Chàng doanh nhân “ở trọ” và dự án cho người Việt

Từ sự kém tự tin của chính mình khi nói tiếng Anh đã vực dậy khao khát thực hiện một dự án cộng đồng giúp người Việt học tiếng Anh. Đó là hành trình của chàng trai Việt Nam học trên đất Mỹ: Nguyễn Minh Trí, chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc Công ty Công Nghệ Việt.

Anh là một trong 25 doanh nhân trẻ xuất sắc nhất châu Á trong năm 2007 vừa được tạp chí Business Week bình chọn.

Trong mắt bạn bè, quả là ngộ khi thời phổ thông Nguyễn Minh Trí là “thanh gươm” duy nhất lạc loài trong “rừng hoa” lớp chuyên văn của Trường Colette (TPHCM), mấy môn tự nhiên và khoa học đều nằm ngoài diện quan tâm của Trí. Ấy thế mà đùng một cái anh chàng sang Mỹ học máy tính ở ĐH Tổng hợp Portland.

“Nhiều người thành công từ chiếc máy tính như Bill Gates, Larry Ellison- Oracle..., sao mình không thử?” - Trí nhớ lại việc chọn lựa của mình.

Tốt nghiệp, Trí bay ngay về Việt Nam để bắt đầu đưa ý tưởng của mình vào hiện thực.

Ba năm dài đi về giữa Mỹ và Việt Nam, Trí ngày ngày chăm chút cho Viet Tech, đau đáu với dự án cho chính người Việt mình. Dự án cộng đồng trên website www.myworldvn.com ra đời. Đây là nơi trau dồi tiếng Anh cho những người không có điều kiện đến trường, không có điều kiện tiếp xúc với các tài liệu mới.

Luyện thi TOEFL, IELTS, SAT..., Kinh nghiệm học ngoại ngữ, Học tiếng Anh với bản tin, video, bài hát, truyện, thành ngữ.. rồi Kho đề thi, Trao đổi kinh nghiệm, Myworld trở thành “trường” dạy tiếng Anh cho hơn 35.000 thành viên của mình với mức học phí 3.000 - 4.000 đồng/giờ cho tiền Internet.

Ý tưởng này xuất phát từ việc Trí nhìn thấy “căn bệnh” phổ biến của nhiều bạn trẻ Việt Nam trong đó có mình: e dè, thiếu tự tin, lo lắng khi giao tiếp bằng tiếng Anh. “Myworld sẽ là nhịp cầu để bạn trẻ Việt Nam nhìn ra thế giới” - Trí khẳng định.

Người có duyên với giải thưởng quốc tế

Dùi mài kinh sử, Trí giành được một suất học bổng toàn phần tại ĐH Tổng hợp Portland. Ngay năm thứ nhất, Trí đã đoạt giải ba cuộc thi robot tự động của vùng Tây Mỹ rộng lớn.

Sang năm thứ hai, trong một cuộc vận động cải tiến, nâng cấp quản lý Tổ chức từ thiện St.Vincent de Paul tại Portland, với ý tưởng lập website để bán qua mạng những thứ quyên góp được cũng như đơn giản hóa thủ tục quyên góp tiền bằng các mẫu đơn qua mạng, Trí được tổng thống Mỹ trao tặng giải thưởng dành cho sinh viên có những đóng góp tích cực cho cộng đồng.

Tiếp tục thử sức mình với đề án “Làm đại lý phân phối độc quyền đĩa phim cho Hãng TVB”, Trí được Tổ chức SIFE (Student in Free Enterprise) trao giải nhất vùng Tây Bắc Mỹ với giá trị giải thưởng lên đến 16.000USD. Không ngừng phấn đấu, năm thứ ba đại học Trí được nhận thêm học bổng E-Scholars, một chương trình đào tạo doanh nhân tương lai nổi tiếng ở Mỹ. Bốn năm liền Trí đạt danh hiệu “Sinh viên ưu tú trên toàn nước Mỹ”.

Với Trí, sống xa quê hương, tự sống, tự thích nghi, tự học tập thì không gì quan trọng hơn là tự lập. Nhờ đó Trí vượt qua được những khó khăn trong học tập, dấn thân vào thương trường, tiếp xúc với nhiều doanh nhân thành đạt...

Vẫn sung sức, vẫn đầy nhiệt huyết với những dự án ở tuổi 25 của mình, với Trí, “xin đừng coi mình là Việt kiều mà chỉ là một cậu bé trọ học xa nhà, sẽ dành tất cả cho “bầu bí” mình thôi. Trí sẽ sớm về với gia đình vì thèm món canh cua rau đay và cà pháo mắm tôm lắm rồi”.

Theo Vi Thảo
Tuổi Trẻ