Chàng trai mặc váy tới công sở, bỏ qua phán xét để "sống cuộc đời riêng"
(Dân trí) - Anh Hoàng Bảo đi ngược quan điểm của đám đông rằng "chỉ nữ giới mới được mặc váy", để tự tin diện trang phục này.
Hỏi nhà tuyển dụng "có cho nhân viên nam mặc váy không?"
Lê Hoàng Bảo (sinh năm 1999, hiện đang làm việc trong lĩnh vực truyền thông tại TPHCM) đi ngược lại quan điểm của số đông rằng "váy chỉ dành cho phái nữ" để tự tin diện trang phục này.
Trong một lần đi phỏng vấn xin việc, Bảo đã thẳng thắn hỏi phía nhà tuyển dụng rằng: "Công ty có cho nhân viên nam mặc váy đi làm không?". Điều bất ngờ, phía công ty lại chấp thuận điều này và Bảo chính thức được nhận vào làm việc. Sau đó, anh chàng đã tự tin mặc váy đến công sở.
Song, anh cũng thừa nhận rằng, đó là bí quyết riêng để anh gây ấn tượng với nhà tuyển dụng là chính.
"Mình thừa biết là trong những môi trường sáng tạo và năng động như thế thì người ta thường không quá quan tâm đến cách ăn mặc của nhân viên. Còn nếu công ty không đồng ý chuyện nhân viên nam mặc váy đi làm thì mình cũng vui vẻ chấp nhận và tuân theo quy định chung thôi.
Điều may mắn là mình sống và làm việc trong môi trường cởi mở nên có thể tự do làm những gì mà mình muốn. Tất nhiên sẽ khó tránh khỏi những ý kiến trái chiều, nhưng việc ai nấy làm, đời ai nấy sống nên dần dần người ta cũng mặc kệ thôi", Bảo kể.
Anh chàng hiểu rằng, để ai đó thay đổi được quan điểm vốn đã bám sâu trong tiềm thức họ thì quả thật rất khó. Bởi thế, chuyện đàn ông mặc váy không phải ai cũng có thể dễ dàng chấp nhận và xem nó là điều bình thường.
"Sự phát triển của xã hội cũng khiến mọi người ngày càng có cái nhìn cởi mở hơn trong thời trang. Tuy nhiên, sẽ cần nhiều thời gian hơn nữa để bình thường hóa việc nam giới mặc váy", anh nói.
Bỏ qua phán xét, sống "cuộc đời của chính mình"
Trong cách nhìn nhận của số đông, con gái mặc áo vest, đi giày tây là người có tính cách mạnh mẽ; còn con trai diện váy lại bị đánh giá là "ẻo lả", "yếu ớt". Bỏ ngoài tai những lời phán xét vô cớ như thế, Hoàng Bảo vẫn tự tin diện trang phục mình thích.
"Mình thừa nhận bản thân có cá tính nhưng đôi lúc vẫn có cảm giác dè chừng và sợ hãi với quan điểm, sự phán xét của đám đông.
Nhưng rồi điều đó cũng trở nên không quá quan trọng nữa. Vì mọi người thấy đẹp cũng được, thấy xấu cũng chẳng sao. Hơn hết là bản thân mình đang được sống cuộc đời của chính mình. Một cái váy thì làm hại hay ảnh hưởng đến ai đâu?", Hoàng Bảo tâm sự.
Anh chàng này cũng bày tỏ, không có trang phục nào chỉ dành riêng duy nhất cho một giới tính. Trang phục sinh ra là để phục vụ cho con người, thời trang thì không phân biệt giới tính và không có giới hạn nào bó buộc cả.
"Con gái mặc một bộ vest cắt may đúng tỷ lệ, phối màu phù hợp và mặc đúng hoàn cảnh, mục đích sẽ trở nên ấn tượng, mình không nghĩ nên đánh giá bằng từ "ngầu". Bởi vì "ngầu" hay không là dựa theo cái nhìn chủ quan của mỗi người.
Và việc con trai mặc váy hay mặc đồ màu hồng cũng tương tự như thế. Nếu nó không vấp phải những thước đo chủ quan thì chẳng có vấn đề gì", Bảo nhấn mạnh.
Anh chàng này xem váy là một trong những lựa chọn trong vô số món đồ thời trang khác. Anh bắt đầu diện trang phục này từ khoảng 2 năm nay.
Mới đầu, phản ứng của mọi người sẽ là ngạc nhiên, bất ngờ; cũng có người nhăn mặt thắc mắc "con trai sao lại đi mặc váy"; hay số khác thì dành lời khen ngợi vì nguồn năng lượng tích cực mà Bảo đem lại.
Bảo cũng bày tỏ rằng, với anh, việc mặc váy không phải là định hình phong cách cá nhân mà anh chỉ mặc vì thấy nó thoải mái.
Bố mẹ của Hoàng Bảo tỏ ra khá khó hiểu với cách ăn mặc của con trai. Nhưng thường bố mẹ anh chỉ thắc mắc đến sự vừa vặn của chiếc váy hơn là kiểu dáng.
Chẳng hạn như: "Sao hôm nay con mặc chiếc váy dài thế?"; rồi "váy này rộng thùng thình nhỉ?"... Bảo thường giải thích với bố mẹ rằng, đơn giản vì anh cảm thấy mặc như thế thuận tiện và dễ chịu thôi.
Bảo không đầu tư số tiền lớn cho trang phục. Bởi thời trang thay đổi liên tục và tủ quần áo của anh cũng đổi mới thường xuyên nên anh sẽ không "rút hầu bao" quá nặng cho khoản chi tiêu này. Hiện tại, Bảo có 3 chiếc váy, 2 cái may theo số đo và một cái biến tấu lại từ chiếc quần bò.
Bình thường hóa việc nam giới mặc váy
Nam giới mặc váy không còn là điều chỉ xuất hiện trong lịch sử, trên những sàn thời trang cao cấp hay trong nền văn hóa thiểu số nữa. Ngày nay, nữ giới hay nam giới diện váy là điều hết sức bình thường.
Kalhagen Liam Kalhagen - một sinh viên 19 tuổi ở Oregon (Mỹ) cho biết, anh muốn mặc váy để thêm cá tính và sự thú vị cho phong cách thời trang của mình. Nhưng với chiều cao 1m95 cùng cân nặng hơn 95kg, anh khó có thể tìm được một chiếc váy vừa vặn với mình. Sau cùng, anh tìm được chiếc váy ưng ý tại một cửa hàng tiết kiệm.
Thông thường, quần jeans có của cả hai giới, nhưng váy thường chỉ dành cho phụ nữ. "Thời trang nam có ít kiểu mẫu hơn hẳn so với phụ nữ. Tại sao những chiếc váy được thiết kế dành riêng cho cơ thể nam giới lại không thể có sẵn tại các cửa hàng?".
Kalhagen cũng bày tỏ: "Tôi nghĩ khi rào cản giới tính sụp đổ, chúng ta sẽ thấy nhiều thứ vốn được coi là nam tính hay nữ tính truyền thống trở nên linh hoạt và dễ tiếp cận hơn. Nếu chúng ta có thể xóa bỏ các chuẩn mực xã hội xung quanh trang phục, nam giới sẽ thoải mái thể hiện bản thân theo bất cứ cách nào mà họ muốn".
Brian Batesy - một diễn viên 22 tuổi và là KOL (người có sức ảnh hưởng) đến từ bang Massachusetts (Mỹ) mặc váy với lý do rất đơn giản: Anh thích như vậy.
Batesy cho biết: "Tôi thích ngắm nhìn những chiếc váy. Mặc váy làm cho đôi chân của tôi trông tuyệt hơn". Với anh, mặc váy cũng gây cảm giác nổi loạn, vì chúng giống như một lời tuyên bố chống lại các chuẩn mực xã hội "khập khiễng và nhàm chán".
"Theo tôi, quần áo vốn dĩ không phân biệt giới tính. Váy dành cho tất cả mọi người. Đó là một loại trang phục và nó không nên gắn với bất kỳ giới tính nào".
Nhà phân tích an ninh mạng 27 tuổi Casian Moore, đến từ California (Mỹ), cũng nói rằng những gì anh ấy mặc không liên quan đến giới tính.
Anh chia sẻ: "Vấn đề là hầu hết mọi người đều cho rằng giới tính phù hợp với tình dục. Những người đàn ông mặc váy không có vấn đề gì về giới tính hay tình dục cả. Đã có nhiều người bị quấy rối, hành hung và thậm chí là bị sát hại vì giới tính của họ".
Khi mọi người trở nên tự do hơn trong việc khám phá giới tính của mình, họ cũng trở nên tự do hơn để khám phá các cách thể hiện bản thân, bao gồm cả thông qua thời trang.