Chàng ơi, đừng “chém gió”!

Thuật ngữ “chém gió” được teen sử dụng với nghĩa: dựng nên những câu chuyện không có thật, cốt làm “hoa mắt” người khác và để họ phải chú ý, nể phục mình. Khi “chém gió” trở thành thói quen của chàng thì nhiều nàng phải “lãnh án” ngượng ngùng và xấu hổ thay người yêu.

“Chém” đến cùng

 

Ngọc Liên (19 tuổi) có người yêu là một anh chàng cao to, phong độ, tính tình thân thiện. Tuy nhiên, chàng có một tất xấu khó bỏ là thích và thường xuyên “chém gió”.

 

Liên kể: “Lần gần đây nhất, anh ấy nói với bạn bè thế này: ba của ảnh vừa trúng xổ số hơn tỷ đồng, tuần tới sẽ gửi tiền lên cho con trai tiêu xài. Đến lúc đó, ảnh sẽ mở hội khao tất cả bạn bè, địa điểm tuỳ mọi người quyết định, hết bao nhiêu, anh chi.

 

Nhận được tin cực hot, tất cả bạn bè của anh đều xúm lại lên kế hoạch cho buổi đi chơi vào tuần tới, ai cũng háo hức, mong chờ. Vậy mà đúng hôm xuất phát, ảnh nhờ tớ gọi điện thông báo với mọi người rằng ảnh bị ốm nên chuyến đi phải hoãn lại. Chẳng ai biết được sự thật là anh ấy đang “chém gió”, ngoài tớ”.

 

Yêu nhau được gần một năm, Minh Ngọc (19 tuổi) không có điều gì phàn nàn hay chê trách người yêu, bởi chàng hiền lành, rất mực yêu thương, chiều chuộng bạn gái. Duy chỉ có một điều khiến Ngọc không hài lòng, đó là việc chàng rất thích “chém gió” khi đi chơi cùng bạn bè.

 

“Nhiều lần tớ thấy xấu hổ không biết giấu mặt vào đâu khi anh ấy hết lòng khen ngợi tớ trước mặt bạn bè của ảnh. Anh nói: tớ vừa giỏi giang, thông minh, học giỏi lại đàn hát khá hay, không thua gì ca sĩ. Bạn bè anh cứ trầm trồ.

 

Trong khi tớ cố gắng… nói giảm, nói tránh “Không có chuyện đó đâu” thì anh quay sang, bảo tớ ngồi im để anh nói chuyện với bạn. Hôm đó nhóm bạn anh bảo tớ cầm mic hát thử, không muốn làm mất mặt anh nên tớ đồng ý.

 

Khi thấy tớ hát không hay như lời người yêu “quảng cáo” trước đó, mọi người có vẻ thất vọng. Còn anh thì ra sức bào chữa: Tại cô ấy đau họng hai hôm nay nên thế”.

 
Chàng ơi, đừng “chém gió”!

Đôi khi vì chữ "oai" trước mặt người yêu, các chàng "chém hơi quá". (ảnh minh họa)
 

Đã ba ngày nay, Hoài Thương (20 tuổi) đang làm mặt giận với người yêu chỉ vì không thể chấp nhận được thói quen… siêu “chém gió” của chàng.

 

“Hôm tớ và anh ấy ra mắt nhóm bạn thân của tớ, khi được hỏi về quê quán, anh không ngần ngại kể luôn một mạch về hoàn cảnh gia đình, thân thế cha mẹ, chức vụ ông bà đang nắm giữ tại địa phương. Anh kể thật lưu loát làm ai cũng kinh ngạc, có đứa bạn còn véo tay tớ “Phen này Thương sướng rồi nhá”. Tớ chỉ cười cười.

 

Không ngờ, một nhỏ trong nhóm, cùng quê với anh lên tiếng: chức danh đó, ở địa phương đó là của ông bà đó, họ có phải là bố mẹ của anh không? Lúc này anh bắt đầu ấp úng, nhanh như cắt, anh đổi chủ đề buổi nói chuyện. Hôm đó tớ thật sự khó chịu, phải giải thích với bạn bè rằng đó chỉ là người quen của gia đình anh ấy”.

 

Cần có thời gian

 

“Chém gió” sẽ trở thành thói quen xấu và khó bỏ khi chàng không thể kiềm chế những phát ngôn của mình hằng ngày. Đặc biệt là khi thói quen đã ăn sâu vào tính cách và trở thành “một phần tất yếu của cuộc sống”. Khi đó, mỗi ngày không được “chém” sẽ khiến chàng cảm thấy bứt rứt, khó chịu.

 

Hãy tranh thủ cơ hội những lúc chỉ có hai người để giải thích cho chàng biết mặt lợi, hại khi duy trì thói quen “chém gió”. Những lần đi chơi, hãy chú ý nhắc nhở chàng cấn thận với lời nói của mình, để chàng hạn chế khả năng “chém gió”… vô lối khi nói chuyện.

 

Trong các cuộc vui, nếu chàng có lỡ “chém gió” theo quán tính thì bạn có thể nhanh chóng cải chính thông tin theo cách sau: “Anh ấy nói đùa đấy. Chuyện là thế này….” và không quên nở một nụ cười thân thiện. Nhiều lần như thế, chàng sẽ có ý thức về thói quen xấu của mình.

 

Điều gì cũng có thể thay đổi nếu bạn kiên trì và cho bản thân cơ hội sửa chữa. Tập dần cho mình thói quen suy nghĩ thật kĩ trước khi nói là yếu tố cần thiết giúp bạn trưởng thành và tạo lập mối quan hệ tốt đẹp với những người xung quanh.

 

Theo Anh Thảo

Mực Tím