Chuyện của những “Đavít”, “Maxi” hậu du học

Sân bay Nội Bài chiều cuối năm. Một bà mẹ ra đón con trai đi du học ở Singapore trở về. Tay bà cầm bó hoa vẫy loạn xạ, miệng không ngớt: “Đavít, Đavít ơi, mẹ đây...” Đứng bên cạnh là một cô gái trẻ, ăn mặc sành điệu, dáng như người yêu “thằng Đavít” cũng đang gào lên: “Anh Đavít ơi, em đây...”

“Thằng Đavít” người nhỏ thó, lọt thỏm trong bộ quần áo bóng rổ lụng thụng, leng keng xích sắt. Tóc vàng hoe, hai tai đeo Ipod, vừa đi vừa gật đầu nghiêng cổ, tay chọc chọc ngang mặt đúng chất một “hiphop boy”, nhìn thấy người yêu thì toe toét cười.

 

Hỏi mới biết “thằng Đavít” mới đi học tiếng Anh ở Singapore được tròn 3 tháng. Lần này về Việt Nam, nó đem theo rất nhiều các trò “học được” ở nước ngoài để “khai hóa” đám bạn bè “gà quê”.

 

Cái tên làm nên đẳng cấp (?)

 

Đám ca sĩ nhà ta, muốn nổi tiếng việc đầu tiên là kiếm cho mình một nghệ danh, càng giống “chưởng Hồng Kông” càng tốt. Còn với nhiều du học sinh thì việc kiếm cho mình một cái tên Tây hoánh tráng thực ra cũng là chỉ để tiện… giao tiếp. Thế nhưng, chỉ vấn đề tên gọi thôi cũng có nhiều chuyện cười ra nước mắt.

 

Số là, một anh chàng thích cái tên Ý Maximo nên lấy luôn làm “nghệ danh” và bạn bè quen mồm gọi tắt là “Maxi”. Thế nhưng, vì trình độ văn hóa có hạn nên anh chàng không hề biết Maxi là tên gọi tắt ở Mỹ về băng vệ sinh phụ nữ (maxi pads). Chỉ đến khi thầy giáo giảng giải kỹ thì cậu ta mới biết tại sao mỗi lần gọi tên mình là các bạn cười ồ.

 

Sau sự cố đó anh chàng vẫn tìm cho mình một tên Ý khác là Amico (người bạn). Thế nhưng, khi cái tên này bị réo lên, đám bạn cùng lớp lại cười nghiêng ngả, hỏi ra mới biết, ở các nước châu Âu người ta chỉ dùng Amico để đặt tên cho... chó!

 

Con đi mẹ nhớ, con về mẹ lo!

 

Trở về với cái mác du học sinh, nhiều người không làm mát mặt bố mẹ mà chỉ khiến gia đình thêm lo bởi lối sống “lai căng” đã nhiễm vào máu.

 

K - con một “đại gia” ở Hà Nội đi học ở Anh từ lớp 10, được đúng 1 năm thì phải về vì không đủ trình độ để theo tiếp. Về nước, cậu ta được gia đình sắp xếp vào một trường toàn học sinh người... Việt. Thói tự do, dân chủ quá trớn được anh chàng áp dụng ở lớp học của mình. Nhìn K thì thấy rõ là một ông “Tây con”, tóc lúc nào cũng hoe hoe vàng, dựng ngược, mồm thì liên tục chửi thề bằng... tiếng Anh.

 

Ở tuổi mới lớn, thì một hình mẫu như K hẳn là mơ ước của nhiều cô gái mải chơi và kết quả là K “vợt” được hầu hết các cô gái xinh xắn trong trường. Không những yêu đương tự do kiểu Tây mà anh chàng còn tự do đến mức đi chào cờ đầu tuần mà vẫn diện quần soóc, áo phông. Không thầy cô nào chịu nổi dù bố K cũng đã chịu khó “lễ nghĩa”, kết cục là K bị đuổi học.

 

Sau bài viết về lối sống của một số du học sinh Việt Nam tại Singapore thì trong diễn đàn luv... com có vài thanh niên đã bình luận: “Thế vẫn chưa thác loạn đâu…”, và họ thi nhau kể ra các điểm ăn chơi ở Việt Nam.

 

Tại trang web này, không ít những đoạn chát sex được chụp qua webcam, thậm chí có gã không cần giấu mặt, bởi nếu cảm thấy “hàng” dùng được sẽ có cô sẵn sàng “solo night” luôn.

 

M - con một chủ nhà hàng có tiếng ở Hà Nội, xinh đẹp, tiền không thiếu từng là du học sinh ở Australia. Hồi mới về, M ở chung nhà với 5 thằng bạn trai và trở thành “đồ dùng không có chủ”.

 

Gặp M tại bãi biển Đồ Sơn hè năm ngoái cùng với 5 “hiphop boy” này, cô nàng tỏ vẻ khoái chá và có phần tự hào của mình. Và giờ đây, M chỉ còn là cái xác ve chưa đầy 35 kg vì nghiện cần sa nặng, khuôn mặt xinh xắn giờ lơ nga lơ ngơ như mắc bệnh đao, lúc nhớ lúc quên.

 

Còn nhắc đến T thì dân du học ở Anh về ai cũng biết. Hành trang gã mang về sau những tháng ngày du học là một bộ thủy tinh để hút cần sa. Suốt ngày gã giam mình trong phòng để “nghiên cứu” trộn thuốc ngủ với loại nào thì gây ảo giác nhất.  

Hết cảnh “con đi mẹ nhớ” thì bây giờ gia đình họ lại phải đối mặt với cảnh “con về mẹ lo”. Quen lối sống tiêu tiền rủng rỉnh nhưng nhất định không chịu làm việc ở một công ty mà mức lương làng nhàng bởi họ cho rằng lương tháng chỉ đủ uống chè chén thì cả đời cũng không bù được số tiền đã chi phí.

 

Trong trạng thái “chân không tới đất, cật không tới giời”, thì có lẽ đến vài chục năm nữa họ cũng không tìm được việc mà theo họ ít nhất cũng phải 2.000 USD/tháng.

 

Đa số du học sinh Việt Nam tại nước ngoài đều xác định cho mình nhiệm vụ là học tập và không ít người đã gặp hái được những thành tích đáng tự hào. Thế nhưng, vẫn còn có những “con sâu làm rầu nồi canh”, và đó chính là một gam màu xám trong bức tranh du học mà nguyên nhân là từ chính họ - những người không đủ bản lĩnh để vượt qua những cám dỗ để chạy theo lối sống thực dụng.

 

Theo An Ninh Thế Giới

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm