Chuyện của Kẹo

“Kẹo” là cái tên mà nhiều người dân khu phố cổ Hà Nội vẫn quen gọi cậu bé tàn tật có sạp báo di động được thiết kế ngay trên chiếc xe lăn ấy. Câu chuyện xung quanh cái sạp báo - xe lăn và cậu bé Kẹo làm nhiều người phải khâm phục và xúc động trước nghị lực, ý chí vươn lên của một số phận kém may mắn.

Sạp báo - xe lăn

 

Đến phố Hàng Buồm, hỏi “Kẹo bán báo” ai cũng biết. Không những thế mọi người còn biết giờ này Kẹo đang làm gì - rong ruổi với sạp báo trên các con phố hay ở trong căn nhà nhỏ số 18 Hàng Buồm. Thời gian một ngày của Kẹo dành hầu hết cho công việc bán báo, vì vậy gặp cậu ngoài đường dễ hơn gặp ở nhà.

 

Gặp Kẹo đang rong ruổi với sạp báo trên phố Hàng Buồm, ấn tượng đầu tiên là thái độ thân thiện, cởi mở đến bất ngờ của cậu. Trông Kẹo có vẻ hơi “bụi” với mái tóc bù xù, chiếc áo phông đỏ, quần ngố. Lời mời của Kẹo được phát âm từng từ một cách khó nhọc: “Bọn... mình... đi... uống.. nước ngô.. nhé. Ngon lắm... anh ạ!”

 

Và thế là cậu bé bắt đầu câu chuyện với chúng tôi bên những cốc nước ngô ngọt lịm ở một quán cóc phố cổ. Kẹo tên thật là Nguyễn Mạnh Cường, sinh năm 1988, ngày 27/7. Kẹo bảo, lúc mới lọt lòng trông cậu bé như cái kẹo, củ khoai nên mẹ thường gọi là “thằng Kẹo, cu Kẹo”.

 

Kẹo sinh ra với một thân thể không lành lặn do chất độc da cam nhiễm từ bố (từng chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị năm 1972). Nỗi đau da cam hiện hữu trên cơ thể Kẹo là chứng liệt nửa người, hỏng cột sống, mất khả năng nói và phát âm. Thế nhưng nỗi đau da cam ấy có thấm tháp gì so với nỗi đau bị mẹ bỏ rơi, nỗi đau mà cho đến hôm nay vẫn chưa hề nguôi ngoai trong cậu bé.

 

Cho đến tận hôm nay, điều duy nhất mà Kẹo nhớ ở mẹ là cái tên. Người đàn bà ấy tên là Hiền, đã rời bỏ bố con Kẹo lúc cậu mới lên 2 tuổi. Với Kẹo, không được sống trong vòng tay yêu thương của người mẹ là thiệt thòi lớn nhất. Từ khi mẹ bỏ đi mang theo người anh trai lành lặn, 2 bố con Kẹo đã phải vất vả chèo chống giữa dòng đời. Chuỗi ngày dài sau đó, bố Kẹo rơi vào bi kịch của rượu vì chán chường.

 

Kẹo tâm sự, cậu thương bố nhất trên đời cho dù khi còn sống, đôi lúc trong cơn say bố lại đánh chửi cậu. Những lúc ấy, Kẹo có cảm giác mình là gánh nặng của người cha bất hạnh.

 

Kẹo còn nhớ như in những lần hai bố con ôm nhau khóc sau khi bố tỉnh những cơn rượu trốn nỗi sầu. Nhưng rồi căn bệnh xơ gan cổ trướng đã cướp đi người bố thân yêu của em. Từ đó, Kẹo trở thành một đứa trẻ tàn tật không cha không mẹ. 

 

Bà con trong khu phố và những người gần gũi giúp đỡ cậu vẫn hay nhắc lại chuyện những ngày đầu Kẹo đi bán báo. Không ít lần Kẹo gặp mưa, không chạy kịp bị ướt hết báo, rồi có hôm lại bị xe rác húc phải ngã lăn kềnh ra đường... Cũng không ít lần Kẹo bị xe máy, taxi quệt phải, người dân khu phố cổ đều “bênh” cậu như bênh người nhà của mình... Nhưng, tất cả những khó khăn đó chưa bao giờ khiến Kẹo phải lùi bước.

 

Làm người có ích

 

Hồi bố còn sống, Kẹo bán báo thâu đêm vì ban ngày cậu khó địch lại với đội quân bán báo rong. Khách mua báo đêm là những khách ăn đêm ở các quán vỉa hè. Từ khi bố mất, Kẹo chỉ bán đến 23 giờ vì không còn ai thức dậy vào 3 - 4 giờ sáng để bế cậu đi ngủ sau giờ bán báo.

 

Lúc mới đi bán báo, Kẹo được rất nhiều người cho tiền hoặc mua báo mà không lấy lại tiền thừa nhưng cậu bé không bao giờ nhận, dù chỉ là 500đ. Kẹo kể, có khách còn kẹp cả tờ 50 nghìn vào tiền mua báo để cho cậu nhưng khi phát hiện Kẹo một mực đòi trả lại.

 

Chị Mai Lan là người Kẹo vẫn thường coi như mẹ nuôi. Mẹ Lan của Kẹo cũng nghèo lắm nhưng thương cậu như con. Ngày nào mẹ cũng dậy sớm từ 5 giờ sáng lên Đinh Lễ lấy báo về cho Kẹo bán, sau đó mới dọn hàng nước ở một góc phố Hàng Buồm.

 

Mẹ Lan bảo, Kẹo sáng dạ lắm, từ khi bán báo cậu bé trưởng thành hơn rất nhiều. Bây giờ khả  năng nói của Kẹo cũng tiến bộ nhiều chứ trước đây ai dám nghĩ cậu bé có thể nói được một câu hoàn chỉnh.

 

Ngoài mẹ Lan, từ khi bố mất, Kẹo cũng luôn được bác dâu chăm lo, nuôi nấng. Bác lo cả tắm giặt, ăn uống, bế cậu đi ngủ, đóng ghim báo giúp Kẹo...

 

Cần mẫn với sạp báo hằng ngày nhưng Kẹo cũng tự hào vì đã được lên tivi. Có hẳn một bộ phim dài 30 phút do Đài Truyền hình Hà Nội làm về Kẹo. Và khi “Sạp báo - xe lăn” (tên bộ phim) được trình chiếu ở Pháp, đã rất nhiều bác Việt kiều xúc động. Khi về quê hương, các bác tìm đến tận phường Hàng Buồm để gặp bằng được “cháu Kẹo”.

 

Ông Phó Chủ tịch phường Hàng Buồm Hoàng Quốc Hùng - người luôn quan tâm, dìu dắt Kẹo - bảo: “Những người như bé Kẹo đáng được hưởng sự quan tâm của mọi người. Kẹo còn là tấm gương cho nhiều thanh niên trong phường tôi”.

 

Bây giờ Kẹo biết đọc rồi và điều quan trọng hơn là trong những chuyến đi đến làng trẻ em bị nhiễm chất độc da cam, Kẹo thấy mình còn may mắn hơn nhiều bạn khác. Thế nên cậu vẫn luôn nuôi dưỡng một khát khao bình dị nhưng thật thiêng liêng: “Làm người có ích”.

 

Theo Tuấn Vũ
Lao Động