Cây viết 9x tiết lộ thu nhập "khủng" từ nghề "tay trái"
(Dân trí) - Cây viết trẻ Nguyễn Ngọc Sơn (Sơn Paris) tiết lộ, trung bình mỗi cuốn sách bán chạy có thể mang về cho tác giả từ 30 đến 100 triệu đồng; mỗi bài viết/status quảng cáo đơn giản, người viết nhận 500.000 – 1.500.000 VNĐ.
Thời của những cây viết trẻ và tản văn
Trở về đôi ba thập niên trước, mỗi tác phẩm in ra đời đều được độc giả đón nhận nồng nhiệt, già trẻ trai gái đều mê mẩn những tập thơ, cuốn truyện, tờ báo… Nhưng giờ đã là thời đại của mạng xã hội. Người ta thích những gì nhanh chóng, tiện lợi. Nhà văn, nhà thơ rơi vào cảnh chật vật “kiếm sống”, cái nghề chẳng đủ sức nuôi nổi đam mê và mơ ước của họ.
Đã có hàng loạt những chương trình, giải pháp để “cứu vãn” văn hóa đọc của người Việt, đặc biệt là độc giả trẻ. Bởi ai cũng hiểu, trước khi có các phương tiện nghe nhìn, sách là con đường lớn nhất để con người tiếp cận thông tin, văn hóa, tri thức. Đọc sách là một trong những cách thức giúp con người thư giãn, tích lũy kiến thức, tăng cường khả năng tư duy. Vậy, vì sao chúng ta lại thờ ơ với nó?
Để đáp ứng nhu cầu của những độc giả "không có thời gian theo dõi một câu chuyện dài dòng", tản văn nở rộ, một thời kỳ mang tên “sách trẻ” đã lên ngôi. Hàng loạt cái tên đình đám với số lượng bản in bán ra thị trường lên tới cả chục ngàn cuốn như: Gào, Anh Khang, Phan Ý Yên, Sơn Paris, Iris Cao…
Sách của những tác giả thế hệ 8x, 9x đánh trúng tâm lý của người trẻ, tập trung chủ yếu vào tình yêu và nỗi cô đơn của con người giữa nhịp sống hối hả này. Như một cây cầu cảm xúc bắc ngang qua, độc giả trẻ đã tìm thấy một điểm bấu víu cho những khúc mắc tâm hồn, rồi được “giải thoát” bằng những lời lẽ sâu sắc gắn kèm với một bức hình cũng “sâu” không kém.
Tuy nhiên, khi những sản phẩm của họ thu hút sự quan tâm đông đảo như thế nhưng cũng nhận về nhiều ý kiến trái chiều. Một bộ phận độc giả cho rằng, sách của những nhà văn trẻ hiện nay nội dung còn hời hợt, họ viết theo trào lưu hoặc do đơn đặt hàng, cảm xúc chưa sâu và câu chuyện chưa truyền tải được giá trị tích cực. Ngoài chia tay, hận thù rồi nước mắt, rốt cuộc sách trẻ có thêm điều gì?
Ấy vậy mà những nhà văn trẻ này vẫn chiếm lĩnh thị trường sách dành cho thanh niên nhờ những buổi lễ ra mắt rình rang như ca sĩ ra MV, ra phim mới. Bên cạnh viết sách, những nhà văn “thần tượng” còn hoạt động trong các lĩnh vực khác: quảng cáo, tư vấn chiến lược, MC, biên tập viên…
Viết 1 bài/status quảng cáo thu vào 500.000 – 1.500.000 VNĐ
Nguyễn Ngọc Sơn (Sơn Paris), một trong những cây viết trẻ đang nổi không ngần ngại tiết lộ với PV Dân trí về những bí mật trong nghề, nhiều câu chuyện thú vị đằng sau nghề cầm bút hoặc "nghề tay trái" đang giúp những nhà văn 9x “thu nhập” cao ngất ngưởng.
Sơn Paris tiết lộ, nhà văn trẻ bây giờ có thu nhập khá từ việc viết status trên mạng xã hội. Nghe thì có vẻ lạ tai nhưng những bài quảng cáo mà các bạn nhìn thấy mỗi ngày trên các fanpage, hay trên các tài khoản Facebookers bán hàng, đó chính là sản phẩm của những người “đẻ chữ” như Sơn Paris.
Nhà văn 9x Sơn Paris tiết lộ: mỗi cuốn sách bán chạy sẽ mang về cho tác giả từ 30 đến 100 triệu đồng; mỗi bài/status quảng cáo đơn giản cho một thương hiệu, sản phẩm nào đó, người viết sẽ nhận 500.000 – 1.500.000 VNĐ
Theo nhà văn 9x này, nghề viết đã giúp cậu rất nhiều. “Nó là nền tảng để mình khai thác ngôn từ tốt hơn. Khi được mọi người biết tới và công nhận rồi, sách của bạn dù chưa “ra lò” đã được các nhà xuất bản đặt hàng.
Thậm chí, với khá nhiều nghệ sĩ hay doanh nhân, những cuốn tự truyện hay bí quyết thành công của họ, cũng là do nhà văn trẻ chắp bút. Nhiều công việc khác liên quan tới truyền thông như: nội dung chiến lược, slogan cho sản phẩm, tài liệu – kịch bản dạy và học… Tất cả những thứ đó đều đang được lứa nhà văn trẻ tận dụng rất tốt.
Nhiều bạn bè của tôi hoạt động trong lĩnh vực văn chương đang là những người âm thầm đứng sau sự thành công của vô vàn thương hiệu, sản phẩm trên thị trường”, anh Sơn cho biết.
Trung bình, mỗi cuốn sách bán chạy sẽ mang về cho tác giả từ 30 đến 100 triệu đồng, tùy theo số lượng bản in được bán trong 1 năm, 2 năm hoặc 3 năm. Vài năm trở lại đây, nhiều nhà văn trẻ đã cán mốc 1 vạn bản in cho các ấn phẩm của mình. Sơn Paris với “Trót lỡ chạm môi nhau”, “Muốn khóc thật to” và “Mười ba” cũng thu về kha khá lợi nhuận sau 3 năm phát hành.
Đối với một cuốn sách "chắp bút" cho các nhân vật khác thì "nhuận bút" cao gấp rưỡi, thậm chí gấp đôi. Tuy nhiên thời gian để hoàn thành một cuốn sách khá nan giải. Vì thế, thu nhập từ công việc viết sách được xếp vào nhóm hạn chế hơn những ngành văn hóa, nghệ thuật khác. Tuy nhiên, nguồn thu từ việc viết quảng cáo đem về cho các nhà văn trẻ con số “khủng” hơn bao giờ hết.
Một bài “preview” hay “review” sản phẩm, dịch vụ, cũng giúp họ thu được 5 - 20 triệu đồng. “Caption” hay “status” quảng cáo thì khiêm tốn hơn, dao động từ 500.000 – 1.500.000 VNĐ tùy theo danh tiếng của nhà văn và độ thu hút của bài viết.
Chia sẻ về chủ đề này, Sơn Paris cho hay: “Viết bài quảng cáo đơn thuần không khó, nhưng đòi hỏi bạn phải luôn sáng tạo, tích thu những cái mới, cái hay và đặc biệt là phải thấu hiểu tâm lý của đối tượng khách hàng mục tiêu".
Chính bởi điều đó, nhiều nhà văn rẽ hướng sang công việc PR, viết status kinh doanh, tư vấn nội dung quảng bá... cho các nhãn hàng. Vừa có thể tiết kiệm thời gian, vừa được thỏa sức "nhảy múa" với các con chữ mà thu nhập bình quân mỗi tháng có khi lên tới cả trăm triệu đồng.
Thế nhưng các nhà văn trẻ cũng không từ bỏ việc viết sách truyền thống. Bởi vì: "Sách truyền thống là "bàn đẩy" giúp tên tuổi của một nhà văn trẻ được biết tới, được khẳng định trên thị trường sách, thì việc viết quảng cáo chính là "kết quả" nhận được từ sự nổi tiếng đó.
Không ra tác phẩm mới cũng đồng nghĩa với việc họ bị lãng quên trong vai trò của một người cầm bút, quảng cáo quá nhiều sẽ bị đánh đồng là đang kinh doanh mặt hàng đó... Vì thế, nhà văn trẻ luôn phải cân bằng cả 2 "nhiệm vụ" để vừa có tiếng, vừa có miếng", Sơn Paris cho biết.
Mai Châm