Chủ tịch Bạc Liêu: "Thanh niên bỏ quê đi nơi khác làm, thấy rất đau lòng"

Huỳnh Hải

(Dân trí) - "Hàng ngàn thanh niên miền Tây nói chung, tỉnh Bạc Liêu nói riêng mỗi năm phải bỏ quê mà đi các tỉnh khác để tìm việc làm, đây là tình trạng rất đau lòng", Chủ tịch tỉnh Bạc Liêu tâm tư.

Tại chương trình Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu đối thoại với thanh niên năm 2022 diễn ra ngày 17/10, chị Lê Nguyễn Thảo Phương, Bí thư Đoàn khoa Công nghệ thông tin, Trường Đại học Bạc Liêu, chia sẻ, hiện nay tỉnh Bạc Liêu có hàng ngàn thanh niên mới bước sang độ tuổi lao động, sinh viên ra trường, học sinh thôi học, công nhân dôi dư từ những xí nghiệp thua lỗ, bộ đội xuất ngũ..., cần việc làm.

Chị Phương đặt vấn đề với lãnh đạo tỉnh, địa phương có những quan tâm và chính sách nào để hỗ trợ khởi nghiệp, lập nghiệp và giải quyết việc làm cho thanh niên hiện nay?

Chủ tịch Bạc Liêu: Thanh niên bỏ quê đi nơi khác làm, thấy rất đau lòng - 1

Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều đã có những chia sẻ thẳng thắn với thanh niên tỉnh nhà nhiều vấn đề quan tâm trong cuộc sống, việc làm... (Ảnh: HH).

Nói về vấn đề này, ông Phạm Văn Thiều, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu cho  biết, hàng năm Bạc Liêu có  60.000 trong độ tuổi lao động, trong đó có không ít thanh niên phải đi các tỉnh như Bình Dương, Đồng Nai, TPHCM, nơi có các khu công nghiệp lớn để tìm  việc  làm.

"Họ rời khỏi quê mà đi, cuối năm về, làm dư vài triệu đồng xài Tết hết rồi đi nữa, rất đau lòng. Có nhiều người nuôi tôm, cua thất bại cũng đi. Do đó, ngành quản lý nhà nước phải làm sao tạo công ăn việc làm để giữ chân họ", ông Thiều trăn trở.

Chủ tịch Bạc Liêu thẳng thắn, tỉnh này không có nhiều khu công nghiệp lớn, mặc dù có nhiều địa phương quy hoạch khu công nghiệp, khu chế xuất nhưng nhà đầu tư đến rồi đi. Bởi vì, tỉnh không có cảng biển, chưa có đường cao tốc, hạ tầng còn thấp..., nên nhà đầu tư cho rằng làm ra sản phẩm rồi vận chuyển rất xa tốn thêm nhiều chi phí. Do đó, thời gian tới khi có các đường cao tốc rồi thì tỉnh tiếp tục kêu gọi nhà đầu tư về, từ đó tạo thuận lợi công ăn việc làm cho lực lượng lao động tại chỗ. 

Theo Chủ tịch Bạc Liêu, lực lượng thanh niên ra trường ngày càng nhiều, nhà nước thì tinh giản biên chế. Thanh niên ĐBSCL lại ngại đi nước ngoài dù có chính sách hỗ trợ. Trong khi đó, ở các tỉnh vùng ngoài lực lượng thanh niên đi xuất khẩu lao động rất nhiều. Họ đi có thu nhập rồi về cất nhà, làm chủ công nghệ mở cơ sở kinh doanh.

"Do đó, các tổ chức Đoàn cần tuyên truyền nhiều hơn cho thanh niên đi lao động nước ngoài, đổi mới tư duy, nâng cao tay nghề bởi hiện tay nghề của nhiều thanh niên còn kém, như nhà máy điện gió ở Bạc Liêu cần kỹ sư nhưng rất khó tìm. Chỉ có công ăn việc làm thì mới xóa nghèo bền vững", ông Thiều nói.

Chủ tịch Bạc Liêu: Thanh niên bỏ quê đi nơi khác làm, thấy rất đau lòng - 2

Chị Lê Nguyễn Thảo Phương, cán bộ Đoàn của Trường Đại học Bạc Liêu, quan tâm đến lĩnh vực việc làm cho thanh niên (Ảnh: HH).

Cũng tại buổi đối thoại, nhiều cán bộ Đoàn cơ sở tâm tư về việc phát triển đội ngũ cán bộ Đoàn nhưng hiện nay chủ trương tinh giản biên chế, không ký hợp đồng lao động theo chuyên môn nghiệp vụ, từ đó thiếu nguồn cán bộ Đoàn thừa kế. 

Ông Lê Hoài Bảo, Phó Ban Tổ chức Tỉnh ủy Bạc Liêu chia sẻ, hơn 10 năm trước ông cũng từng làm công tác Đoàn. Thời đó, vấn đề biên chế cởi mở hơn khi lãnh đạo đơn vị được quyền ký kết hợp đồng, lựa chọn rồi tuyển dụng khi thấy cán bộ đó hoạt động hiệu quả.

Tuy nhiên, hiện nay, vấn đề biên chế khó khăn hơn, là một áp lực rất lớn đối với những người làm công tác tổ chức.

"Tỉnh Bạc Liêu cũng đang thực hiện tinh giảm biên chế, với lộ trình đến năm 2026 giảm thêm khoảng 7%. Việc giảm biên chế làm sao phải vừa thực hiện đúng quy định Trung ương, vừa đảm bảo hài hòa của từng đơn vị nguồn nhân lực hoạt động. Do đó, rất mong cán bộ Đoàn, cơ quan ban ngành hết sức thông cảm", ông Bảo bày tỏ.

Còn việc không thực hiện ký hợp đồng lao động làm công tác chuyên môn theo ông Bảo là thực hiện theo quy định tại Nghị định số 161/2018/NĐ-CP, ngày 29/11/2018 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số quy định về tuyển dụng công chức, viên chức, nâng ngạch công chức, thăng hạng viên chức và thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập. 

Về vấn đề này, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều cho rằng, Đoàn thanh niên là đơn vị đặc thù, đội dự bị tạo nguồn cho Đảng nhưng biên chế còn bất cập.

"Ngay cả quy định tuổi Đoàn vẫn còn quy định chặt chẽ, trong khi biên chế thắt chặt, do đó hiện có một số cán bộ Đoàn lớn tuổi những chưa bố trí được chỗ nào. Việc này cần có kiến nghị Trung ương nên có biên chế phù hợp cho tổ chức Đoàn", ông Thiều nói.