Câu chuyện về sự hy sinh giữa thời bình của chàng trai xứ Nghệ

Ngã xuống trong thời bình, anh trở thành tấm gương cho tuổi trẻ noi gương học tập. Ở quê nhà, người mẹ ấy vẫn chưa nguôi nỗi đau mất con.

Bà ngồi thẫn thờ nhìn ra cửa như mong có một phép màu nào đó để con bà lại khoác ba lô, đội mũ gắn ngôi sao, quệt mồ hôi nở nụ cười chào mẹ bước chân vào nhà…

 

Chúng tôi về thăm nhà của liệt sĩ – Trung tá Nguyễn Tuấn Ngãi ở xóm 6, xã Văn Thành, Yên Thành, Nghệ An. Làng quê bình yên, con đường đi giữa cánh đồng lúa dẫn về ngôi nhà nhỏ đơn sơ nằm lọt giữa vườn cây xanh mát.

 

Bố mẹ liệt sĩ Ngãi - ông Nguyễn Tuấn Đức đón chúng tôi bằng sự hồn hậu của người dân quê chất phác. Trên gương mặt già nua dù cố gắng mỉm cười vẫn không giấu được nỗi đau kìm nén, đôi lúc vỡ ra thành nước mắt nghẹn ngào.

 

Ở đó, chúng tôi im lặng ngồi nghe câu chuyện của người mẹ, người cha về đứa con trai hiền lành, ít nói nhưng trong quân ngũ lại là chiến sĩ kiên cường, cống hiến cuộc đời mình cho đất nước.

 
Ông Nguyễn Tuấn Đức và bà Phan Thị Hoa nghẹn ngào khi nhắc đến con.
Ông Nguyễn Tuấn Đức và bà Phan Thị Hoa nghẹn ngào khi nhắc đến con.
 

Gian khó thời thơ ấu

 

Liệt sĩ Nguyễn Tuấn Ngãi là con thứ 3 trong gia đình có 6 anh chị em. Bà Phan Thị Hoa (68 tuổi), mẹ liệt sĩ Ngãi nhớ lại ngày mình sinh con ra là một ngày mùa đông năm 1972 - lúc bà đang chuẩn bị quang gánh ra đồng đi cấy.

 

“Cuộc sống lúc đó quá khó khăn, con sinh ra yếu ớt, ốm đau liên miên. Càng nghĩ càng thương con, lúc nhỏ Ngãi hai lần suýt chết. Một lần lúc tuổi rưỡi, nhà không còn hột gạo nào, đi làm về thấy người ta nói con mình lả đi, không khóc nổi, mềm oặt trên tay, tui chạy vội sang mấy nhà trong xóm, vay được nắm gạo về nhai sống rồi mớm cho con.

 

Còn lần nữa là khi nó đang học lớp 3, đi học về đói quá, chóng mặt lao từ bờ mương xuống ruộng. Trong mấy đứa con, Ngãi là đứa yếu nhất”, bà Hoa vừa kể về con vừa khóc.

 

Tuy nghèo đói nhưng đứa con ấy vẫn lớn lên, hiền lành như cục đất, chăm chỉ, không ngại việc gì. Thời điểm ấy, bà làm phó chủ nhiệm hợp tác xã, rồi sau đó đi học làm cô giáo làng. Chồng bà, ông Nguyễn Tuấn Đức (SN 1948) đi bộ đội, phục viên trở về làm Bí thư Đảng ủy xã Văn Thành, rồi được bầu làm đại biểu HĐND tỉnh mấy khóa liền. Ông bà sống liêm khiết, ngay thẳng, dù cuộc sống khó khăn cũng chẳng bao giờ nhận của ai đồng nào.

 

Bà Hoa thường nói với chồng, “người ta cho gì cũng đừng có lấy ông ạ, cả làng ai cũng đang nghèo”. Do được sinh ra và lớn lên trong một gia đình như thế, nên Ngãi đã sớm biết thương những người dân quê lam lũ và sống rất tình cảm, nhiệt tình giúp đỡ người khác.

 

Năm 1991, Nguyễn Tuấn Ngãi học xong THPT thì có giấy gọi đi nghĩa vụ quân sự. Nhớ lại lời kể của cha về những năm tháng 1968 – 1972 chiến đấu ở mặt trận Bình Trị Thiên nên anh đã không thi đại học nữa, mà vào bội đội.

 

Một góc quê hương liệt sĩ Nguyễn Tuấn Ngãi.
Một góc quê hương liệt sĩ Nguyễn Tuấn Ngãi.

 

Ở đâu Tổ quốc cần thì con cứ đến...

 

Sau 4 tháng trong quân ngũ anh Ngãi được về thăm nhà trong dịp đơn vị phân công xuống chợ Si (Diễn Châu) mua đồ về sửa lán cho doanh trại. Lúc đó, anh Ngãi vui mừng thông báo với bố mẹ, mình được đơn vị cử đi học sĩ quan ở Nam Đàn.

 

Do học giỏi, huấn luyện tốt, Ngãi được cử đi học cảm tình Đảng và 6 tháng sau được kết nạp đảng. Khi đó anh hỏi ý kiến cha về nguyện vọng sau khi ra trường nên đi đâu, ông Đức đã nói với con: “Cha cũng là bộ đội. Mà bộ đội, thì ở đâu Tổ quốc cần thì đến. Con cứ nói với tổ chức, tổ chức điều đi mô, thì con đi đó, đừng ngại việc chi cả”.

 

Nghe lời khuyên của cha, theo sự phân công của tổ chức vào Thừa Thiên Huế, tại đây anh xung phong đến huyện Nam Đông, ngày đó mới được chia tách ra từ huyện Phú Lộc, là vùng rừng núi hoang sơ. Anh Ngãi lại tình nguyện đi xuống các xã Thượng Long, Thượng Quảng, Thượng Lộ là những xã vùng sâu, vùng xa nhất của huyện Nam Đông để giúp đỡ các đồng bào dân tộc ít người.

 

Sự giúp đỡ nhiệt tình, vô tư của anh bộ đội quê xứ Nghệ ấy, khiến bà con dân bản ai cũng yêu quý coi anh như con cái trong nhà. Xa quê hương, ở nơi đất khách quê người, nhưng anh đã là con của nhiều người mẹ, người cha khác. Ông Đức kể: “Có lần hai vợ chồng tui vô thăm con trong đó, thấy năm mô con cũng được giấy khen. Ra đường, gặp dân bản họ cứ vỗ vai tôi nói, ông mệ có người con đúng là lính cụ Hồ, người Nghệ An quê Bác tốt quá, giúp dân chúng tôi nhiều lắm…”.

 

Anh Ngãi ở lại với đất Huế, lấy vợ sinh con. Thế rồi, người chiến sĩ ấy đã ngã xuống lúc không ai ngờ nhất. Ở khu vực con đèo La Hy thuộc xã Hương Phú, huyện Nam Đông xảy ra vụ cháy 3ha rừng keo. Đám cháy đang bốc lửa dữ dội và tạo ra sức nóng khủng khiếp, anh cùng đồng đội lao vào khu vực trung tâm của đám cháy dập lửa.

 

Khi đám cháy đang dần được khống chế thì một cơn gió mạnh đột ngột chuyển hướng, bốc theo lớp khói bụi và tàn lửa khổng lồ tấp lên khu vực anh Ngãi và một số đồng đội đang dập lửa. Anh chỉ kịp dùng tay đẩy các đồng đội về phía sau để giúp họ tránh nguy hiểm còn mình bị vùi lấp trong đống khói tro tàn lửa.

 

Ông Đức nhớ lại phút giây bàng hoàng đau xót đó: “Hôm đó là ngày 22/3, tôi đang ở nhà con trai đầu, thì đứa cháu chạy sang báo cậu Ngãi bị tai nạn trong Huế rồi ông ơi! Tôi vội vàng về nhà, trấn an bà nhà tôi, bà ấy bị bệnh tim nên cả nhà ai cũng lo cho sức khỏe của bà ấy. Tôi phải động viên, bà phải bình tĩnh, lần này đi xác định nếu con còn, thì ở lại trong đó nuôi con, còn con mất, thì tui cũng phải ở lại lo công việc cho nó”.

 

Sau đó, chỉ có ông và người con rể vào Huế. Xuống ga tàu, bố con ông được đồng đội của anh Ngãi đưa vào bệnh viện để nhìn con lần cuối. Tuy đau đớn nhưng ông vẫn động viên mình phải đứng dậy, lúc này đây mình là chỗ dựa cho con và các cháu. Ông cùng với đơn vị, Đảng ủy huyện Nam Đông, làm hậu sự cho anh Ngãi...

 

Giờ đây, tuy anh Ngãi đã đi xa nhưng ông bà vẫn nhớ đến hình ảnh đứa con, tưởng như con mình còn sống, nó sẽ nghỉ phép đưa gia đình về thăm cha mẹ. Nhiều khi nhìn ảnh con, lại giật mình như chợt biết tin dữ. Cả gia đình chưa ai quên được nỗi mất mát này. Trên bàn thờ gương mặt hiền lành của anh Ngãi đang mỉm cười, cạnh đó là bài thơ người cô viết cho cháu.

 

Ông Đức cho biết, bà Hoa mới vào Vinh chơi với đứa con út cho khuây khỏa, nhưng hôm có hai anh mặc quân phục vào nhà chơi, nhìn thấy áo bộ đội, bà xúc động quá, bị ngất, các con mới đưa bà từ viện về.

 

“Trong tất cả những đứa con, Ngãi sinh ra hiền lành nhất, mà sức khỏe cũng yếu nhất. Đứa con ấy lại ở xa nhà hàng trăm cây số, giờ đây người đầu bạc tiễn người tóc xanh, chẳng thể vào nhìn mặt con lần cuối, khiến bà vẫn còn nhớ con đau đáu...”, bà Hoa nói trong nước mắt.

 

Qua rồi những năm tháng chiến tranh đau thương, với những hy sinh mất mát không thể nói hết bằng lời. Bức ảnh đen trắng xưa đã cũ, những dòng nhật ký ngả màu thời gian, hình hài chiến sĩ đã một lần hòa vào đất.

 

Hôm nay, màu xanh đã trải khắp dải đất hình chữ S, nhưng vẫn còn người lính ngã xuống  – để bảo vệ đồng bào, để giữ vững non sông gấm vóc. Vẫn còn những người mẹ, người cha lặng khóc thương con…

 

Theo Hồ Hà

Gia đình & Xã hội