Chung kết năm Olympia 2018 có câu hỏi chưa thực sự trọn vẹn?

(Dân trí) - Sau trận Chung kết năm Đường lên đỉnh Olympia 2018, một số ý kiến cho rằng một câu hỏi trong đó chưa thực sự trọn vẹn về mặt logic hình vẽ.

Trận chung kết năm thứ 18 Đường lên đỉnh Olympia đã diễn ra vào ngày 2/9 vừa qua với sự đăng quang của Nguyễn Hoàng Cường (THPT Hòn Gai, Quảng Ninh).

Khi xem chương trình này, anh Nguyễn Duy Thịnh, nghiên cứu sinh ngành Khoa học máy tính, đã thông tin đến báo Dân trí rằng câu hỏi 1 vòng thi Tăng Tốc (mà cả bốn thí sinh không giành được điểm) bị sai sót.


Câu hỏi phần thi Tăng tốc Đường lên đỉnh Olympia được cho chưa trọn vẹn về mặt logic hình vẽ

Câu hỏi phần thi Tăng tốc Đường lên đỉnh Olympia được cho chưa trọn vẹn về mặt logic hình vẽ

Anh Thịnh cho biết câu hỏi về định dạng bình thông nhau là dạng toán khá phổ biến trong một số cuộc thi Toán quốc tế của tiểu học, chẳng hạn như bài thi khối lớp 3-4 của cuộc thi đánh giá năng lực Toán học (IMAS 2014).

Khi so sánh bài toán trong đề IMAS 2014 với câu số 1 trong phần Tăng tốc ở trận Chung kết năm Đường lên đỉnh Olympia 2018, anh Thịnh phát hiện ra sai sót trong hình vẽ F của đề thi Olympia.

"Bình hình F ( xem hình 1) bị tách rời hệ thống và lơ lửng, không có điểm gắn cũng như giá đỡ. Điều này sai logic và khác biệt hẳn với các đề thi quốc tế chuẩn chỉnh cả về nội dung lẫn hình vẽ", anh Thịnh nói.

Theo anh Thịnh, đây là bài toán có yếu tố thực tiễn nên các chi tiết logic là rất quan trọng và đây là lỗi sai đáng kể trong một cuộc thi kiến thức như Đường lên đỉnh Olympia.

"Phải chăng đội ngũ ra đề của Olympia đã cố gắng vẽ thật nhiều bình để tạo ra sự khác biệt, khiến đề bài có độ khó hơn mà quên mất đi tính logic kết nối tự nhiên giữa các bình thông nhau hoặc giá đỡ đảm bảo yếu tố cân bằng vật lý", anh Thịnh đặt nghi vấn.


Bài toán trong đề IMAS 2014 cho khối lớp 3-4

Bài toán trong đề IMAS 2014 cho khối lớp 3-4

Chia sẻ về vấn đề này với PV báo Dân trí, thầy giáo Trần Phương - Phó giám đốc Trung tâm hỗ trợ phát triển tài năng (thuộc Liên hiệp hội Khoa học & Kỹ thuật Việt Nam) nhận định:

“Các ý tưởng hay về Toán học và logic không phải là vô tận, Ban nội dung Olympia có thể tham khảo các đề toán quốc gia, quốc tế, hoặc sáng tạo để tạo ra một bài toán mới.

Nhưng dù sáng tạo như thế nào đi nữa vẫn phải giữ một nguyên tắc bất biến đó là: “Đi từ cái đúng đến cái hay, cái đẹp” chứ không thể “thiết kế một bài toán hay trên một logic sai”.

Trong bài toán này (so với đề thi IMAS 2014 khối lớp 3-4), Ban nội dung đã có sáng tạo khi tăng số lượng bình và cho thêm các kết nối không đục lỗ giữa bình G với E và H với L. Tuy nhiên cách thể hiện đường kết nối giữa E với F không có điểm kết dính nên F "không thể cân bằng lơ lửng trong không gian được" và như thế bài toán chưa hoàn chỉnh.

Khi mà 11 bình đều có điểm dính gắn kết mà hình F lại không có điểm gắn kết và không có chú thích thì không thể đặt đề bài bình nào ngập nước đầu tiên trên 1 hình vẽ sai.

Điều này cũng tương tự như bạn vẽ 11 người đang đứng trên trái đất còn một người không có thiết bị phụ trợ đang lơ lửng không trọng lượng nhưng lại bắt tay với 1 trong 11 người ở mặt đất rồi bạn đặt câu hỏi ai nhẹ nhất hoặc ai cao nhất.

Với bài toán và hình vẽ hiện có của Olympia thì câu hỏi phù hợp nhất nên thay đổi là “Tìm chi tiết sai trong hình vẽ sau”. Đây chính là dạng bài phổ cập trên website rất nổi tiếng thế giới Bright Side: https://brightside.me/wonder-quizzes/test-can-you-guess-whats-wrong-with-these-10-pictures-within-one-minute-592210/).

Một điều nữa là với 1 câu hỏi logic trong 30 giây thì một kiểu hình vẽ đơn giản như đề thi IMAS 2014 sẽ phù hợp hơn với cách phức tạp hóa vấn đề cho nhiều bình và các loại đường dẫn kết nối các bình để rồi dẫn đến sai lầm trong hình vẽ như đề thi của Đường lên đỉnh Olympia.

Nếu nhìn nhận đề thi Toán tuyển sinh đại học 2018 dù có đúng về logic nhưng vẫn có rất nhiều ý kiến phê bình đề thi quá khó (làm Tiến sĩ cũng phải bó tay) thì sai sót trong câu hỏi logic của đề thi chung kết năm Olympia 2018 là đáng quan tâm cho dù nó không làm ảnh hưởng đến kết quả xếp thứ hạng của các thí sinh".

"Những phân tích và nhận xét của tôi mang tính chất xây dựng để cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia ngày càng tỏa sáng", thầy Trần Phương khẳng định.

Vũ Phong

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm