Chàng trai thủ khoa từ bỏ… thủ khoa

(Dân trí) - Đỗ thủ khoa ĐH Quảng Bình, nhưng Đinh Anh Tuấn lại từ bỏ chỉ bởi đơn giản cậu học trò nghèo này muốn vào ĐH Khoa học Huế, vì theo Tuấn “học trường này phù hợp với mong muốn của mình hơn”.

Chàng trai thủ khoa từ bỏ… thủ  khoa - 1

Hàng ngày sau giờ lên lớp, công việc chính của cậu học trò nhà nghèo này là đi chăn bò

 

Từ hoàn cảnh nghèo khó…

 

Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất khô cằn sỏi đá, Đinh Anh Tuấn, thôn Yên Thắng, xã Yên Hóa, huyện Minh Hóa (Quảng Bình) đã ý thức được rằng muốn thoát ra khỏi cảnh nghèo khó chỉ còn cách duy nhất là học. Từ đó sau mỗi buổi đi học về Tuấn lại lao ngay vào bàn học để ôn lại những gì thầy cô vừa dạy trên lớp. Ngoài ra những lúc rảnh rỗi Tuấn còn ra đồng bắt cua, phun thuốc sâu, nhổ cỏ thay mẹ. Nhưng công việc chính của Tuấn vẫn là ngày ngày đi chăn bò. “Đi bò em mang sách theo để học, như vậy đỡ lãng phí thời gian”, Tuấn nói.

 

Liên tiếp 12 năm học, cậu học trò nghèo Đinh Anh Tuấn là học sinh giỏi của trường. Trong kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ 2009 Tuấn đã đỗ cùng một lúc hai trường và vươn lên giữ vị trí thủ khoa của trường ĐH Quảng Bình với số điểm 24,5 và trường ĐHKH Huế ngành Điện tử viễn thông với số điểm 25,5.

 

Bố  Tuấn là một cán bộ xã, hàng tháng với đồng lương ít ỏi. Mẹ Tuấn một người nông dân chân chất quanh năm đầu tắt mặt tối chỉ biết quanh quẩn bên mấy sào ruộng công. Đây cũng là nguồn thu chính đã nuôi dưỡng bốn chị em Tuấn khôn lớn trưởng thành, từ đó Tuấn hứa sẽ không bao giờ để cho bố mẹ phải thất vọng về mình. Từ khi nghe tin con đậu đại học, gánh nặng lại đè trên đôi vai của mẹ. Một buổi ra đồng một buổi về quẩy gánh ra chợ bán từng mớ rau lấy tiền trang trải.

 

Khi được hỏi về bí quyết và phương pháp học của mình, Tuấn hồn nhiên cho biết: “Chủ yếu em học trên lớp, lắng nghe thầy cô giảng. về nhà  mở xem lại sách và học những cuốn sách nâng cao”. Ông Thuyền, bố Tuấn không giấu nổi vẻ bất ngờ khi nghe tin con đỗ thủ khoa. “Dù khó khăn đến mấy tôi cũng phải cho cháu đi học”.
 
Chàng trai thủ khoa từ bỏ… thủ  khoa - 2
Tuấn đã chứng minh cho mọi người thấy hoàn cảnh không phải là "vật cản" để mình có thể vươn lên thực hiện mơ ước của mình

 

…quyết tâm thực hiện ước mơ

 

Tuấn chưa bao giờ mơ ước mình sẽ được học và chế tạo Robocon. “Em sẽ cố gắng học thật tốt để trở thành người chế tạo Rô bốt”.

 

Trong một lần xem trên truyền hình thấy có cuộc thi Robocon lòng đam mê và sở thích của Tuấn trỗi dậy. Có những hôm Tuấn bỏ ăn vì chưa làm xong mấy cái “cục” điện tử hỏng của ti vi, quạt… “Cả ngày chỉ thấy nó cắm đầu và sửa mà có khi nào được đâu, sợ con mải mê không chú tâm vào sách vở. Nhiều hôm tui tức quá mang quăng hết ra vườn, sáng mai lại thấy nó mang vào nhà rồi”, bố Tuấn tâm sự.

 

Khi nghe tin con đỗ ĐH, cả nhà ai cũng mừng chỉ riêng Tuấn vẻ mặt lại không vui. Cả làng ai cũng biết Tuấn đỗ thủ khoa, đó là niềm tự hào của cả gia đình. Hơn nữa, ngành Sư phạm Sinh (ĐH Quảng Bình) là trường mà bố mẹ hướng cho bởi một lý do đơn giản “Nhà nghèo không có tiền đóng học phí, học ở tỉnh vừa gần nhà lại đỡ tốn kém hơn rất nhiều”.

 

Suốt từ khi nhận giấy báo nhập học, khuôn mặt của chàng thủ khoa chẳng khi nào vui. Hơn một tuần nay người em gầy sụt đi. Hiểu được nỗi niềm của con, lại biết nó đam mê đồ điện tử nhỏ nên gia đình để cho Tuấn tự chọn hướng đi cho mình và em quyết định vào Huế để thực hiện ước mơ.

 

Nói đến quyết định chọn trường, Tuấn cho biết: “Em sẽ vào Trường ĐHKH Huế, chuyên ngành Điện tử viễn thông. Bởi ở đó, em có thể thực hiện được ước mơ của mình là sáng tạo Robocon để tham dự các cuộc thi như trên ti vi".

 

Trò  chuyện với chúng tôi, ông Đinh Hải Thuyền (bố Tuấn) không giấu được niềm tự hào: "Trong nhà Tuấn là người con ngoan, biết chịu khó giúp đỡ ba mẹ. Ngoài ra em rất thích thể thao và đam mê đọc sách. Có đêm, cu Tuấn  thức đọc sách đến gần sáng mới đi ngủ. Tui tin rằng nó sẽ làm được. Dù biết đi học xa là trăm bề vất vả nhưng khó khăn đến mấy gia đình tui cũng quyết cho con đi học”, ông Thuyền nói vẻ mặt vui buồn lẫn lộn.

 

Chia tay Tuấn, chúng tôi cảm nhận được niềm vui và  nỗi lo âu của Tuấn và gia đình. Giờ đây gánh nặng như đè nặng trên đôi vai mẹ, nỗi nhọc nhằn như hằn vào vai cha.

 

Bài, ảnh: Xuân Vương - Lê Dương

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm