứ hai. Xuống đây mới thấy cuộc sống của người dân quê vẫn còn vất vả quá. Mình muốn làm một điều gì đó có ý nghĩa, những việc như thế này rất hợp với sở thích hoạt động xã hội của mình. Hơn nữa, về đây mình cũng học hỏi được rất nhiều điều đáng ra mình phải biết như cách sống, phong tục của người Việt, mỗi ngày tiếng mẹ đẻ của mình càng được cải thiện hơn”.

 

Theo Hà Châu

Sài Gòn Tiếp Thị