Bình Định:

Chàng trai xứ dừa biến phế phẩm mo cau thành… tiền

(Dân trí) - Từ phế phẩm người dân đốt bỏ đi, chàng trai xứ dừa Hoài Nhơn (Bình Định) Nguyễn Sơn Tịnh đã biến những mo cau thành những sản phẩm thân thiện với môi trường, với hy vọng thay thế đồ nhựa dùng một lần.

Chàng trai Bình Định biến phế phẩm mo cau “đẻ” ra … tiền

Nói “không” với sản phẩm nhựa dùng một lần

Tốt nghiệp chuyên ngành Quản trị kinh doanh, Trường ĐH Quy Nhơn, Nguyễn Sơn Tịnh (29 tuổi, chàng trai quê ở xứ dừa Hoài Nhơn, nay là thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định) có nhiều năm bôn ba làm nhân viên thị trường ở Đà Nẵng.

Quãng thời gian làm việc ở Đà Nẵng giúp Tịnh tích lũy những bài học cũng như kinh nghiệm để chàng trai này trở về quê lập công ty cho riêng mình.

Chàng trai xứ dừa biến phế phẩm mo cau thành… tiền - 1
Chàng trai 9X Nguyễn Sơn Tịnh biến những chiếc mo cau thành những vật dụng thân thiện với môi trường.

Nguyễn Sơn Tịnh chia sẻ, vốn gia đình có xưởng sản xuất xơ dừa, nhiều lần gặp làm việc với các đối tác nước ngoài. Trong đó, có lần tình cờ gặp đối tác người Ấn Độ cho xem sản phẩm từ mo cau ở nước họ nên chàng trai nảy sinh ý tưởng rồi xin ý tưởng, là tiền đề cho việc thành lập công ty sau này.

Từ thực tế địa phương, với nguồn nguyên liệu mo cau ở trên địa bàn tỉnh Bình Định nói chung cũng như thị xã Hoài Nhơn nói riêng khá đa dạng, dồi dào.

Trong khi đó, mo cau là phế phẩm nông nghiệp mà người dân thường đốt bỏ chứ không có sử dụng. Lúc đó, Tịnh bắt đầu nuôi ý tưởng biến mo cau thành những vật dụng hữu ích trong sinh hoạt hàng ngày.

Sản phẩm mà Tịnh hướng đến phải thân thiện với môi trường, đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng. Đặc biệt, Tịnh hy vọng đến một ngày nào đó sản phẩm sẽ thay thế cho các sản phẩm từ nhựa, xốp,… dùng một lần.

Chàng trai xứ dừa biến phế phẩm mo cau thành… tiền - 2
Chiếc dĩa từ mo cau

“Qua tìm hiểu, ở Ấn Độ, người dân đã tận dụng bẹ cây cau sản xuất thành những chiếc bát, dĩa, cốc... độc đáo, phục vụ sinh hoạt hàng ngày. Từ thực tế đó, tôi quyết định mở công ty để tận dụng nguồn phế phẩm mo cau mà lâu nay người dân quê tôi chỉ đốt bỏ đi”, Tịnh chia sẻ.

Theo chàng giám đốc “mo cau”, mặt hàng này khá an toàn cho sức khỏe người sử dụng, có thể tái sử dụng nên giá cả tính ra không cao hơn so với sản phẩm nhựa dùng một lần. Tuy nhiên, đây là sản phẩm mới, người dân chưa biết đến và chưa có thói quen sử dụng.

“Khi có nhiều nơi sản xuất mo cau thì người dân, dần dần sẽ thay đổi thói quen. Từ đó, có thể giảm bớt chén nhựa, ly nhựa, hộp xốp dùng một lần đang là vấn nạn đối với môi trường hiện nay mà các nhà khoa học gọi là “ô nhiễm trắng””, Tịnh chia sẻ.

Chàng trai xứ dừa biến phế phẩm mo cau thành… tiền - 3

Sản phẩm từ mo cau an toàn cho người sử dụng hơn so với chất thải nhựa dùng một lần.

Cũng theo Tịnh, đây đang là trong giai đoạn tìm kiếm thị trường đầu ra nên công ty đang hoạt động cầm chừng, sản phẩm chủ yếu là khay cơm, chén, tô, dĩa, muỗng thìa… Khi sản phẩm có đầu ra tốt thì sẽ đầu tư thêm máy móc, mở rộng quy mô sản xuất, thay đổi mẫu mã phù hợp với thị trường.

“Máy móc nhập từ nước ngoài, mình học tập công nghệ, còn mẫu mã sẽ tự nghiên cứu rồi đặt hàng gia công ở TP Hồ Chí Minh để tiết kiệm chi phí. Hiện, bình quân mỗi ngày cơ sở sản xuất khoảng 800 đến 1.000 sản phẩm/ngày”.

Nỗi lo đầu ra

Đầu năm 2019, Tịnh thành lập công ty ới mong muốn tạo ra những sản phẩm thiện với môi trường, hạn chế tác hại từ rác thải nhựa; dần thay đổi nhận thức người dân về việc sử dụng rác thải nhựa dùng một lần. Qua đó, góp phần nâng giá trị phế phẩm từ vỏ cây cau của nông dân, giúp phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo tại địa phương.

Chàng trai xứ dừa biến phế phẩm mo cau thành… tiền - 4
Công nhân vận hành máy ép mo cau thành các sản phẩm hữu dụng trong cuộc sống hàng ngày.

Đến tháng 12/2019, các sản phẩm thân thiện với môi trường được làm từ mo cau như: khay, chén, dĩa, muỗng,… chính thức có mặt ở thị trường như: TP Quy Nhơn, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh...

Tịnh cho biết, khay cơm, tô, chén, dĩa, muỗng… làm ra bước đầu chào bán được một số nhà hàng khá hài lòng. Sản phẩm có thể dùng nhiều lần nếu đựng thức ăn khô, thậm chí cả đựng thức ăn nước nhưng rửa sạch, phơi khô.

Giá bán sản phẩm cũng không phải đắt như: muỗng từ 1.300 - 1.500 đồng/1 gói 20 cái; chén từ 2.500 - 3.000 đồng/gói 10 cái; dĩa nhiều loại có cả hình vuông, tròn, hình chữ nhật giá từ 4.000 - 6.000 đồng/gói 10 cái; tô có giá 4.000 đồng/gói 10 cái và khay cơm 7.500 đồng/gói 10 cái; nếu khách hàng đặt số lượng lớn sẽ hưởng giá ưu đãi.

Chàng trai xứ dừa biến phế phẩm mo cau thành… tiền - 5
Anh Tịnh (trái ngoài cùng) đang giời thiệu sản phẩm cho chén, dĩa... làm từ mo cau.

“Sản phẩm khá mới ở thị trường, người tiêu dùng biết đến còn hạn chế nên đầu ra chưa mạnh. Trước mắt, công ty sẽ tuyên truyền marketing, chào hàng.

Cùng đó các ban ngành huyện cũng tạo điều kiện cho đi tham gia các hội chợ triển lãm, giới thiệu các sản phẩm ở các địa phương khác cũng là dịp để công ty giới thiệu sản phẩm đến người tiêu dùng”, Tịnh nói.

Tịnh cho biết thêm, cuối năm 2019, sản phẩm được giới thiệu ở hội chợ ở tỉnh Lào Cai, bà con đi ngang qua gian hàng chén đĩa làm bằng mo cau rất lạ, tò mò đứng lại xem, hỏi thăm; lãnh đạo sở, ngành đi qua gian hàng cũng ghé hỏi thăm; đặc biệt cũng có một số khách nước ngoài ghé thăm chụp hình lấy báo giá, mẫu…

Chàng trai xứ dừa biến phế phẩm mo cau thành… tiền - 6
Những miếng mo cau nhỏ tận dụng để làm những chiếc muỗng (thìa).

“Khó khăn khi bắt tay vào dự án này bước đầu là tìm nguồn nguyên liệu, vì người dân chỉ đốt bỏ; nguồn vốn đầu tư máy móc, công nghệ chưa thông thạo… Song, khó khăn nhất vẫn là tìm đầu ra cho sản phẩm…”, Tịnh tâm sự.

Ngoài ra, khó khăn nữa là nếu thị trường tiêu thụ mạnh thì nguồn nguyên liệu để phục vụ sản xuất sẽ cạn kiệt. Hiện nay, nguồn nguyên liệu chính để cơ sở duy trì hoạt động đang tận dụng từ nguồn nguyên liệu sẵn có tại địa phương.

Bên cạnh đó, Tịnh đang kết hợp với đoàn thanh niên các địa phương trồng cau ven đường nông thôn mới. Khi mở rộng quy mô sản xuất thì sẽ có đề án thuê đất để trồng cau để có nguồn nguyên liệu ổn định hơn.

Hiện, cơ sở chế biến mo cau của Tịnh không chỉ giúp người dân địa phương có thêm nguồn thu từ nguồn phế phẩm mo cau, mà còn tạo điều kiện cho 4 lao động địa phương mới mức lương bình quân 4 - 5 triệu đồng/ tháng.

Doãn Công