Chọn quê hương để trở về...

30 năm. Có những người trẻ ra đi và đã trở về. Tổ quốc, quê nhà đã là chọn lựa số một trước rất nhiều cơ hội của cuộc đời họ. Đối với giới trẻ Việt kiều, về cũng là một cách vượt qua chính mình nhưng quê hương cũng là mảnh đất đẹp cho những ai biết và dám chấp nhận khám phá.

Họ đã trở về

Tiến sĩ Dương Anh Đức - hiện là trưởng khoa Công nghệ thông tin ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TPHCM) - đủ điểm đi học nước ngoài theo diện học bổng nhà nước ngành vật lý. Sang Nga, anh được chuyển sang học ngành toán tại Đại học Tổng hợp Ivanôvô (nằm ở phía bắc nước Nga).

Anh với bạn bè mang trong lòng một nung nấu duy nhất: học giỏi và về nước phục vụ. Đất nước hòa bình, một số bạn bè chọn con đường ở lại thì anh về, dù trước mắt đầy khó khăn về kinh tế, điều kiện nghiên cứu.

Nguyễn Xuân Vinh cũng thế, từng được Cơ quan Bảo vệ môi trường Hoa Kỳ “săn” và có lời mời ở lại, anh vẫn khăng khăng về sau khi lấy bằng thạc sĩ và hiện là cán bộ Viện Sinh học nhiệt đới.

Trong cuộc trở về, có cả bàn chân của những Việt kiều trẻ đã từng rời xa quê nhà. 22 tuổi, Đào Nguyên Dạ Thảo đã “vượt biên đi Mỹ”, lấy bằng họa sĩ và kỹ sư máy tính, làm việc tại Mỹ và Anh với mức lương cao. Nhưng giờ đây chị đã về, để chỉ làm bà chủ quán cà phê Paris gần nhà thờ Đức Bà, Q.1. Giữa Sài Gòn, chị nói: “Ở quê hương dù bụi bặm, nóng, ồn ào nhưng mình vẫn thích vì đó là của mình”.

Còn Phan Việt Quốc Huy, chuyên viên các chương trình hợp tác quốc tế Trường cao đẳng Hoa Sen, vốn từng lớn lên, đi học, làm việc trong ngành ngoại thương ở Pháp, đã không kềm nổi giọt nước mắt khi chứng kiến dòng người tràn ngập đường phố, vẫy cờ nước, hò reo vang trời một dịp SEA Games: “Đây mới là nơi tôi thuộc về…”.

Trăn trở và những bước đi

Chọn quê hương để trở về... - 1

Huy tự hào khi ngồi trước dinh Thống Nhất, nơi ông nội Huy (ông Phan Văn Điển) là tổng chỉ huy xây dựng.

Dương Anh Đức không quên những ngày tháng mới từ nước ngoài về VN, phải dậy từ sớm để xếp hàng mua gạo tem phiếu, những bữa cơm tập thể ở ký túc xá “rùng cả mình”. Anh và đồng nghiệp cặm cụi ngày đêm trên những chiếc máy thời kỳ cũ, rồi dần tạo dựng nên khoa công nghệ thông tin của ĐH Khoa học tự nhiên ngày nay (vừa mới kỷ niệm 10 năm thành lập).

Anh đã lập dự án, thuyết phục Nhà nước đầu tư 6,8 tỉ đồng xây dựng xưởng sản xuất phần mềm tại khoa công nghệ thông tin. Anh cũng luôn tạo điều kiện để cán bộ trẻ trong khoa đi du học nước ngoài chỉ vì “họ cần kiến thức mới, phong cách làm việc mới để đột phá trong công việc khi trở về quê hương”.

Từ chối những điều kiện tốt hơn, anh Nguyễn Xuân Vinh nói nửa đùa nửa thật: “Ba năm ở Mỹ tôi đã cạn kiệt năng lượng của một người xa quê, xa không khí, thức ăn của quê nhà”. Và tại VN, người ta đã biết đến anh với những chuyến lên rừng xuống biển nghiên cứu, lặn lội trong rừng U Minh và được đánh giá cao với những dự án thực hiện với Tổ chức Care. Anh cũng là người viết sách và biên tập sách cho IUCN, một tổ chức khoa học uy tín.

Về để được làm việc trên quê hương, đó cũng là suy nghĩ của 150 thành viên cùng khóa với tiến sĩ Trần Nam Dũng, giảng viên môn toán Trường phổ thông Năng khiếu (ĐH Quốc gia TPHCM), du học ở Nga từ năm 1984. Cái khó khăn, theo anh Dũng, là có những kiến thức chuyên môn lúc đi học không ứng dụng được khi về nước.

May mắn anh học toán, dạy toán còn có điều kiện phát huy; một số bạn cùng khóa học vật lý lượng tử, sinh học, dầu khí... về VN làm kinh doanh máy móc, ôtô. “Nhưng đó cũng là thách thức của một đất nước đang phát triển” - anh Dũng nói.

Đối với giới trẻ Việt kiều, về cũng là một cách vượt qua chính mình nhưng quê hương cũng là mảnh đất đẹp cho những ai biết và dám chấp nhận khám phá. Dạ Thảo ngày mới về, cả năm trời đi dạy tiếng Anh cho các công ty. Và chị bắt đầu tính toán kinh doanh cho riêng mình.

Mở một quán cà phê đúng gu khách tây lẫn khách ta quả không đơn giản. Tìm hiểu thị trường, chị nhận ra khu vực xung quanh nhà thờ Đức Bà vừa là nơi khách du lịch nước ngoài thường xuyên qua lại, vừa là nơi các cao ốc văn phòng tọa lạc, chị chọn góc đường Nguyễn Du để mở quán.

Chị còn có một dự án đang thành hình: trại sáng tác - làng nghệ sĩ nằm bên hồ Tuyền Lâm, Đà Lạt, nơi để biểu diễn nhạc, có phòng để ở và sáng tác dành cho người trong nước sống và làm việc. Chị thốt lên: “Thật hạnh phúc khi làm việc ở nơi chốn của mình”.

Tiến sĩ Lê Phước Hùng - giáo sư ĐH St.John (Mỹ) - trong chuyến về VN mới đây (“tiền trạm” cho 20 SV Mỹ sang nghiên cứu về lịch sử VN tháng năm tới), kể cảm giác thuở nhỏ, ngày ra đi, khi anh và gia đình đặt chân lên đất Mỹ mà trong túi người cha chỉ còn vài chục đôla. Còn hôm nay, anh đang bắt tay làm một đề tài tiến sĩ rất VN “Cải lương...”.

Theo Đặng Tươi
Tuổi Trẻ