Chàng trai có đôi chân không mỏi

Nguyễn Hoàng Bảo, sinh viên năm cuối đại học Quốc Tế, TPHCM được bạn bè đặt cho biệt danh “chàng trai có đôi chân không mỏi”. Bởi, trong bốn năm đại học, chàng trai 9X này đã đặt chân đến 9 quốc gia Ðông Nam Á để giao lưu, học hỏi và truyền bá văn hóa Việt từ các cuộc săn lùng học bổng giao lưu văn hóa.

Những chuyến đi không tốn phí

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống hiếu học ở TPHCM, Nguyễn Hoàng Bảo (SN 1994) luôn là người đứng top đầu trong lớp suốt thời gian học phổ thông. Những ngày còn ngồi trên ghế nhà trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong, Bảo cũng là thành viên năng nổ tại các câu lạc bộ của trường. Với vốn tiếng Anh khá tốt của mình, Bảo luôn nuôi hy vọng giao lưu với bạn bè quốc tế. Vì vậy, từ khi bước chân vào giảng đường đại học, chàng trai 9X luôn tìm kiếm cho mình những cơ hội để trải nghiệm nhiều hơn.


Nguyễn Hoàng Bảo, “chàng trai có đôi chân không mỏi”.

Nguyễn Hoàng Bảo, “chàng trai có đôi chân không mỏi”.

Ðầu năm 2014, Bảo tình cờ biết được Google đang tìm kiếm đại sứ sinh viên tại các trường đại học. Google đặt ra nhiều yêu cầu khắt khe cho các ứng viên như phải viết hơn 5 bài luận tiếng Anh với các câu hỏi khác nhau xoay quanh đề tài về các sản phẩm và ứng dụng của Google. Thể hiện khả năng làm một đại sứ của mình bằng một video để thể hiện bản thân cho nhà tuyển dụng.

Dù thời hạn nộp hồ sơ chỉ còn đúng một tuần nhưng Bảo vẫn quyết tâm tham gia ứng tuyển. “Khó khăn lớn khi đó chính là phải làm nghiên cứu về các ứng dụng của Google và kiến thức chuyên môn về công nghệ thông tin. Nhà tuyển dụng luôn đánh giá cao những clip mang tính sáng tạo và tôi nghĩ clip của mình có thể đã đáp ứng được yêu cầu đó”, Bảo nói.


 Bảo làm diễn giả thuyết trình tại Hội nghị thượng đỉnh Google Student Ambassador SEA 2014.

Bảo làm diễn giả thuyết trình tại Hội nghị thượng đỉnh Google Student Ambassador SEA 2014.

Chỉ trong vòng một tuần, Bảo hoàn thành 5 bài luận tiếng Anh và clip giới thiệu về bản thân để nộp hồ sơ và vượt qua hàng trăm ngàn ứng viên khác, Bảo trở thành đại sứ sinh viên của tập đoàn công nghệ lớn nhất thế giới từ 2014-2015 khi mới là sinh viên năm hai.

Với vai trò đại sứ, công việc chính của Bảo là giới thiệu những công nghệ, ứng dụng, chương trình mới nhất của Google đến với các bạn trẻ không chỉ ở Việt Nam mà còn ở toàn Ðông Nam Á thông qua việc làm diễn giả tại các trường cao đẳng, đại học.

Từ đây, những chuyến đi giao lưu văn hóa quốc tế bắt đầu mở ra với chàng trai 9X. Bảo liên tiếp nhận được nhiều học bổng 100% để giao lưu quốc tế như Học bổng 100% đại diện Việt Nam tham gia Hội Nghị Thượng Ðỉnh Google Student Ambassador SEA 2014 tại đảo Cebu, Philippines (Cty đa quốc gia Google tổ chức); đại diện Việt Nam tham gia chương trình giao lưu văn hóa Mekong Friendship Project 2014 diễn ra tại Thái Lan, Lào, Cambodia, Myanmar và Việt Nam (do Bộ Ngoại Giao Thái Lan tổ chức); Việt Nam tham gia chương trình giao lưu văn hóa Asean Youth Exchange Program 2014 diễn ra thại Thái Lan (Asean Studies Center, trường ÐH Chulalongkorn Thái Lan tổ chức); tham gia chương trình Tàu thanh niên Ðông Nam Á - Nhật Bản 2016... Với Bảo những chuyến đi không chỉ là cơ hội để phát triển bản thân mà còn là cách để giới thiệu về văn hóa, con người Việt Nam đến bạn bè năm châu.

Bảo cho biết, chương trình giao lưu văn hóa Mekong Friendship Project 2014 do Bộ Ngoại giao Thái Lan tổ chức là lần đầu tiên Bảo đăng ký dự thi. Khi đó, Bảo còn tự ti về bản thân vì thành tích tham gia các hoạt động xã hội chưa nhiều. Khi ban tổ chức yêu cầu thí sinh viết hai bài luận bằng tiếng Anh, Bảo đơn giản chỉ viết lên những suy nghĩ cá nhân của mình nhưng không ngờ được chọn.


 Bảo trong chuyến giao lưu văn hóa Mekong Friendship Project 2014.

Bảo trong chuyến giao lưu văn hóa Mekong Friendship Project 2014.

Giúp bạn bè hiểu hơn về văn hóa Việt

Suốt bốn năm đại học, Bảo liên tục có các chuyến đi tới 9 nước Ðông Nam Á từ săn học bổng. Theo Bảo, vấn đề quan trọng nhất khi nộp đơn đăng ký tham gia chương trình gì là cần phải có vốn tiếng Anh vững chắc cùng những hiểu biết cơ bản về quốc gia cũng như địa điểm chuẩn bị tới, đồng thời thể hiện sự tự tin cũng như cá tính riêng của bản thân trước nhà tuyển dụng.

“Những học bổng đến với tôi như một cơ duyên. Ngày đó cứ thấy nơi nào tuyển thành viên giao lưu văn hóa tôi lại nộp đơn xin tham gia. Nếu được chọn thì mình có cơ hội đi giao lưu, học hỏi văn hóa các nước, còn không đậu thì cũng học được kinh nghiệm cho các cuộc săn học bổng khác”, Bảo cho biết.

Ðối với Bảo, những chuyến đi giao lưu văn hóa cũng chính là đem hình ảnh của Việt Nam đến với bạn bè quốc tế. Khi đó họ không nhìn nhận bản thân mình như một cá nhân mà mình như đại diện cho một quốc gia. Vì vậy phải tự trang bị kiến thức cũng như kỹ năng cần thiết, việc được giao lưu văn hóa chính là sự tự hào nhưng cũng là một áp lực và trách nhiệm đầy lớn lao.

Mỗi lần đi, Bảo đều chuẩn bị hành trang cho mình là những kiến thức về văn hóa của các dân tộc trên cả nước để sẵn sàng chia sẻ cho bạn bè quốc tế về đất nước, con người Việt Nam.

Ðặt chân đến nhiều quốc gia, gặp gỡ vô số bạn trẻ quốc tế, Bảo nhận ra các bạn trẻ Việt Nam đều có thể thành công như vậy nếu bỏ qua tính nhút nhát và biết tin tưởng vào bản thân. “Chẳng hạn trong một sự kiện hội nghị, dù biết và hiểu vấn đề nhưng các bạn Việt Nam thường ngại nêu quan điểm hoặc bày tỏ ý kiến. Trong khi đó với các bạn trẻ quốc tế họ sẵn sàng đứng lên giải thích, đưa ra luận điểm hoặc thậm chí cãi tay đôi với diễn giả nếu vấn đề chưa được làm rõ”, Bảo nói.


Bảo cùng đoàn giao lưu văn hóa Mekong Friendship Project 2014 tại Việt Nam.

Bảo cùng đoàn giao lưu văn hóa Mekong Friendship Project 2014 tại Việt Nam.

Có lần Bảo được sống thử cuộc đời sinh viên Thái Lan khi ở cùng người bạn học ở đại học Ringsit (Thái Lan), tham gia lớp học của người Thái và sinh hoạt như một sinh viên Thái Lan thực thụ. “Cuộc sống của sinh viên Thái Lan không khác mấy với sinh viên Việt Nam. Họ vẫn có những lần họp nhóm, sinh hoạt hoặc tụ tập vui chơi.

Tuy nhiên, họ đặc biệt năng động, cân bằng trong việc học và tham gia hoạt động xã hội, hầu như sinh viên nào cũng là thành viên của một đội nhóm, câu lạc bộ nào đó. Người Thái chú trọng phát triển cả kỹ năng mềm song song với việc học, trong khi đó nhiều sinh viên Việt Nam vẫn chỉ biết học mà chưa trang bị cho bản thân những kỹ năng cần thiết khác”, Bảo nói.

Còn trong chuyến đi Indonesia kéo dài 10 ngày, Bảo đã ở cùng gia đình một người bạn đạo Hồi của mình, được làm quen với cách thức dậy sớm của người đạo Hồi vì họ phải cầu nguyện 5 lần/ngày. “Ở Indonesia, đặc biệt là thủ đô Jakarta, hệ thống đường sá chưa được cải thiện nên xe máy ô tô và các phương tiện khác chạy rất lung tung. Dân số đông nên kẹt xe ở đây có thể lên đến 12 giờ đồng hồ liền”, Bảo kể.

Vừa trở về từ chuyến hành trình Tàu thanh niên Ðông Nam Á - Nhật Bản đi qua 10 nước ASEAN trong vòng 54 ngày, Bảo lại tiếp tục lên kế hoạch chinh phục Brunei, nước cuối cùng trong các nước ASEAN Bảo chưa đặt chân tới.

Chàng trai trẻ cho biết: “Brunei là điểm đến chinh phục tiếp theo của tôi sau SSEAYP 2016. Tiếp đó, tôi sẽ lên lịch cho các hoạt động xã hội và thiện nguyện, tìm kiếm cơ hội đi nhiều hơn”.

Trong 9 quốc gia đã đặt chân đến, có những nơi Bảo quay lại nhiều lần như Indonesia 3 lần, Singapore 3 lần và Thái Lan 4 lần. Chính vì thế, hầu như đất nước nào Bảo cũng có những người bạn cho riêng mình và khi cần tìm hiểu về điều gì đó, Bảo lại xách ba lô lên và đi.

Theo Ngô Bình

Tiền phong

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm