Câu nói "nhức nhối" của Táo Giáo dục về tiêu cực gian lận điểm thi năm 2018

(Dân trí) - Chuyện giáo viên sử dụng bạo lực với học trò, cho tới vấn đề giáo viên hưởng lương thấp nhưng chịu áp lực quá lớn, tiêu cực trong gian lận thi cử... được nhắc tới trong phần báo cáo của "Táo Giáo dục" Chí Trung trong chương trình truyền hình được cả nước quan tâm "Gặp nhau cuối năm".

Táo quân 2019 với sự tham gia của những gương mặt nghệ sĩ gạo cội như Xuân Bắc, Quang Thắng, Quốc Khánh, Vân Dung, Chí Trung tiếp tục là món ăn tinh thần không thể thiếu được của người dân Việt Nam vào ngày 30 Tháng Chạp.

Trước thời khắc giao thừa giữa năm cũ và năm mới, cả gia đình ngồi trước tivi xem Gặp nhau cuối năm đã thành thông lệ. Năm nay, lại được xem các Táo lên chầu trời, khán của chương trình đã chú ý tới những điểm nhấn nổi bật.

Trong số các Táo, Táo Giáo dục Chí Trung là người có nhiều câu nói thấm thía nhất, đang được lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội. Những câu nói này chạm đúng vào các vấn đề nhức nhối của ngành giáo dục trong năm vừa qua.

Câu nói nhức nhối của Táo Giáo dục về tiêu cực gian lận điểm thi năm 2018 - 1

Câu nói của Táo Giáo dục là một trong những điểm nhấn được chú ý nhất Táo quân 2019.

Nổi bật nhất là câu nói: "Thủ khoa không tự sinh ra cũng không tự mất đi, nó chỉ chuyển từ thằng này qua thằng khác".

Câu nói này nhằm vào vụ việc tiêu cực nổi cộm của ngành Giáo dục trong năm vừa qua, đó là vụ gian lận thi THPTQG, sửa điểm cho nhiều thí sinh tham gia kì thi THPT Quốc gia 2018 tại một số tỉnh thành phía Bắc.

Đây là vụ việc từng gây rúng động trong dư luận. Vụ việc này đã dẫn tới sự phẫn nộ, bất bình của dư luận cũng như câu hỏi vào sự công minh trong hệ thống giáo dục.

Bên cạnh đó, Táo Giáo dục cũng nêu những vấn đề khó khăn khác của ngành như là giáo viên hưởng lương thấp nhưng chịu áp lực quá lớn.

"Làm hay làm tốt chắc ai nhắc nhưng làm sai bị cả xã hội lên án", đó là tình cảnh của những người làm giáo dục. Các thầy cô giáo lỡ mắc phải sai lầm bị học sinh quay clip tung lên mạng, phụ huynh đe doạ, truyền thông và dư luận cùng chỉ trích khiến cho giáo viên rất mệt mỏi.

Táo Giáo dục còn đề cập tới việc sinh viên không mặn mà với ngành sư phạm mà thích học những ngành có nhiều cơ hội kiếm tiền như kinh tế, dẫn tới một số trường lâm vào cảnh “tồn tại như không tồn tại” vì không tuyển được sinh viên. Nhiều trường sư phạm hạ điểm chuẩn, nhưng thí sinh vẫn không mặn mà.

Mặt khác, Táo Giáo dục bị cả Nam Tào, Bắc Đẩu cùng "xoáy" với những câu đố hóc búa về chuyện giáo viên đánh học sinh, độc quyền sách giáo khoa... khiến cho Táo Giáo dục hết sức căng thẳng.

Hai vị "quan" thiên đình là Nam Tào và Bắc Đẩu không hài lòng vì độc quyền sách giáo khoa lại thường xuyên thay đổi khiến phụ huynh, học sinh tốn kém.

Đặc biệt, vụ việc giáo viên cho cả lớp tát bạn tới 231 cái, bản thân giáo viên cũng tự tát học sinh được diễn viên Quốc Khánh thủ vai Ngọc Hoàng nhận định là "cách giáo dục thời Trung cổ", yêu cầu có những biện pháp dạy dỗ học sinh văn minh hơn.

Dù vậy "Ngọc Hoàng" Quốc Khánh cũng có lời khen Táo Giáo dục có nhiều nhà giáo hết lòng vì học trò, động viên Táo tiếp tục cố gắng.

H.K

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm