Đó là bạn Phan Minh Nhựt (SV năm 2, khóa 36, khoa Giáo dục tiểu học và mầm non, Trường ĐH Quy Nhơn) vừa được Quỹ Hỗ trợ nghiên cứu Biển Đông (FESS) trao giải cho bài Nghiên cứu: “Giáo dục kiến thức Biển - Đảo cho học sinh tiểu học qua môn Tự nhiên - Xã hội”.
Đề tài “Giáo dục kiến thức Biển - Đảo cho học sinh tiểu học qua môn Tự nhiên – Xã hội” do Nhựt thực hiện dưới sự hướng dẫn của cô giáo bộ môn Nguyễn Thị Tường Loan.
Phan Minh Nhựt (thứ 3 từ trái qua) được vinh danh tại thủ đô Hà Nội
Chia sẻ về lý do đến với cuộc thi, Nhựt cho biết: khoảng đầu tháng 9/2014, Nhựt biết được thông tin về cuộc thi mang tên “Giải thưởng nghiên cứu Biển Đông năm 2014” do Quỹ Hỗ trợ nghiên cứu Biển Đông phát động, dành cho sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh, học giả, nhà nghiên cứu trên toàn quốc.
Được thầy cô giáo khuyến khích, nhưng người có ảnh hưởng lớn nhất là cô giáo Nguyễn Thị Tường Loan, giảng viên bộ môn Tự nhiên - Xã hội nên Nhựt mạnh dạn đăng ký tham gia dự thi.
“Tuy mới là sinh viên năm 2 nhưng Nhựt đã thể hiện sự năng động, thông minh và chịu khó nên tôi động viên em đăng ký và hướng dẫn em thực hiện đề tài. Qua quá trình hướng dẫn làm đề tài tôi nhận thấy Nhựt rất nỗ lực, chịu khó tìm kiếm tài liệu để hoàn thành tốt đề tài”, cô Loan chia sẻ.
Chân dung cô sinh viên đất võ Bình Định đạt giải bài Nghiên cứu xuất sắc về biển Đông năm 2014 do Quỹ trợ nghiên cứu Biển Đông tổ chức
Riêng với bản thân Nhật, vốn là một Bí thư chi đoàn năng nổ, cũng rất quan tâm đến vấn đề nóng về biển đảo. Tuy nhiên, lần đầu tiên thực hiện một đề tài nghiên cứu khoa học, lại là chủ đề quốc tế nhạy cảm, cần sự chính xác, sự am hiểu làm sâu khiến Nhựt không khỏi lo lắng, băn khoăn, nhiều đêm không ngủ.
“Để thực hiện đề tài dưới sự hướng dẫn của cô Loan nhưng em phải mất 4 tháng để hoàn thành. Ngoài rất nhiều sách liên quan đến chủ quyền biển, đảo mà cô Loan cho em mượn, em còn tìm các giáo trình giáo dục, khoa luận các năm trước.
Ngoài ra, em còn phải đến thư viện tìm đọc sách, lên internet, báo, đài. Tuy nhiên, vấn đề biển đảo luôn là chủ đề nóng bỏng và nhạy cảm nên việc tìm ra nguồn tài liệu thì việc xác định được tài liệu chính xác lại là một việc khó khăn. Thời gian em làm đề tài em cũng chẳng nhớ là mình đã đọc bao nhiêu sách, tài liệu nữa”, Nhựt chia sẻ.
Sau 4 tháng miệt mài tìm kiếm tài liệu liên quan đến biển đảo, cuối tháng 3/2015, Nhựt ra Hà Nội bảo vệ đề tài. Cô sinh viên đất võ Bình Định trở thành sinh viên duy nhất đại diện cho sinh viên khu vực miền Trung - Tây Nguyên, cũng là tác giả trẻ tuổi nhất tự tin trình bày và phản biện thuyết phục trước Hội đồng giám khảo gồm các chuyên gia hàng đầu về lĩnh vực biển Đông như: PGS. TS, Thiếu tướng Lê Văn Cương; Thiếu tướng Trần Văn Hương, Bộ Quốc phòng; PGS.TS Vũ Thanh Ca, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý biển và hải đảo… để đoạt giải bài nghiên cứu về Biển Đông xuất sắc.
Phan Minh Nhựt hiện đang là sinh viên năm 2 khoa Giáo dục tiểu học - mầm non của Trường ĐH Quy Nhơn Theo Nhựt, từ thực tế hiện nay ở các bậc tiểu học việc học sinh am hiểu những kiến thức về chủ quyền biển đảo là rất hạn chế. Đặc biệt, trong bối cảnh biển Đông đang tranh chấp, trong đó có Việt Nam chúng ta. Vì vậy, rất cần thiết khi đưa vấn đề giáo dục kiến thức biển, đảo và ý thức về chủ quyền, tự hào dân tộc đối với học sinh cấp tiểu học.
Khi được hỏi, dựa trên cơ sở đề tài nghiên cứu thì việc áp dụng vào thực tế giảng dạy, Nhựt cho biết: “Em sẽ thực hiện dưới 2 hình thức nội khóa và ngoại khóa. Trong đó, nội khóa sẽ sử dụng 3 phương pháp tích hợp, lồng ghép và liên hệ kiến thức liên quan.
Còn tổ chức dạy ngoại khóa chủ yếu bằng các hình thức kể chuyện, nói chuyện, các cuộc thi tìm hiểu về biển đảo, tranh ảnh, báo tường, tham quan viện bảo tàng, nhà truyền thống… Tuy nhiên, dù sử dụng hình thức nào thì kiến thức để giáo dục các em phải đơn giản, dễ hiểu nhất”.
Nhựt (bên phải ngoài cùng) nhận danh hiệu Sinh viên 5 tốt của Trường ĐH Quy Nhơn
Nói về ước mơ, Nhựt chia sẻ: “Nghề giáo là nghề em đã lựa chọn nên em vẫn sẽ tiếp tục theo đuổi nó, còn nghiên cứu khoa học là bổ trợ. Tuy nhiên, em vẫn hi vọng mình sẽ có thêm một cơ hội nữa để tham gia việc nghiên cứu khoa học”.
Giải thưởng Bài nghiên cứu về biển Đông 2014 do Quỹ Hỗ trợ Nghiên cứu biển Đông tổ chức (từ 30/9 đến 1/12/2014) dành cho sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh có công trình nghiên cứu về các vấn đề liên quan đến biển Đông từ các góc độ giáo dục, lịch sử, pháp lý, quan hệ quốc tế, kinh tế… Có 13 giải trong đó 10 giải xuất sắc (10 triệu đồng/giải) và 3 giải đặc biệt xuất sắc (15 triệu đồng/giải).
Giải thưởng được thực hiện nhằm thúc đẩy việc nghiên cứu về biển Đông trên toàn quốc; phát hiện các tài năng trẻ đam mê nghiên cứu về biển Đông để tiếp tục đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho công cuộc bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc, thúc đẩy hợp tác về hòa bình, phát triển ở biển Đông.
Doãn Công