Chính khách tuổi 18

Pháp hiện vẫn đang thảo luận về luật nhằm kiểm soát việc download nhạc, phim và nhiều chương trình phần mềm trên Internet. Điều thú vị là cố vấn cho Chính phủ Pháp là một chàng trai cực trẻ: Aziz Ridouan, 18 tuổi.

Julien Dourgnon, Giám đốc Kinh tế của Hiệp hội Người tiêu dùng Liên bang (Consumer’s Federal Union), một trong những tổ chức bênh vực quyền lợi người tiêu dùng của Pháp, nói: “Aziz đại diện cho cả một thế hệ. Aziz hiện là học sinh trung học nhưng cậu ấy có kiến thức rất tốt về luật sở hữu trí tuệ”.

 

Cha mẹ của A.Ridouan đều là dân nhập cư từ Morocco. Họ tới Pháp, gặp nhau, lập gia đình và sinh ra A.Ridouan. Hiện tại, A.Ridouan đang sống trong một căn hộ cao cấp ở trung tâm vùng Loire cùng mẹ sau khi cha mẹ cậu ly dị cách đây không lâu.

 

Từ năm 12 tuổi, A.Ridouan, đã bắt đầu chiến dịch vận động hành lang nhằm chống lại Hãng America Online nhưng cậu chính thức được dư luận biết tới vào năm 2004 khi sáng lập ra Audionautes (tạm dịch là Những người sành audio).

 

Sự ra đời của Audionautes là một dấu mốc lớn bởi đó là một tổ chức phi lợi nhuận cung cấp những sự hỗ trợ về mặt pháp lý cho những người bị kết tội download nhạc phạm pháp, rất nhiều người trong số đó đã bị Hiệp hội dân sự của những nhà sản xuất âm nhạc (Civil Society of Phonographic Producers) kiện.

 

Trong một buổi họp báo của đại diện ngành công nghiệp âm nhạc khi họ công bố đã “đánh sập” hơn 50 “tên trộm” trên mạng Internet, A.Ridouan đã nhân đó công bố sự ra đời của Audionautes. A.Ridouan nói: “Báo chí thường nói về người download nhạc trên mạng như những kẻ khủng bố giấu mặt. Thế nên, sự ra đời của Audionautes là cần thiết, để mang lại cho công chúng một cái nhìn khách quan hơn”.

 

Tại buổi họp báo đó, A.Ridouan thậm chí còn chỉ trích cả hệ thống kinh doanh nhạc trực tuyến iTunes của Hãng Apple: “Giá của những bài hát được download bao gồm cả những chi phí của việc sản xuất và vận chuyển những chiếc đĩa CD nhưng chắc chắn những khoản tiền ấy sẽ không bao giờ tới tay ca sĩ, những người đã tạo ra các tác phẩm âm nhạc đó”.

 

“Tôi không ủng hộ việc download nhạc miễn phí. Trái lại, tôi sẵn sàng “trả công” cho các nghệ sĩ nhưng không phải bằng cái giá mà các công ty ghi âm đòi hỏi. Internet là một công cụ tuyệt vời để truyền bá văn hóa và tại sao mọi người lại không sử dụng nó?”, A.Ridouan nói.

 

Đề xuất của A.Ridouan là lập nên một quỹ và những người sử dụng Internet (ở đây được hiểu là những người download nhạc), các nhà cung cấp dịch vụ phải đóng vào đó một khoản lệ phí thường xuyên.

 

Quỹ này sẽ chi trả cho các nghệ sĩ dựa trên mức độ phổ biến của các tác phẩm âm nhạc và cách hoạt động này khá giống với cách làm việc của các đài phát thanh ở các nước phát triển.

 

Việc hợp pháp hóa download trên mạng Internet với một khoản lệ phí nhỏ đã từng được đề cập tới trong luật sở hữu trí tuệ hồi tháng 12 năm ngoái nhưng cuối cùng lại không được Quốc hội Pháp thông qua.

 

Đầu tháng 5, A.Ridouan đã ở lại Paris 5 ngày để gặp gỡ các thành viên của nghị viện, trả lời phỏng vấn của hàng loạt những tên tuổi thông tấn hàng đầu thế giới và sau đó dẫn đầu một đoàn biểu tình hàng trăm người trên các con phố ở kinh đô ánh sáng.

 

Những chuyến công cán như vậy, A.Ridouan buộc phải nghỉ học ở trường. Có lần, đích thân Bộ trưởng Bộ Nội vụ Pháp, Nicolas Sarkozy, viết đơn xin phép cho cậu. 

 

Theo Phương Nguyễn
Sài Gòn Giải Phóng