Chàng trai “ẵm” ba điểm 10 ĐHBK TPHCM

Thật thà, con nít, nhưng đặc biệt say mê Toán, là cảm nhận của thầy Nguyễn Đình Huy, chủ nhiệm lớp 12T, THPT thị xã Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp về trò Võ Tấn Đạt, vừa đạt thủ khoa ĐH Bách khoa TPHCM.

Theo thầy Huy, Đạt không biết nói dối, có thể gặm bánh mì và nghĩ cách giải bài ngay trên đường đi học.

Xếp loại học lực chung, Đạt chỉ đứng thứ 6 trong lớp 12T, lớp chọn của trường, song cậu có kiến thức sâu rộng và sáng tạo với môn Toán. Đạt luôn dẫn đầu lớp ở môn học này, vì thế được giao hướng dẫn thêm cho những học sinh chưa hiểu bài.

Cũng theo thầy Huy, Đạt nằm trong nhóm 5 trò mà ông hy vọng đạt tổng điểm tuyệt đối trong năm nay. Ông chỉ thắc thỏm vì cậu giải bài quá ngắn và trình bày hơi... ẩu.

"Việc Đạt giải bài với nhiều phương pháp lạ là chuyện bình thường. Thi khối A vừa rồi, câu về giá trị lớn nhất nhỏ nhất, phần khó nhất của đề, cậu ấy làm còn hay hơn cả đáp án. Nhưng lại làm gọn quá nên tôi cứ lo không được điểm cao. Nhưng cuối cùng, cậu ấy lại là học sinh duy nhất của lớp đạt tổng điểm tuyệt đối", ông Huy khoe.

Đạt còn hai "sư phụ" tận tâm là cha mẹ mình. Cha Đạt vốn là cử nhân ĐH Tài chính còn mẹ là cử nhân ĐH Kinh tế. Vì muốn dành nhiều thời gian hơn để lo cho Đạt và 2 người em song sinh của cậu, cha mẹ Đạt nghỉ làm ở công sở để bán tạp hóa tại nhà.

Từ lớp 1 tới lớp 6, bàn học của Đạt luôn được đặt kế ngay nơi mẹ bán hàng và được mẹ kiểm tra, hướng dẫn hằng ngày. Khi cậu lên THCS, công việc gia sư này được chuyển giao sang người cha. Và nếp học nghiêm túc, với những phương pháp sáng tạo được truyền dạy từ những cử nhân "gộc" này đã giúp cậu hoàn toàn tự lực bước vào THPT với nhiều chương trình cao hơn chương trình mà cha mẹ học trước đây.

Trong mắt bà Hà Vũ Thị Như Thúy, mẹ của Đạt, thì cậu con trai lớn này ít nói và rất khiêm tốn. Cậu cứ lẳng lặng ngồi vào bàn học, không cần nhắc nhở. Nhưng vì quá say mê môn Toán nên mỗi khi tìm được cách giải hay cho những bài khó, cậu hét toáng lên, làm náo động cả nhà.

Thi xong khối A, đối chiếu với đáp án của Bộ, bài làm 3 môn của cậu đều đúng hết. Nhưng khi mẹ nôn nóng hỏi dự tính được bao nhiêu điểm, Đạt chỉ trấn an một câu: "Mẹ yên tâm, chắc đủ điểm đậu". Còn người mẹ mong con được hơn chút ít mức trúng tuyển của ĐH Bách khoa TPHCM năm ngoái (26,5 điểm), đề phòng năm nay điểm chuẩn cao. ĐH này cũng là trường mà bà Thúy mơ được học từ thuở học sinh.

"Khi nhận tin báo cháu đỗ thủ khoa Bách khoa với 3 điểm 10, tôi không dám tin. Vì Đạt là học sinh giỏi nhiều năm, nhưng làm sao có thể vượt thí sinh ở thành phố lớn, có điều kiện học tập hơn. Kết quả này thật bất ngờ, quá sức tưởng tượng của tôi", bà Thúy tâm sự.

Tổng điểm tuyệt đối cũng bất ngờ với Đạt, dù cậu hoàn thành hết bài thi và dư cả tiếng đồng hồ. Đạt nghĩ mình đỗ nhưng chỉ khoảng 27-28 điểm. Cậu lo bị trừ điểm "ẩu", dù đã soát bài nhiều lần. Vì từ THCS đến THPT, cậu đều bị thày cô nhắc nhở là trình bày ẩu, nhảy bước, hấp tấp. Cậu bày tỏ suy nghĩ về kết quả thi của mình rất khiêm tốn: "Nhiều bạn cũng đạt tới 29,75. Em may mắn nên cao hơn chút".

Đạt cho rằng, bước vào phòng thi, tâm lý là yếu tố quan trọng ảnh hưởng trực tiếp tới quá trình làm bài và kết quả. Cậu đi thi với tâm trạng rất thoải mái. "Em luôn tự căn dặn đừng có run và cố gắng làm bài hết khả năng. Run là xong rồi, khỏi suy nghĩ gì luôn", Đạt chân chất bộc bạch. "Ba mẹ đã tạo cho em tâm thế ấy. Mẹ em nói, đậu rớt là chuyện bình thường trong thi cử, chỉ cần em ráng học và cố gắng cao nhất là được".

Theo tự họa của Đạt thì cậu không phải là mọt sách và luôn dành thời gian để chơi thể thao, mỗi ngày ít nhất 1 tiếng. Đạt biết chơi khá nhiều môn "để không bị con gái khinh rẻ", nhưng môn mà cậu "kết" nhất là bóng đá. Cậu cũng bật móng, bó chân mấy lần vì chơi ham quá.

Tuy nhiên, Đạt ấn định mỗi ngày ít nhất phải có 4 tiếng tự ôn bài ở nhà và khi đã ngồi vào bàn học thì cậu gần như không chú ý đến xung quanh. Bài càng khó Đạt càng ham làm tới cùng. Cậu là học sinh giỏi 12 năm liền và có điểm trung bình môn Toán hằng năm luôn từ 9,6 trở lên. Lớp 11 và 12, điểm trung bình của môn này tròn trĩnh 10. "Em bám sát kiến thức sách giáo khoa. Khi đã làm hết, làm đúng bài tập sách giáo khoa mới làm bài nâng cao. Em nghĩ kiến thức nền này đủ để trúng tuyển ĐH, còn phần điểm cao là sáng tạo trên cái nền đó", Đạt cho biết.

Đạt cũng liên tục dự thi học sinh giỏi tỉnh, quốc gia, nhưng không phải là người thực sự có duyên với giải thưởng. Cậu đã đoạt giải ba Toán năm lớp 5 và giải nhất năm lớp 9, giải 3 cuộc thi về máy tính bỏ túi THCS... Đạt quyết tâm vào khoa CNTT, ĐH Bách khoa TPHCM vì ý thức đây là ngành đang có tác động lớn tới mọi mặt hoạt động của thế giới. Và cậu rất "khéo" chọn thần tượng. Phần nhiều hình ảnh và bài báo dán ở góc học tập của Đạt là... Bill Gates.

Chàng thủ khoa này cũng ấp ủ ước mơ được du học ở một nước có nền CNTT phát triển. Và chỉ một tuần sau khi thi ĐH, cậu khăn gói lên TPHCM học thêm Anh văn, với hy vọng đây là chiếc gậy chỉ đường, giúp cậu có thể kiếm được học bổng du học.

Theo Thanh Lương
Vnexpress