“Chiến binh cầu vồng”
Năm 2016, Lương Thế Huy lọt vào Top 30 Forbes- 30 gương mặt trẻ tuổi (dưới 30 tuổi) nổi bật nhất tại Việt Nam. Khác với những người bạn đang hoạt động trong các lĩnh vực tài chính, giáo dục, khởi nghiệp…Huy được biết đến như một người trẻ giương cao lá cờ đầu của cộng đồng LGBT Việt Nam …
Đi tìm câu trả lời cho chính bản thân
“LGBT” là tên viết tắt cuả cộng đông người đồng tính nữ/nam, người song tính và người chuyển giới. Ngay từ khi còn là cậu học sinh cấp 3 trường THPT Nguyễn Du (Q. 10, TP. HCM), Lương Thế Huy đã có trong đầu rất nhiều câu hỏi về bản thân, cũng như về cộng đồng LGBT.
Không thoả mãn với những kiến thức mình thu thập được ở trong nước, Huy mày mò trên mạng tìm thông tin, tìm hiểu các thuật ngữ, kiến thức, các hoạt động mà cộng đồng LGBT thế giới đang thực hiện. Từ chỗ không biết chữ tiếng Anh nào, dần dần, Huy sử dụng thứ ngôn ngữ này một cách thành thạo, bên cạnh đó, cậu còn nhận ra những thứ mình biết được về LGBT, khác xa những gì cậu từng được hiểu.
Lựa chọn trường ĐH Luật, cũng là lúc Lương Thế Huy tham gia sâu hơn vào các hoạt động của cộng đồng LGBT. Năm 2008, Huy bắt đầu tham gia ICS, một tổ chức quy tụ các “lãnh đạo” cuả cộng đồng LGBT thời bấy giờ tại TP.HCM.
Với chuyên ngành học của mình, Huy được phân công phụ trách mảng tìm hiểu luật và vận động thay đổi chính sách. Năm 2003, thông tin Luật Hôn nhân và gia đình sửa đổi, mang lại rất nhiều kỳ vọng và hy vọng cho cộng đồng LGBT.
Như Huy kể, trong hồi ức của cậu, về thời điểm “sục sôi” của cộng đồng LGBT nhằm chờ đợi một sự thay đổi, là câu chuyện về một cặp đôi đồng tính nữ ở Biên Hòa. Hai người gần như từ bỏ công việc, tham gia vào các diễn đàn, trả lời phỏng vấn truyền thông… nhằm thừa nhận sự xuất hiện của cộng đồng LGBT, cũng như khuyến khích những người “còn trong bí mật” công khai giới tính thực. Luật Hôn nhân và gia đình (Sửa đổi) không cấm hôn nhân đồng giới song cũng không thừa nhận, dù vậy , đủ tạo thành cú hích tinh thần cho cộng đồng LGBT Việt Nam.
Nhiều đám cưới của người đồng tính được tổ chức, đặc biệt có sự xuất hiện của gia đình hai bên, sự ủng hộ tiến bộ và tích cực của xã hội, với một cộng đồng “cũng bình thường như bao người khác với đầy đủ quyền con người”.
Hiện tại, Lương Thế Huy là Giám đốc Chương trình Quyền LGBT, Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (iSEE). Bên cạnh mảng luật và vận động thay đổi chính sách, Huy còn tổ chức nhiều chương trình truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng, đồng thời, bảo vệ quyền lợi LGBT tại Việt Nam. Với Huy, đó là đường đi đúng hướng và say mê duy nhất mà câụ đã chọn lưạ .
Một cộng đồng còn gặp nhiều rào cản
Huy tâm sư, rào cản lớn nhất với những người thuộc cộng đồng LGBT, trớ trêu thay không phải từ xã hội, mà là từ gia đình. Nhiều bạn còn ngần ngại, thậm chí, sợ sệt công khai giới tính thật của mình. Là một người cũng từng gặp nhiều khó khăn trong việc “công khai”, Thế Huy hoàn toàn thấu hiểu và đồng cảm với những câu chuyện ấy.
Trong quá trình làm việc của mình, điều cậu cảm thấy nhớ nhất, day dứt nhất, là trường hợp các cá nhân tìm đến với Huy, chia sẻ cảm xúc lo lắng, sợ hãi khi bị gia đình phát hiện/công khai là LGBT.
“H. là một bạn đồng tính nam và điếc bẩm sinh, đang học đại học ở Hà Nội. Từng bị gia đình nhiều lần nghi ngờ, dò hỏi từ hồi học THCS, gần đây, khi phát hiện qua điện thoại, bố mẹ rất sốc khi bạn thừa nhận mình là người đồng tính. Bố mẹ không tin mà nghĩ rằng, bạn bị lôi kéo dụ dỗ. Cố gắng giải thích rất vất vả vì phát âm khó nhưng bố mẹ cũng chỉ gạt đi. Mẹ giận, quát đuổi bạn ra khỏi nhà nhưng bố thì bắt ở lại, mặc dù cũng không ủng hộ. Trong lúc căng thẳng, bạn bỏ nhà đi giữa đêm, không giấy tờ, tiền bạc, quên cả máy trợ thính.
Mình gặp bạn tại văn phòng cùng với một người bạn của bạn. Đó là một trong những cuộc tư vấn đặc biệt nhất, vì hai bên chỉ lặng lẽ viết lên giấy cho nhau đọc . Ý định của bạn rất thiên về hướng bỏ nhà, đi làm thêm kiếm tiền tiếp tục đi học, cố gắng tốt nghiệp để tự lập. Sau 3 ngày ở nhà của người cô, bạn quay trở về nhà, với sự hỗ trợ từ họ hàng, gia đình chấp nhận giảm căng thẳng”.
Trong các ca tư vấn, đa phần Huy đóng vai trò lắng nghe, gợi ý hướng giải quyết, chứ tuyệt nhiên không phán xét. Bởi cậu hiểu “gia đình” chính là yếu tố cơ bản nhất, cũng là rào cản cơ bản nhất ngăn những người LGBT công khai giới tính thực.
Tuy nhiên, theo Huy, mối tương quan giữa cộng đồng LGBT với xã hội là mối quan hệ hai chiều. Các bạn có công khai, xã hội mới hiểu. Từ chỗ hiểu, xã hội mới phản ứng tích cực hơn. Các bạn LGBT nên được khích lệ, là xã hội hiện nay, đã “an toàn” hơn rất nhiều so với xã hội của 10 năm trước. Sự thừa nhận giới tính thực của mình, cũng chính là cách trước hết để tự mỗi cá nhân được sống hạnh phúc.
Nói về hạnh phúc khi được thừa nhận, Thế Huy không thể quên câu chuyện của một cặp đồng tính nữ yêu xa tới tận 33 năm là chị Mỹ và chị Châu. Sau quãng thời gian xa cách, đấu tranh với định kiến xã hội và chống đối từ gia đình, Mỹ và Châu đã được chấp thuận bảo lãnh định cư và lên đường sang Canada từ ngày 20/02/2016.
Trước đó, ngày 14/2/2014, chị Mỹ cầu hôn chị Châu và được chị Châu đồng ý. Tuy nhiên, chị vẫn mong muốn chờ đợi kết quả thay đổi luật để cảm thấy hôn lễ của mình được ủng hộ. Tháng 2/2015, hai người tổ chức đám cưới ở TP. HCM, trong sự thừa nhận của cả hai bên gia đình.
Hai chị mong muốn chia sẻ lại câu chuyện này để động viên các bạn LGBT trẻ có thêm nghị lực và tự hào sống là chính mình, đồng thời, kêu gọi những những LGBT lớn tuổi hãy dũng cảm công khai để xã hội mau sớm có cái nhìn thiện cảm hơn về LGBT (đọc thêm về câu chuyện tại: https:// www.facebook.com/huylt88 ).
Bên cạnh đó, theo Huy, con đường của cộng đồng LGBT còn gặp nhiều rào cản, liên quan đến các chính sách giáo dục, chăm sóc sức khỏe, y tế, việc làm…Chương trình giảng dạy về LGBT vẫn chưa được đưa vào trường học, quyền lợi của người LGBT còn chưa được phân tách và có quy định cụ thể. Tuy nhiên, cậu rất tin vào một tương lai tốt đẹp hơn cho cộng đồng LGBT, khi mọi người cùng chung tay, chung chí hướng và nhận được nhiều sự ủng hộ tích cực từ cộng đồng.
Đường đi của “chiến binh cầu vồng”
Sở dĩ chọn hình ảnh chiến binh cầu vồng để miêu tả về Huy, nhằm nhớ lại sự kiện khi nước Mỹ phê chuẩn đạo luật về hôn nhân đồng tính, cư dân mạng xã hội đã đồng loạt để avatar “7 sắc cầu vồng” để ủng hộ cộng đồng LGBT.
Khi được bình chọn vào Top 30 Forbes, niềm vui nhất mà Huy cảm nhận được, là từ thời điểm đó, bằng sự nhiệt thành và tận tụy của mình, Thế Huy hy vọng sẽ tạo được “sức ảnh hưởng” lên các bạn trẻ khác. Để từ đó, những hiểu biết tích cực, đúng đắn về cộng đồng LGBT sẽ được lan tỏa hơn tới nhiều người khác.
Suốt những năm tháng hoạt động vì cộng đồng LGBT, điều lớn nhất Huy cảm nhận được, là cảm giác mình được sống trong một gia đình. Những người bạn, những người đồng nghiệp luôn mang lại cho cậu niềm vui, cảm giác ấm áp và tin cậy. Điều không dễ tìm kiếm trong các môi trường làm việc khác.
Bên cạnh đó, Huy cũng chia sẻ một kỷ niệm đáng nhớ, đó là khi thấy con trai mình đối thoại cùng chính khách trên một chương trình truyền hình, bố cậu sau đó đã “rút kinh nghiệm” cho Huy về cách lập luận, trả lời sao cho xác đáng. Chắc lúc ấy, bố cậu chưa kịp nhận ra, niềm vui lấp lánh trong đôi mắt con mình, khi cậu biết những việc mình đang làm được gia đình ủng hộ.
Tháng 4/2015, Huy xin nghỉ phép 2 tháng để thực hiện cuộc hành trình xuyên Việt, từ Hà Nội đến Cà Mau, đi qua khoảng 30 tỉnh, thành của Việt Nam. Tại mỗi địa phương, cậu gặp gỡ thêm nhiều người thuộc cộng đồng LGBT, lắng nghe, ghi chép lại câu chuyện của họ, chụp ảnh họ…nhằm chuẩn bị cho sự ra đời của cuốn sách ảnh mang tên Đi đường nghe chuyện LGBT.
Người “chiến binh cầu vồng ấy”, vẫn đang từng ngày trên hành trình mang tới niềm vui cho cộng đồng mà cậu thuộc về.
Theo Việt Anh
Sinh viên Việt Nam