Chọn lối đi khó

Từng làm giám đốc hai công ty nước ngoài, tốt nghiệp đại học ngành hoá lại bỏ ngang, tự mình thành lập công ty chuyên tư vấn cung cấp giải pháp thương mại điện tử, đó là Lương Thị Kim Anh, giám đốc công ty VEC.

Đang làm giám đốc công ty nước ngoài, điều kiện làm việc, thu nhập rất tốt vì sao chị lại “bỏ ngang”?

 

Đến năm 27 tuổi, tôi đã có thâm niên làm giám đốc cho hai công ty vốn nước ngoài. Lần đầu là khi mới ra trường, tôi nộp  hồ sơ xin làm trợ lý giám đốc dự án xây dựng nhà máy sản xuất mỹ phẩm (xà phòng FA) do tập đoàn Henkel của Đức đầu  tư. Được 5 tháng, chị giám đốc dự án nghỉ việc, tôi lên thay. Đến khi xây xong thì tôi làm giám đốc nhà máy, rồi phó tổng giám đốc.

 

Lần thứ hai, khi công ty Tomboy chuyên sản xuất thức ăn nuôi tôm của Pháp xây dựng nhà máy ở khu công nghiệp Tân Tạo tuyển phó tổng giám đốc, tôi dự tuyển. Họ nhận tôi vào vị trí giám đốc. Nhưng ở cả hai công ty này, tôi thấy mình chỉ là người quản lý chứ không phải là người lãnh đạo. Nghĩ mình còn trẻ, có đủ thời gian thử sức, làm một cái gì đó nên tôi quyết định “ra riêng”.

 

Tốt nghiệp khoa hoá, vì sao chị lại theo con đường kinh doanh, lại là... thương mại điện tử, một lĩnh vực quá mới mẻ ở Việt Nam?

 

Ai cũng nói tôi “liều” khi quyết định lập công ty cung cấp các giải pháp thương mại điện tử VEC. Tôi nghĩ khác, miễn là lĩnh vực này có tiềm năng, cơ hội phát triển. Người lãnh đạo cần nhất là có thể sử dụng người giỏi, không cần phải biết hết tất cả. Tôi đã có một số kinh nghiệm quản lý, những cái khác học từ từ cũng được. Tôi còn có một người bạn, rất giỏi về quản trị kinh doanh và thương mại điện  tử đồng hành.

 

Tại hội thảo lấy ý kiến về định hướng  phát triển thương mại điện tử giai đoạn 2005-2010 do Bộ Thương mại vừa tổ chức, chị nói rằng nếu không có gì thay đổi, 2 năm nữa các công ty hoạt động trong lĩnh vực này sẽ chết hết. Một cái gì đó như là... “vỡ mộng”?

 

Có phần đúng là như vậy. Khi “lâm trận” tôi mới vỡ ra rằng không phải cái gì thế giới đang phát triển thì Việt Nam cũng sẽ phát triển. Nhu cầu về thương mại điện tử của các doanh nghiệp còn thấp đồng nghĩa với việc mình khó có thể có khách hàng, doanh thu.

 

Vấn đề nhân sự cũng nan giải. Bây giờ mình làm chủ một công ty mới, nhỏ, không phải công ty nước ngoài có tiềm lực lớn về tài chính, muốn kiếm người, giữ người rất khó.

 

Chỉ còn cách lấy ngắn nuôi dài, cung cấp thêm những dịch vụ khác liên quan đến CNTT, internet ngoài thương mại điện tử, mình phải vừa làm giám đốc, vừa làm thư ký, vừa làm bán hàng... Rồi phải tận dụng cơ hội quảng cáo trên các công cụ search của Google, Yahoo, danh bạ website của Việt Nam. Nhiều công ty khác cũng giống VEC, thành lập  không khó, nhưng tồn tại, phát triển được lại là chuyện khác.

 

Chị xung phong tham gia nhiều chương trình phổ cập... thương mại điện tử cho các doanh nghiệp, phải chăng đây là những nỗ lực tự cứu mình?

 

Hiện nay, nhu cầu của các doanh nghiệp về thương mại điện tử thấp, chủ yếu là do họ chưa nhận thức được hoặc nhận thức sai lầm về tầm quan trọng của nó.. Một “cái gì” đó cần thay đổi là cái này. VEC đã soạn, in, cung cấp miễn phí rất nhiều những cuốn sổ tay cung cấp kiến thức về thương mại điện tử, website của VEC chứa một thư viện điện tử liên quan đến lĩnh vực này.

 

Tôi tham gia vào ban cố vấn chương trình thương mại điện tử TPHCM, các khoá huấn luyện cho doanh nghiệp do Bộ Thương mại tổ chức. Đó là những  hoạt động nhằm khai phá, mở rộng thị trường chung, trong đó có mình.

 

Bây giờ chị có còn tự tin là mình sẽ thành công?

 

Bây giờ tôi nghĩ rằng ngành nghề mình đang làm là một ngành nghề... mạo hiểm, sẽ có rủi ro. Không giống như trước đây, thấy chỉ toàn cơ hội, hăm hở đón đầu. Một thực tế đáng buồn là nhiều doanh nghiệp, sau khi được VEC đưa lên sàn giao dịch B2B miễn phí đã không thèm quan tâm đến lợi thế bán hàng này của mình. Khách hàng nước ngoài liên lạc với doanh nghiệp không được, thường gửi email đến VEC than phiền.

 

Nhưng có một thực tế khác, đáng để lạc quan là Bộ Thương mại đã thành lập Vụ Thương mại điện tử để thúc đẩy sự phát triển của thương mại điện tử, những kết quả khảo sát gần đây cho thấy mức độ quan tâm của các doanh nghiệp đã nhích dần lên.

 

Thị trường trong lĩnh vực này như kho báu trong hang đá đang bị đóng chặt cửa, thôi thì mình cứ làm Alibaba, “vừng ơi” hết sức đi đã.

 

Theo Nguyên Lê
 Sài Gòn Tiếp Thị