Cậu bé cổ tích của tôi

Tôi vào lớp mười hai, em học lớp một. Đường đến trường tôi phải qua trường em, vì thế tôi biết em. Cậu bé nhỏ xíu có gương mặt dễ thương với đôi mắt sáng rực và đôi tay lúc nào cũng như khoanh trước ngực.

Đôi tay ấy làm tôi nhớ hoài em, vì nó không giống những đôi tay bình thường khác: chỉ dài bằng một phần hai những đôi tay bình thường, còn các ngón tay thì dính liền vào nhau và dường như không cử động được.

 

1. Tôi thích ngắm em đến trường như ngắm nhìn một nhân vật cổ tích chăm học chăm làm. Với chiếc mũ đỏ trên đầu, cặp da lúc lắc sau lưng, tôi tưởng em bước vào lớp học phải với bao nhiêu phép mầu mới theo kịp bạn bè.

 

Rồi những năm tháng sau đó, thỉnh thoảng có dịp ghé qua Nhà Thiếu nhi Đồng Nai, tôi lại bắt gặp em, khi thì trong đội những họa sĩ tí hon, khi thì trong bộ đồ bơi ướt lướt thướt nước, lúc lại quật nhau huỳnh huỵch với bạn bè trang lứa trên sàn võ taekwondo...

 

Những dịp tổng kết hè hay kết thúc một phong trào nào đó, trong tiếng kèn Đội giục giã, thỉnh thoảng tôi lại thấy em được leo lên bục nhận phần thưởng kỹ năng. Tôi không lấy làm lạ về em nữa và nghĩ: đó là cậu bé sống bằng phép mầu.

 

2. Năm tháng bước đi... Em lớn lên, trở thành một chàng trai dù vẫn gầy gò, da ngăm đen, đôi tay vẫn bé quắt queo như ngày xưa - và đôi mắt vẫn sáng trong. Thành phố Biên Hòa bé như lòng bàn tay, vào những dịp họp hành tôi lại gặp em giữ xe ở quảng trường tỉnh Đồng Nai. Nhiều lúc tôi đã nghĩ thế là được, cuối cùng cậu bé có đôi tay tật nguyền cũng tìm được một việc để mưu sinh.

 

Em làm việc cẩn thận và lễ phép với khách hàng. Ai cũng quí em bởi công việc đòi hỏi sự nhanh nhẹn của cả hai bàn tay ở bãi xe mênh mông ấy chỉ được em điều khiển bằng ngón tay út của bàn tay trái.

 

3. Tình cờ, tôi lại được gặp em ở Trường Đại học dân lập Lạc Hồng; xuất hiện với tư thế đĩnh đạc của người chiến thắng. Cậu bé với đôi tay bé xíu ngày nào của tôi đang tươi cười rạng rỡ với bao nhiêu là hoa từ vòng tay gia đình, bè bạn.

 

Em sinh năm 1981, tên Trần Thắng Tiến. Có người hỏi tôi sao Tiến 24 tuổi rồi mà vẫn gọi là “em”. Tiến sẽ mãi là em trong ký ức tôi với một đống xương bống trong lời mách bảo của Bụt.

 

Chút xương thứ nhất cho bé Tiến chịu đến trường học chữ. Chút xương thứ hai cho đôi tay tật nguyền ấy vẽ đẹp. Chút xương thứ ba cho ngón tay út còn cử động được biết dụng những miếng võ trên sàn đấu cùng bè bạn...

Đề tài nghiên cứu khoa học “Nghiên cứu hệ thống stereo vision cho mobile robot” của em và một bạn cùng học khoa công nghệ thông tin ở trường đoạt giải ba trong hội thi nghiên cứu khoa học dành cho sinh viên của nhà trường năm 2003. Đây cũng là đề tài tốt nghiệp có điểm cao nhất khóa: 9,8.

 

Ngay sau khi trình làng, đề tài được các thầy tiếp tục phát triển và ứng dụng vào chương trình nhập điểm và chấm điểm tự động hiện nay ở Trường Đại học Lạc Hồng.

 

Vẫn nụ cười hiền lành như thuở nào, chàng SV cười hiền lành: “Đề tài làm vừa cực vừa khó nhưng nhờ thầy Nguyễn Hoàng Liêm giúp đỡ tận tình, cộng với sự sáng tạo của bạn Bảo Châu - sinh viên cùng thực hiện đề tài với em, nên cuối cùng mọi thứ đều diễn ra suôn sẻ”. Rồi mới kể về công việc mình: sưu tầm, chọn lọc tài liệu, vừa tiếng Anh - tiếng Pháp - tiếng Việt, chép đầy hai đĩa mềm...

 

4. Ra là vậy, cậu bé cổ tích của tôi vẫn vừa học vừa làm giúp cha mẹ nghèo mưu sinh. Tôi tự trách mình sao chưa chi vội “an bài số phận” cho cậu. Tôi đã biết em phải vất vả như thế nào khi ngồi bên máy vi tính, ngón nhờ ngón cậy là ngón tay út ít bên tay trái đã không ít lần gặp khó khăn khi sử dụng các tổ hợp phím. Rồi lòng say mê đã lấn át tất cả.

 

Cũng như chỉ với ngón tay út ít ấy thôi, em đã rạp mình đạp xe trên phố, làm bao nhiêu chuyện như một lao động giỏi giang và không thể thiếu trong gia đình (đi chợ, nấu cơm, giao dịch...). Em cúi xuống nhìn lướt qua đôi tay tật nguyền: “ Nó là điểm tựa đấy, chị!”. Đôi tay thiếu xương, biến dạng xương bẩm sinh ấy đã cho em nghị lực lớn lao để chứng tỏ mình là người hữu ích.

 

5. Không dừng lại với tấm bằng tốt nghiệp đại học loại khá, em ghi danh học tiếp khóa đào tạo lập trình viên chuyên nghiệp hai năm tại Học viện công nghệ thông tin NIIT - TPHCM (hiện đã học được một năm), vì “bốn năm rưỡi ở trường đại học xem như là thời gian của lý thuyết, còn học lúc này mới là thực hành đây, được thực hành trên cơ sở trang bị đầy đủ lý thuyết, thật không còn gì bằng”.

 

Ước mơ của em là được trở thành một lập trình viên giỏi, giàu kinh nghiệm, có nhiều đề tài ứng dụng thực tế. Nhưng em có một nỗi lo hơn nhiều nỗi lo của những sinh viên mới ra trường: đơn vị nào chịu nhận một người khuyết tật như em vào làm việc?

 

Tôi gửi em một hy vọng: theo Luật lao động, mỗi doanh nghiệp phải nhận 3% lao động (tính trên tổng lao động toàn doanh nghiệp) là người khuyết tật để giúp người khuyết tật có điều kiện cống hiến trong khả năng còn lại và tạo điều kiện cho họ mưu sinh. Huống chi em lại là người có ý chí và trình độ chuyên môn cao. Mong sao...

 

Theo Thu Trân - Tuổi Trẻ

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm