TT-Huế

Chàng trai khiếm thính với cây cầu ngói lưu niệm độc đáo

(Dân trí) - Tại cầu ngói Thanh Toàn (Hương Thủy, TT - Huế) gần 5 năm nay, khách du lịch ngoài đến tham quan còn hết sức ngạc nhiên trước những chiếc cầu ngói nhỏ xinh được khắc bằng gỗ hết sức tinh xảo của chàng thanh niên khiếm thính Ngô Tam Bửu.

Bửu là người dân địa phương sống ở gần cầu ngói Thanh Toàn. Những cây cầu ngói nhỏ bé, xinh xắn của Bửu cứ lần lượt bên hành trang những đoàn khách du lịch mỗi khi thăm quan cầu ngói.

Chàng trai khiếm thính với cây cầu ngói lưu niệm độc đáo - 1

Những lúc vắng khách Bửu lại tiếp tục công việc của mình ngay bên cạnh cầu ngói Thanh Toàn

Để làm ra được những cây cầu nhỏ bé, xinh xắn như vậy không phải một chuyện đơn giản chút nào đặc biệt với một chàng trai bị bệnh khiếm thính bẩm sinh. Nhưng với nỗ lực và quyết tâm vượt qua bệnh tật, Bửu đã làm được.

Khi hỏi về hoàn cảnh của Bửu, bà Trần Thị Ngọt, 52 tuổi, mẹ Bửu, cho biết: “Nó thật không may vì trong bốn đứa con chỉ mình nó bị khiếm thính bẩm sinh, mọi công việc hàng ngày đối với nó thật khó khăn nhất là trong việc học hành. Vì bị bệnh nên em nó phải dừng việc học khi mới lên cấp 3 do chương trình học nhiều quá, lại thêm phần mặc cảm với bạn bè”.

Lúc mới nghỉ học Bửu rất buồn bã và khóc suốt mấy ngày, những do thua kém với bạn bè trong giao tiếp nên Bửu cũng đành phải nghỉ học. Sau đó, Bửu xin ba mẹ lên thành phố học nghề mộc với mong muốn chọn cho mình một công việc phù hợp với thể trạng để kiếm thêm thu nhập phụ giúp cho gia đình.

Học nghề được một thời gian với tay nghề cũng đã cứng cáp, Bửu xin tiền ba mẹ mua đồ nghề rồi ngày ngày ra cầu ngói Thanh Toàn gõ gõ, đục đục. Nhiều người dân sống bên cầu ngói Thanh Toàn lúc đầu không hiểu cứ nói Bửu bị bệnh.

Chàng trai khiếm thính với cây cầu ngói lưu niệm độc đáo - 2
Lúc rảnh rỗi ở nhà Bửu lại tranh thủ gõ gõ, đục đục làm thêm nhiều sản phẩm đặc trưng của quê hương để quảng bà tới khách du lịch

Nhưng một hôm, chàng thanh niên khiếm thính kia đưa ra nơi cây cầu ngói mà hàng ngày mọi người ở đây vẫn đi qua đi lại và hóng mát một cây cầu nhỏ xinh trông không khác nhiều so với cây cầu thật. Tuy đường nét chưa thật sắc sảo nhưng tất cả các họa tiết đều toát lên vẻ đẹp y hệt cầu ngói Thanh Toàn.

“Để làm được một chiếc cầu như vậy nó phải mất cả tháng trời mới hoàn thành xong. Nhiều hôm nhìn nó cả ngày cặm cụi gõ gõ, đục đục quên cả ăn mà hai vợ chồng tôi cảm thấy xót lòng nhưng thấy nó ham làm chúng tôi cũng chỉ biết động viên con gắng làm”, ông Ngô Tài Nhân, ba của Bửu cho biết.

Thấy con say mê điêu nghề điêu khắc ông Nhân còn lặn lội đi khắp nơi mua những cây gỗ to về phơi khô để con trai lấy nguyên liệu làm nghề. Đặc biệt, Bửu rất thích điêu khắc từ gỗ mít vì loại gỗ này chống mối mọt, không cong vênh, dễ kiếm mà không đắt đỏ như các loại gỗ khác, đặc biệt nó có mùi thơm nhẹ.

Thấy Bửu có nghị lực và rất yêu nghề điêu khắc nhiều người dân trong làng cũng cảm động và giúp đỡ bửu rất nhiều. Do Bửu bị khiếm thính không giao tiếp như mọi người bình thường nên nhiều người đã trực tiếp giới thiệu những sản phẩm của Bửu với khách du lịch.

Chàng trai khiếm thính với cây cầu ngói lưu niệm độc đáo - 3
Bửu và chiếc cầu ngói do mình làm ra bên cạnh cầu ngói Thanh Toàn

Không những thế bác Nguyễn Thị Kình, 52 tuổi, bán quán nước ngay cạnh cầu ngói Thanh Toàn, cho Bửu mượn một mảnh đất trống dựng tạm cái chòi làm nơi che nắng che mưa để đục đẽo và trưng bày sản phẩm.

Phải mất cả tháng trời mới làm xong một chiếc cầu nhưng mỗi cây cầu nhỏ xinh đó Bửu cũng chỉ bán với giá từ 200.000 – 400.000đ. Làm ra đến đâu bán hết đến đó nên đến giờ Bửu không nhớ nổi đã làm bao nhiêu chiếc cầu.

“Điều vui nhất với mình là mỗi lần có khách đến xem và mua hàng, ngoài việc bán được hàng mình còn làm cầu nối cho những đoàn khách du lịch được hiểu thêm về di tích quốc gia cầu ngói Thanh Toàn tại quê hương mình”, Bửu tâm sự thông qua sự phiên dịch của bác Nguyễn Thị Kình.

Với dáng người nhỏ thó, Bửu luôn nở nụ cười khi gặp những đoàn khách du lịch về thăm quan cầu ngói Thanh Toàn ngày càng một nhiều. Đây chính là nguồn động viên quan trọng để chàng thanh niên khiếm thính Ngô Tam Bửu cảm thấy yêu nghề hơn và yêu đời hơn.

 

Chàng trai khiếm thính với cây cầu ngói lưu niệm độc đáo - 4

Bửu rất vui khi được một vị khách tặng bài thơ viết về minh trong dịp về cầu ngói Thanh Toàn tham quan

Với bàn tay điêu luyện của Bửu thể hiện qua những cây cầu ngói Thanh Toàn, một khách du lịch khi tới đây thăm quan biết được hoàn cảnh của Bửu đã viết thơ tặng cho Bửu để thể hiện sự ngưỡng mộ trước nghị lực của Bửu:

“Một khúc gỗ trạm trổ thành hoa
Đầu rồng đuôi phụng có hoa dâng Bác Hồ
Khách quan qua lại trầm trồ
Ồ! Kìa có đặt lá cờ Việt Nam
Em khiếm thính rất chăm làm
Đẽo bác nông dân làm ruộng
Đẽo chiếc cầu ngói Thanh Toàn làng quê”.

Hay bài thơ của một khách du lịch đến từ miền Nam bộ viết tặng Bửu. 

“Kính chào quý vị khách quan
Đã về tham dự Thanh Toàn chợ quê
Dừng chân chớ vội mà về
Mà quên không biết đến nghề trạm công
Bạn ơi bạn có biết không
Em tên Bửu làm thủ công nghề này
Ngày ngày trạm trổ tại đây
Dù không biết nói nhưng hay thích cười
Em không nghe tiếng mọi người
Nhưng em hiểu được nụ cời thân thương
Cho em nghị lực phi thường
Để cho em sống bình thường như ai”.


Ngọc Thụ - Đại Dương