Chuyên gia truyền thông “soi” mạng xã hội của ứng viên thế nào?

(Dân trí) - Nhà tuyển dụng ở mảng ngành Truyền thông, PR (Quan hệ công chúng) dễ dàng dùng cặp “mắt xanh” để “nhìn xuyên” hồ sơ mạng xã hội của ứng viên và tìm ra gương mặt nhân sự tiềm năng qua những “tín hiệu” riêng trên các kênh giao thiệp chiến lược này.<br><a href='http://dantri.com.vn/nhip-song-tre/nha-tuyen-dung-doc-vi-gi-tu-mang-xa-hoi-cua-ung-vien-tre-949335.htm'><b>&nbsp;>>&nbsp;Nhà tuyển dụng “đọc vị” gì từ mạng xã hội của ứng viên trẻ?</b></a>

Dịch giả Nguyễn Đình Thành, Thạc sỹ ngành Quản trị văn hóa, ĐH Paris 9 (Pháp), Giám đốc Tư vấn chiến lược truyền thông Le Bros, đồng sáng lập Elite PR school có cuộc trò chuyện thú vị xoay quanh cách thức nhà tuyển dụng (NTD) mảng truyền thông “sàng lọc” các ứng viên bằng mạng xã hội.

 
Chuyên gia truyền thông “soi” mạng xã hội của ứng viên thế nào?
Chuyên gia Nguyễn Đình Thành chia sẻ cách thức nhà tuyển dụng mảng truyền thông “sàng lọc” các ứng viên bằng mạng xã hội.
 

Đứng ở góc độ một nhà tuyển dụng lĩnh vực truyền thông, anh có thường yêu cầu ứng viên gửi link mạng xã hội của họ trong CV bản mềm và “duyệt” qua trước khi quyết định có gọi phỏng vấn trực tiếp hay không?

 

Điều này không bắt buộc mà là một kĩ năng thêm của NTD chúng tôi. Tùy thuộc vào tính chất công việc mà cần sự điềm tĩnh, chín chắn hay bùng nổ, sáng tạo ở bạn trẻ. Nghề truyền thông, PR là nghề cần sự sáng tạo, chính vì thế tôi khuyến khích họ làm CV sáng tạo.

 

Ở phần thông tin cá nhân, ngoài điện thoại, email, nhiều bạn thêm địa chỉ các tài khoản mạng xã hội vào nữa. Có trong tay Facebook, Linkedin, website cá nhân… nghĩa là NTD có thêm những con đường để tăng cường sự hiểu biết về ứng viên. Rất nhiều bạn đã thuyết phục được, họ chính là người phù hợp với vị trí tôi tìm qua tổng hòa các yếu tố, dĩ nhiên có cả phần mạng xã hội.

 

Nếu coi mạng xã hội của ứng viên là một tiêu chí trong các gạch đầu dòng chấm điểm của NTD, theo anh, mạng xã hội chiếm vị trí thế nào?

 

Thông số này đương nhiên không giống nhau cho mọi NTD. Nếu đưa ra quan điểm chủ quan, tôi nghĩ mạng xã hội không mang tính quyết định nhưng nó có sự ảnh hưởng nhất định trong quá trình tuyển dụng. Tạm cho là từ 10-20% trong việc có chấm ứng viên lọt vào vòng sau hay không.

 

Như anh nói, lĩnh vực truyền thông rất cần những “cái Tôi” năng động, sáng tạo. Vậy anh nhận diện họ qua những dấu hiệu cụ thể nào trên mạng xã hội?

 

Đầu tiên, tôi sẽ xem ảnh bạn ấy đăng tải có phải là ảnh đẹp, mang ý nghĩa không hay chỉ là ảnh “tự sướng”?

 

Thứ 2, từ những câu “quote”, chúng tôi sẽ hiểu người này quan tâm vấn đề gì, góc độ tiếp cận thế nào.

 

Thứ 3, người này có đam mê sản xuất “content” (nội dung) hay không? Nếu 1 tháng anh ta không có một cái nội dung mới, không bình luận gì về các vấn đề nóng hổi, không chia sẻ các bài hay ho thì có thể người này không cởi mở đủ để làm nghề truyền thông.

 

Với đặc thù cần giao tiếp nhiều, hẳn rằng ứng viên theo đuổi mảng này cũng nên có nhiều bạn bè trên mạng xã hội phải không, thưa anh?

 

Đây chính là yếu tố thứ 4. Bạn không thể làm truyền thông - PR ở Việt Nam, nếu chỉ có 100 - 200 bạn trên Facebook, cần một số lượng bạn bè lớn hơn để tương tác nhiều hơn. Ở nước ngoài có thể khác.
 
Chuyên gia truyền thông “soi” mạng xã hội của ứng viên thế nào?
Nhà tuyển dụng mảng truyền thông có thể tìm kiếm nhiều thứ từ mạng xã hội của ứng viên hơn bạn nghĩ.

 

Nói tiếp về tính tương tác nêu trên, việc tham gia vào các hội, nhóm ở các mạng xã hội có phải là một yếu tố giúp NTD nhận diện ứng viên mình cần tìm?

 

Đó là dấu hiệu giúp tôi nhìn ra ứng viên ấy thuộc nhóm nào. Ví dụ, một bạn là thành viên của 60-70 nhóm nhưng lại không hề có mặt trong nhóm chuyên về truyền thông thì đó không phải ứng viên tốt. Bởi bạn không thể giỏi được nếu bạn không tương tác với các nhóm chuyên môn.

 

Anh có thể cho ví dụ cụ thể của việc tuyển dụng mảng truyền thông sẽ hiểu phần nào con người ứng viên qua hành vi trên mạng xã hội?

 

Chẳng hạn, chỉ qua chia sẻ “Book bucket challenge” - 10 cuốn sách ý nghĩa nhất với bạn, tôi sẽ hình dung được bạn là ai? Có biết đọc hay có đọc không? Tư duy và tầm hiểu biết đến đâu? Rõ ràng, mạng xã hội cho tôi phần nào ý tưởng về một con người xa lạ và cảm thấy họ có phù hợp với vị trí tuyển dụng không.

 

Nhiều ý kiến cho rằng, mạng xã hội rốt cuộc cũng chỉ là mạng ảo, có nhiều người rất khéo “đánh bóng” bản thân ở đó. Hơn nữa, hành vi con người trên mạng xã hội rất khác nhau. Quan điểm của anh thế nào?

 

“Mục đích quyết định phương tiện”. Tôi cho rằng, với nghề truyền thông, những người biết “bán mình” thật tốt, biết thu hút người khác trên mạng xã hội sẽ có năng lực thuyết phục… Điều đó không đánh giá nhân cách mà chứng tỏ bạn ấy là người có kĩ năng tốt hay thực sự giỏi trong việc “hiệu triệu” người khác. Và cuộc nói chuyện tiếp sau đó, những thử thách công việc sẽ cho biết bạn ấy là người thế nào và mình sẽ quyết định được.

 
Chuyên gia truyền thông “soi” mạng xã hội của ứng viên thế nào?

Để tìm ra ứng viên sáng giá là một quá trình “đãi cát tìm vàng”, trong đó mạng xã hội là kênh tham khảo hữu ích cho NTD trong quá trình này.

 
Chúng ta vẫn phải nói rằng, mạng xã hội và đời thực sẽ có “độ chênh” vì một lẽ, người ta thường chỉ thể hiện những điều đẹp đẽ trên mạng xã hội?

 

Đúng vậy, nhưng tôi cho rằng nó không khác đời thực lắm. Và, thử tưởng tượng, nếu ngay cả những điều tốt đẹp nhất bạn muốn thể hiện với mọi người hoặc là những thứ mình “tự huyễn” nhất còn không ra gì thì những cái xấu của mình nhiều khả năng sẽ không hấp dẫn NTD.

 

Vậy, ứng viên trẻ có thực sự cần thiết xây dựng hồ sơ mạng xã hội hấp dẫn không?

 

Đối với người làm mảng truyền thông thì chắc chắn rồi. Chẳng ai cấm mình hấp dẫn hơn trong mắt người khác, trong đối tượng mục tiêu cả. Một cô gái có quyền đẹp, chàng trai có quyền ga-lăng. Rất nên làm điều ấy.
 

Chẳng hạn, một website cá nhân sẽ tạo cho người xem cảm giác bạn là một chuyên gia trên lĩnh vực đang hoạt động. Nó cũng giúp bạn khẳng định đam mê nghề nghiệp, trao đổi học hỏi và gây chú ý hơn trước NTD.

 

Cuối cùng, anh có lời khuyên nào cho các ứng viên trẻ trong xây dựng hình ảnh  trên mạng xã hội hiệu quả để hấp dẫn NTD?

 

Chúng ta nên chân thành vì không thể đóng giả, nói dối mãi được. Mặt khác, luôn chín chắn khi dùng mạng xã hội vì không phải cá gì cũng “khoe” được ra chỗ đông người.

 

Cũng cần biết được lợi – hại của mạng xã hội để sử dụng chừng mực, hiệu quả. Nếu bạn muốn nó là công cụ cá nhân thì chỉ “co lại” ở mức kết giao với bạn bè thực; còn không, bạn biết rồi đấy, mạng xã hội là nơi “tai vách mạch rừng” chứ không còn là “nhà riêng”.

 

Cảm ơn những chia sẻ kinh nghiệm quý báu của anh!

 

Lệ Thu