Chứng tự hành xác của giới trẻ Mỹ

(Dân trí) - Cô bé Nicole, 16 tuổi, là một trong số rất nhiều trẻ vị thành niên ở Mỹ đã lựa chọn cách tự làm đau cơ thể mình, hay còn gọi là hành xác, để xoa dịu nỗi đau về tinh thần. Lần đầu tiên Nicole tìm đến hành vi này là khi bị người yêu bội bạc.

Tự cắt da thịt mình bằng dao cạo, tự làm tổn thương cơ thể bằng những vật sắc nhọn, mọi hành vi khiến cơ thể phải chịu những đau đớn, thương tổn.... được gọi là chứng tự hành xác. Hiện tượng này đang khá phổ biến trong giới trẻ tuổi vị thành niên Mỹ.

 

Ban đầu Nicole dùng chất tẩy chà mạnh lên làn da, nhưng mức độ tổn thương dường như chưa đủ nên cô bé dùng các dụng cụ nguy hiểm hơn như dao, kéo, ghim băng.

 

Sau 5 năm, hai cánh tay và chân của Nicole chằng chịt các vết thương, các vết sẹo chưa kịp liền da. Nguy hiểm hơn những tổn thương về thể chất là cảm giác "trống rỗng, chết chóc, tuyệt vọng, thất bại" mà em bị rơi vào sau mỗi lần hành xác.

 

Theo các nhà tâm lý học, hành vi tự hành xác phát triển như một căn bệnh gây nghiện. Khi đã làm điều đó một lần, nạn nhân luôn ham muốn thực hiện nó mỗi khi gặp phải sự thất vọng, chán chường mà không biết cách để xoa dịu hay vượt qua nó. Khi phải chịu đau đớn về thể chất, cơ thể sẽ tiết ra một loại chất làm giảm cơn đau và nó giúp người ta quên đi những chán chường thất vọng. Thế nên các bệnh nhân tự hành xác hi vọng có thể quên đi nỗi đau tinh thần bằng cách tự tạo ra nỗi đau thể chất.

 

Chuyên gia tâm lý người Mỹ Jennifer Cooper cho biết, phòng khám ở Hermiston của bà có rất nhiều trẻ vị thành niên cùng triệu chứng như Nicole. Trước kia, hành vi tự hành xác xuất hiện ở những người có vấn đề về tâm lý, nhưng giờ đây hành vi này có chiều hướng gia tăng ở các em nữ và phổ biến nhất là trong tuổi vị thành niên.

 

Bà nói: "Một trào lưu tự hành xác đang hình thành trong giới trẻ vị thành niên Mỹ. Các em lập hẳn một cộng đồng người tự hành xác trên Internet để chia sẻ và tâm sự với nhau. Nhiều em còn tung lên mạng những bức ảnh chụp lại chiến tích của mình".

 

Kết quả điều tra tại một số trường đại học ở Mỹ cho thấy, có tới 17% sinh viên đã từng thực hiện hành vi tự hành xác ít nhất một lần. Đáng  ngạc nhiên là có tới 67-85% là nữ giới. Các nhà tâm lý cho rằng các em nữ luôn tìm cách chế ngự tình cảm, trong khi các em nam lại có xu hướng tìm một hành động nào đó như đánh nhau, uống rượu... để giải tỏa stress.

 

Vander Kolk và Herman, 2 chuyên gia tâm lý, đã tiến hành một nghiên cứu về động cơ của hành vi tự hành xác. Kết quả điều tra cho thấy, đa số các bệnh nhân đều trải qua thời thơ ấu bị lạm dụng tình dục hoặc thể chất. Bệnh thường xuất hiện ở những đứa trẻ được nuôi dưỡng trong những gia đình không hạnh phúc, không được chia sẻ hay tâm sự những vấn đề cá nhân với người thân. Một số khác là do bị lạm dụng ngay trong trường học.

 

Cách chữa trị căn bệnh này vẫn đang là câu hỏi lớn cho các bác sĩ điều trị. Sau một thời gian điều trị tại phòng khám của nhà tâm lý Cooper, mọi người tưởng rằng cô bé Nicole đã khỏi bệnh, nhưng chỉ vài tháng sau em lại có những trạng thái tâm lý và hành động tự làm đau cơ thể mỗi khi gặp chuyện buồn.

 

Các chuyên gia tâm lý đều nhất trí, chỉ có bệnh nhân mới có thể tự cứu mình bằng cách cởi mở tâm sự với bố mẹ, thầy cô và bạn bè thay vì giữ kín trong lòng.

 

H.H

Theo AFP