Chàng trai khuyết tật lập nghiệp từ 15 cái máy tính cũ
(Dân trí) - “Phải học để biết cái chữ, mình đã đau ốm yếu, bệnh tật thì chỉ có việc học mới may ra thay đổi cuộc đời mình”. Đó là những dòng tâm sự của Lê Thái Bình (thôn Thượng Xuân, xã Kỳ Tân, huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh) khi nói về chính cuộc đời mình.
Lê Thái Bình sinh ra trong gia đình nông dân nghèo trên mảnh đất quê hương Kỳ Anh (Hà Tĩnh), gia đình có 3 người con, thì có 2 người bị tàn tật từ nhỏ do ảnh hưởng chất độc màu da cam. Có lẽ số phận nghiệt ngã ấy đã thôi thúc Bình phải sống và vươn lên. Chính nghị lực ấy đã lóe sáng trong con người anh rằng: “Phải học để biết cái chữ, mình đã đau ốm bệnh tật thì chỉ có việc học mới may ra thay đổi cuộc đời mình”.
Thương cha thương mẹ, thương đứa em còn kém may mắn hơn đã 15 tuổi rồi mà vẫn như một đứa bé 1 tuổi, không biết no đói là gì và vẫn phải bồng bế, vẫn giật lên từng cơn mỗi khi nghe tiếng động mạnh, dù đó là tiếng chó sủa. Điều đó càng làm sự quyết tâm trong Bình bùng cháy lên. Bình bảo, phải làm gì đó để thay đổi cuộc đời.
Nhưng hết năm lớp 6, Bình phải nhập viện vì sức khoẻ quá yếu. Tưởng rằng đã dập tắt ước mơ với cậu bé khuyết tật nhỏ bé, thì một tia sáng lại le lói. Khi đó có người giới thiệu Bình đến với Trung tâm dạy nghề người khuyết tật Hà Tĩnh. Đó cũng là cơ hội cho Bình hay chính xác hơn đó chính là bước ngoặt của cuộc đời. Ở đó Bình đã chọn nghề tin học, để học và theo đuổi nghề.
Mới đầu khi quyết định mở quán “nét” nhiều đêm Bình đã phải thức trắng với suy nghĩ: “Một quyết định có thể nói là rất xa vời, bao nhiêu câu hỏi đặt ra, mở ra thì có ai dùng đâu, vốn ở đâu ra bây giờ... Trong khi đó người dân xung quanh cho rằng mở quán “nét” là xấu, là kéo theo bọn trẻ bỏ bê việc học hành… cũng có thể nói là táo bạo.
“Nhưng lúc đó tôi nghĩ cuộc sống ngày càng phát triển, người ta cần công nghệ thông tin, họ sẽ biết đến internet như một phương tiện hữu dụng và hiện đại”, Bình tâm sự.
Ngày mở quán “nét” nguồn vốn Bình phải vay mượn an hem, bà con lối xóm và được một người quen bán lại cho 15 cái máy tính cũ với giá 20 triệu đồng, và hơn 20 triệu để xây dựng quán. Tổng chi phí cho “công trình” của mình chỉ tốn hơn 40 triệu đồng.
“Có công mài sắt có ngày nên kim”
Cuộc sống luôn chứa đựng những điều bất ngờ, với Bình cũng vậy, luôn đưa mọi người đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác trước những điều kỳ diệu của mình. Tháng 12/2010, Lê Thái Bình đã kết duyên với chị Nguyễn Thị Vân cùng cảnh ngộ khi hai người gặp và quen nhau ở Trung tâm khuyết tật và dạy nghề Hà Tĩnh.
Không mặc cảm với số phận, anh chính là người tiên phong lập ra “đội tình nguyện hướng về Kỳ Anh” để kêu gọi các bạn trẻ yêu quê hương tham gia, bởi chính anh hiểu được rằng cuộc sống còn nhiều hoàn cảnh khó khăn cần được giúp đỡ.
Tháng 11/2013, Bình được Ban chấp hành Đoàn thanh nhiên Cộng sản Hồ Chí Minh huyện Kỳ Anh tặng Giấy khen. Ghi nhận sự nổ lực vượt qua số phận nghiệt ngã, Lê Thái Bình đã được Hội bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Hà Tĩnh tặng giấy khen vì có thành tích xuất sắc trong việc bảo trợ người khuyết tật và được đi dự hội nghị biểu dương người khuyết tật, trẻ mồ côi và người bảo trợ tiêu biểu toàn quốc tổ chức tại Hà Nội tháng 4/2013.
Hiện nay tiệm Internet của anh chỉ còn lại 5 máy và phần lớn cũng đã hư hỏng nhiều, mong ước của lớn nhất của Bình lúc này là có sự giúp đỡ thêm của các nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh về nguồn vốn để mở rộng thêm mô hình dạy tin học cho trẻ em nghèo và mở mang kiến thức về công nghệ thông tin trên chính quê hương mình...
Văn Lịnh