Chuyện của “dân club”
(Dân trí) - Học giỏi, năng động, có tài lẻ, thành viên của câu lạc bộ (club) là hình ảnh của nhiều teen hiện nay. Club chính là nơi để các bạn học hỏi, chia sẻ, kết bạn, nhưng có không ít xì -tin lại làm xấu đi ý nghĩa tích cực của nó.
“Ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng”
Môi trường giáo dục tiên tiến, điều kiện học tập và sinh hoạt tập thể phát triển tốt hơn đã giúp cho nhiều trường học trở thành “ngôi nhà” thứ hai của các bạn học sinh. Nhưng đáng tiếc là nhiều bạn lại dành quá nhiều tâm huyết và quên mất gia đình - ngôi nhà thứ nhất của mình.
Khá nổi tiếng trong trường vì là một thành viên năng nổ, thường dàn dựng các chương trình nghệ thuật, tham gia cuộc thi Tuổi đời mênh mông, thành viên tích cực trên một website âm nhạc nên V.T (1993) được thầy cô, bạn bè tín nhiệm nên T còn kiêm chủ nhiệm 2 CLB của trường. Lịch học thêm, công việc quản lý, xây dựng chương trình cho các buổi sinh hoạt, lên kế hoạch hoạt động và tìm nhà tài trợ cho CLB ngốn hầu hết thời gian của T nên đã từ lâu cậu như trở thành “khách trọ” ngay trong chính gia đình mình.
Từ chỗ ủng hộ, bố mẹ cậu đã “ghét lây” cả “việc công” và bạn bè của T. “Câu lạc bộ gì mà đi suốt ngày, mới mười mấy tuổi đầu mà hễ bố mẹ nhờ cái gì cũng đang bận. Người lớn đi làm có khi còn không bận bằng tụi nó bây giờ. Thế mà có bạn bè gọi cái là đi ngay, không hiểu công lên việc xuống gì”, bác Hiền P, tỏ ý nghi ngờ và khó chịu về cậu con trai “ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng” của mình.
Bích Đ (1994, N.S.L) cũng mắc kẹt trong thế “tiến thoái lưỡng nan”, một bên là những công việc gia đình hàng ngày, còn một bên là hoạt động trường lớp với CLB tâm huyết của mình. Chưa tròn 15 tuổi, nhưng Đ đã là đội trưởng của nhóm tham gia diễn thuyết trước nhà trường, biết chơi guitar từ nhỏ nên hiện tại cô bạn cũng “đứng lớp” dạy guitar cho CLB âm nhạc với hơn 30 thành viên cùng với một thầy giáo khác.
Sớm trở thành “sếp” nên Đ đã quen với việc “chỉ đạo”. Thật tiếc là nhiệt huyết và có trách nhiệm bao nhiêu trong công việc thì Đ lại vô tư đến vô tâm khi ở nhà. Cô bạn gần như phó mặc hết tất cả cho bố mẹ. Đã thế, làm việc gì, Đ cũng có thói quen “sai truyền”. Ngồi học mệt sai mẹ đi pha sữa, phòng bừa bộn sai mẹ đi thu dọn... và tuyệt nhiên mẹ không dám nhờ con gái mình làm gì vì Đ luôn có lý do chính đáng “con đang rất nhiều việc”.
Bố Đ làm chuyên viên của một dự án về bảo vệ môi trường thường hay phải đi công tác nước ngoài, nên một mình mẹ Đ phải lo lắng nhà cửa, chăm sóc cho cả hai chị em. Có hôm bận việc, phải đến cơ quan sớm không chuẩn bị được cơm trưa, mẹ đưa tiền dặn Đ mua đồ ăn về cho hai chị em. Thế rồi đi mải mê thế nào mà cô bạn quên luôn để cậu em trai mới 6 tuổi ở nhà nhịn đói đến chiều. Nhiều hôm mẹ ốm mà Đ vô tư đi dạy đàn và hát tới tận tối khuya. Họ hàng, đồng nghiệp, khách đến nhà chơi đều nói với mẹ Đ là có cô con gái vừa học giỏi, lại đa tài. Mẹ cười nhưng trong lòng buồn vì hiểu với con gái mình thì “câu lạc bộ có khi còn quan trọng hơn mẹ”.
Chuyện ma cũ, ma mới
Ngày trước, câu lạc bộ dành cho học sinh cấp 2, cấp 3 chỉ giới hạn ở những cái tên có “thâm niên” như tiếng Anh, Toán, Vật lý, những môn thể chất thì có cầu lông, bóng bàn, cờ vua, nhưng bây giờ thì “choáng lắm ý, cả một list dài toàn những “món” đúng khẩu vị của bọn mình bây giờ: Bóng rổ, Dance Sport, Hiphop, Breakdance, Cheerleader (Đội cổ vũ), Điện ảnh... Mình là lính mới nên đúng là vô cùng choáng trước những cái tên này, mình đang chọn lựa vì thích la liếm, cái gì cũng muốn thử một ít”, Đoàn Linh, 10A12, THPT Kim Liên chia sẻ.
Cô bạn chưa kịp tìm hiểu thì các CLB đã có những buổi ra mắt, giới thiệu để “chiêu sinh” với các “tân binh” rồi. Bạn ấy còn được các anh chị lớp trên hướng dẫn tận tình nếu muốn trở thành “mem” của CLB.
Tiếc là không phải tân binh nào cũng được đón chào nhiệt tình và dễ chịu như Linh. Mới bước vào trường được 4 hôm, mà V.Q (1993, C.G) đã được các đàn anh “ma cũ” lôi kéo ngay vào CLB Bóng rổ của trường. Được mời chào săn đón như vậy vì Q nổi bật với chiều cao 1m82 và đã được cô giáo chủ nhiệm giao ngay trọng trách là... cầm biển lớp. Hào hứng, tự tin bao nhiêu trong buổi tập đầu tiên với cả đội thì sau đó, cậu lại trở nên tự ti và buồn bã bấy nhiêu. “Các anh có nói là chiều cao là điều quan trọng khi chơi bóng rổ nhưng sự thực là mình đã nhập cuộc rất tệ. Ai cũng nói mình có thể là thành viên chủ chốt nhưng sau 2 tuần, mình gần như bị lờ đi, thậm chí còn không được gọi đến trận thi đấu đầu tiên trong trường”.
Sau nhiều lần bị lờ đi đó, Q đã hiểu ra là tuy cậu có chiều cao nổi bật nhất trong đội nhưng kém về kỹ thuật và bị cận nên khi chơi phải bỏ kính ra, thị lực giảm sút khiến Q ít khi chuyền bóng đúng hướng cho đồng đội. “Mình đã hy vọng các anh có thể dạy hoặc chỉ bảo cho mình, nếu mình không thể thì hãy cứ nói thẳng để mình biết, mình sẽ tự xin rút, chứ đừng bỏ quên mình như vậy. Mình đã rất cố gắng và hy vọng”.
Chỉ cần một lời nói, một cử chỉ cũng đủ làm tổn thương sâu sắc một người bạn. Nhất là ở lứa tuổi teen, cảm xúc dễ xáo trộn, tâm lý chưa ổn định, khi gặp chuyện thất vọng các bạn dễ rơi vào trạng thái chán nản, nặng hơn là trầm cảm, trở nên ít nói, lầm lì và tự cô lập mình. Như trường hợp của Q, được mời chào để tham gia đội bóng sau rồi lại ra đi “không cờ không trống” đã để lại “dấu ấn đen” ngay những ngày đầu đến trường.
Bài: Ly Vũ
Ảnh: Đoàn Linh