Cây nắp ấm của Vương

Bắt tay vào nhân giống từ cuối năm 2013, ngày nào Vương cũng có mặt ở vườn ươm của trường để theo dõi quá trình cây phát triển. Sau vài tháng mày mò, quy trình nhân giống cây nắp ấm đã hoàn thiện trong niềm vui của Vương và thầy cô hướng dẫn.

Cây nắp ấm (còn gọi là cây bắt mồi) là một trong những loài cây có giá trị kinh tế và y học cao. Nắm bắt nhu cầu thị trường, anh bạn Đặng Long Vương (ngành Công nghệ Sinh học, trường ĐH Nông Lâm TP.HCM) đã chọn “Hoàn thiện quy trình nhân giống cây nắp ấm (Nepenthes) in vitro và khảo sát sự sinh trưởng của cây nắp ấm ex vitro” để làm đề tài tốt nghiệp.

 

Cây nắp ấm có vị ngọt, tính mát, tác dụng thanh nhiệt, lợi thấp, hóa đờm, giảm đau. Ở nhiều vùng, đây là loại cây được sử dụng như một vị thuốc. Vài năm gần đây, cây nắp ấm được những người yêu thích cây cảnh ưa chuộng vì hình dáng độc đáo, trồng làm cảnh và có khả năng bắt côn trùng. Một cây nắp ấm đẹp có thể bán với giá vài trăm ngàn đến vài triệu đồng. Tuy nhiên, cây nắp ấm có đặc điểm là rất khó nhân giống theo phương pháp thủ công.

 

Vương cho biết: “Mình kế thừa ý tưởng từ anh Huỳnh Phước, sinh viên khóa trên. Từ những ý tưởng đã có, mình nghiên cứu và hoàn thiện thành quy trình nhân giống cây nắp ấm”.

 

Chàng trai quê Phú Yên giải thích thêm: Người trồng cây nắp ấm làm cảnh thường theo phương pháp nhân giống bằng hạt hoặc giâm cành. Tuy nhiên, nhân giống bằng hạt gặp nhiều khó khăn. Phải mất 2 tháng, hạt mới nảy mầm, đến lúc cây trưởng thành, phải mất 2 năm.

 

Phương pháp giâm cành tuy có nhanh hơn nhưng cũng phải mất đến 2 tháng cây mới tạo rễ và hơn 6 tháng mới tạo được ấm. Ở một số vùng, người chơi cây còn đào trực tiếp từ trong rừng về nhưng cây mau héo và tỷ lệ sống rất thấp.

 

Đặng Long Vương và những cây nắp ấm nhân giống trong vườn nhà.
Đặng Long Vương và những cây nắp ấm nhân giống trong vườn nhà.

 

Với lợi thế kiến thức chính quy, Vương sử dụng công nghệ nuôi cấy mô để tạo ra cây giống. Phương pháp nuôi cấy tiên tiến trong công nghệ sinh học thực vật có thể nhân giống nhanh với số lượng lớn, áp dụng ở một số loài thực vật mà biện pháp nhân giống thông thường không thể thực hiện được. Nuôi cấy mô còn giúp tạo ra giống cây trồng sạch, đồng đều về mặt di truyền, có thể sản xuất ra cây giống quanh năm.

 

Vương đã dựa trên phương pháp xác định nồng độ BA (nồng độ chất điều hòa sinh trưởng) và NAA để phát sinh chồi từ cây mẹ. Sau đó, anh bạn nghiên cứu sự ảnh hưởng của NAA đến khả năng phát triển rễ, từ đó xác định được loại giá thể thích hợp khi tiến hành nhân giống trong vườn ươm.

 

Bắt tay vào nhân giống từ cuối năm 2013, ngày nào Vương cũng có mặt ở vườn ươm của trường để theo dõi quá trình cây phát triển. Sau vài tháng mày mò, quy trình nhân giống cây nắp ấm đã hoàn thiện trong niềm vui của Vương và thầy cô hướng dẫn.

 

Với phương pháp cấy mô, Vương chỉ mất vài tuần là có thể tạo ra một cây giống mới khỏe mạnh, có tỷ lệ sống và tỷ lệ nhân giống cao hơn hẳn so với các phương pháp nhân giống thông thường.

 

Trong vườn nhà mình ở Tuy Hòa, Vương dành hẳn một khu nuôi trồng những cây nắp ấm do chính mình nhân giống. Những chậu cây xanh mướt, khỏe mạnh và lủng lẳng những chiếc ấm nhìn thật thích mắt.

 

Càng thích hơn khi biết rằng, nếu trồng theo cách thường, phải mất vài năm cây mới trổ ra những chiếc nắp ấm đẹp mắt đến vậy.

 

Nhận xét về đề tài nghiên cứu của Đặng Long Vương, PGS TS Bùi Văn Miên (trường ĐH Nông Lâm TP.HCM) cho biết: “Cây nắp ấm không chỉ là một loại cây cảnh đang rất được ưa chuộng vì hình dáng rất đẹp, loại cây này còn góp phần tiêu diệt côn trùng và giữ môi sinh trong lành.

 

Bên cạnh đó, cây nắp ấm còn có giá trị về y học nên việc nhân giống thành công theo phương pháp nuôi cấy mô của Vương là có tính thực tiễn rất cao.

 

Với những giá trị này, đề tài đang được trường gửi đi tham dự Hội nghị Khoa học trẻ toàn quốc, do Bộ GD-ĐT tổ chức”.

 

Theo Khoa Tư

Sinh viên Việt Nam