Cháu gái “người Tây Tạng” của Trịnh Công Sơn
Tib - cô gái người châu Á làm việc cho truyền hình Canada, từng đảm nhiệm vai trò quản lý sản xuất cho show của các ngôi sao ca nhạc thế giới, đang làm trợ lý sản xuất cho Vietnam Idol tại TPHCM. Cô cũng đang bắt tay thực hiện đêm nhạc tôn vinh nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.
Trong êkip thực hiện show diễn “Rơi lệ ru người” sắp ra mắt khán giả TPHCM (22 và 23/6), cùng với những tên tuổi: Phạm Hoàng Nam, Võ Thiện Thanh, Hoài Sa, Trọng Dũng..., người đứng đầu về ý tưởng thực hiện, sản xuất chương trình là một cô gái trẻ nói tiếng Việt không rành.
Nhìn vào có thể biết cô “gốc châu Á” với đôi mắt mảnh như một đường chỉ vắt ngang, nhưng rất khó xác định quốc tịch với cách phục trang rất hiện đại của phụ nữ châu Mỹ và cái tên là lạ - Tib. Chỉ khi cô cất lên giọng Huế nhẹ tênh bằng cách nói dịu dàng thì người ta mới biết đây là con gái đất cố đô. Cô gái “bí ẩn” này còn sở hữu một chi tiết nhỏ đặc biệt khác trong “tiểu sử” - là cháu gái đầu của Trịnh Công Sơn.
Người trở về...
Tib sống xa nhà từ năm 4 tuổi, cô tốt nghiệp ngành học về chính trị, nhưng từng “tả xung hữu đột” trong ngành giải trí của Canada với vai trò quản lý sản xuất cho show diễn truyền hình của những ngôi sao tầm cỡ như: David Bowie, Celine Dion, Janet Jackson, Britney Spears...
Từ một cô bé phụ việc khi mới ra trường, gây được niềm tin với người quản lý để trở thành một người... phụ nhiều việc, cuối cùng được đảm nhiệm vai trò quản lý những chương trình truyền hình có tên tuổi, Tib đã tự làm một điều “khó tin” đối với chính bản thân cô.
Tuy không là nghệ sĩ, nhưng việc chỉ là một kẻ tay ngang trở thành quản lý chuyên nghiệp cho những show qui mô, Tib cho đây là một may mắn, cũng là một duyên lớn trong cuộc đời của cô, được tiếp nối truyền thống hoạt động nghệ thuật của gia đình.
Hấp thụ nền văn hóa, trưởng thành ở xứ người, hơn mười năm làm việc với những show lớn trên thế giới, cô “ôm mộng” về Việt Nam làm một chương trình dành cho cậu ruột của mình khi đã có trong tay đầy đủ vốn liếng, kinh nghiệm của một nhà sản xuất.
Tham gia chương trình của những ngôi sao bậc nhất hiện nay, cô gái so sánh: “Làm việc với người ta, muốn tới gần thì phải có tên trong danh sách “authorized list”. Còn nhà cậu của Tib thì ngày nào cũng có người đến đàn hát. Mà ai tới cũng được hết. Chơi như bạn thân. Sao cậu gần gũi chi lạ”. Vậy nên đi hết nửa vòng trái đất, thành đạt ở xứ người, cô vẫn muốn thực hiện tâm nguyện của mình, mang nhạc của cậu Sơn đến gần mọi người, gần như những người bạn, bằng tình cảm chân thật, nhất là với thế hệ của những người sinh ra sau này như cô.
Tib chọn cái tên “Rơi lệ ru người” và muốn thực hiện nó bằng tinh thần của sự ấm cúng, gần gũi, không chỉ bởi sự hâm mộ của cô dành cho nhạc Trịnh Công Sơn mà còn là vì tình cảm của cháu gái đầu lòng dành cho cậu, người không chỉ cho cô mối liên hệ mật thiết với quê hương Việt Nam mà còn trao cho cô những bài học làm người vô giá.
Tib và cậu Sơn
Cả tên thật và tên ở nhà của cô gái đều do cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đặt, Tib - xuất phát từ Tibet - người Tây Tạng, vì đôi mắt nhỏ và đôi má đỏ hồng; còn Hoàng Đông Tảo là vì cô được sinh ra vào một buổi sáng mùa đông. Hai cái tên là lạ mà cậu đặt cho Tib cũng giống như cách mà cô cảm nhận về sự nổi tiếng của cậu.
Có lần cậu Sơn đi nghe nhạc với Tib, ra về có người xin chữ ký, cô thật thà: “Ô, cậu ngon lành quá ta!”. Ngày đó, với cô, “cậu Sơn chỉ là cậu Sơn, khi mình đi chơi về khuya, không ăn cơm đúng giờ thì la, có món gì ngon cũng để dành cho một chút”. Mãi đến khi cậu đi xa, hình ảnh ngôi mộ trắng với hàng trăm người, từ già đến trẻ... ngồi hát xung quanh, cô cháu gái mới biết người cậu đã mang lại cho cuộc đời gia sản tinh thần lớn đến nhường nào.
Thật ra, mỗi lần muốn hiểu hết những điều mà cậu Sơn nói trong nhạc, Tib phải nhờ ba mẹ giải thích, nhưng cô vẫn thích nghe và tìm hiểu về nhạc Trịnh, bởi nó nuôi dưỡng tâm hồn và là một trong những mối dây nối liền sự gắn bó của cô với quê hương. Tib cho rằng dù ở xa, nhưng cậu và âm nhạc của cậu cũng dạy cô về cách sống giản dị, bao dung với con người và những gì xảy ra xung quanh mình, cách mà Tib diễn đạt bằng vốn tiếng Việt ít ỏi là: “Thôi kệ mà!”. “Tôi nói với cậu người ta xì xầm điều không hay về cậu thế này, thế kia, cậu hay bảo... “thôi kệ!”. Từ lúc nào không biết tôi cũng hành xử như thế trong cuộc sống của mình”.
Tib nói cô mới gặp cậu Sơn ngày hôm qua, bởi về nhà, bức tranh cậu vẽ tặng cô trong một đêm không ngủ được vẫn còn nguyên đó, chan chứa tình cảm của cậu. Cô gái diễn đạt tiếng Việt không rành rọt, lâu lâu vẫn gọi “cậu Sơn” bằng từ “Sơn” gọn lỏn, nói giọng Huế dịu dàng: “Cậu như cha, đã dạy tôi nhiều điều hay trong cuộc sống, tôi mong mỗi việc mình làm có thể làm cậu tự hào về cô cháu gái “Tây Tạng” mà cậu đã yêu thương”.
Theo Đỗ Duy
Tuổi Trẻ