Cao Việt Dũng - dịch giả tuổi 25

25 tuổi, Cao Việt Dũng đã có lưng vốn rất đáng nể với gần chục đầu sách dịch từ tiếng Pháp. Vài năm gần đây, anh được coi là một hiện tượng của làng dịch nước ta về độ trẻ, và sự đam mê trong nghiệp dịch.

Tính đến thời điểm này (tháng 8/2005), anh đã và đang dịch bao nhiêu tác phẩm?

 

Tôi đã dịch một vài tiểu thuyết của Milan Kundera, V. S. Naipaul và Michel Houellebecq. Hiện nay tôi đang chỉnh sửa bản dịch Hạt cơ bản của Houellebecq, dù biết để in được tiểu thuyết quan trọng này cũng không dễ. Tôi cũng đang hoàn thiện Sản nghiệp nhà Rougon, tập đầu của bộ sách lớn Gia đình Rougon - Macquart của Émile Zola, bản dịch mà tôi đã bắt tay làm từ cách đây 10 năm.

 

Trong số những công việc đang làm, tác phẩm mà tôi cho là có giá trị lớn là Những cuộc đời song hành của nhà văn Hi Lạp Plutarque (trước đây các học giả VN thường nhắc đến dưới cái tên Gương danh nhân, dựa vào bản dịch tiếng Pháp) mà tôi đang tổ chức thực hiện cùng nhóm Alphabooks và sẽ sớm ra mắt.

 

Cách đây hai ba năm tôi và một số bạn bè đã dịch một phần nhỏ của tác phẩm này và xuất bản ở NXB Trẻ dưới cái tên Những anh hùng Hi Lạp cổ đại, vừa tái bản. Ngoài ra, do lĩnh vực mà tôi được đào tạo chính qui là lý thuyết văn học, tôi cũng có một số dự án dịch thuật về lý thuyết của Pháp.

 

Tại sao anh lại chọn Milan Kundera làm xuất phát điểm cho việc dịch? Anh đánh giá như thế nào về việc dịch tác giả này tại VN?

 

Cho đến nay đã có hai tiểu thuyết của Milan Kundera do tôi dịch được in: Cuộc sống không ở đây Điệu valse giã từ. Năm vừa qua tôi viết một luận văn tốt nghiệp bằng master 1 ở Đại học Sorbonne, lấy đề tài văn bản và liên văn bản của Milan Kundera.

 

Nhân dịp đó, tôi có điều kiện xem lại tất cả các bản dịch ra tiếng Việt tác phẩm của Kundera ở VN và nhận ra một số vấn đề, không chỉ về dịch thuật mà cả về cách hiểu tác giả. Tôi rất mong có dịp các tác phẩm của ông được tái bản ở VN để có cơ hội chỉnh sửa cho chu toàn, vì dẫu sao dịch Kundera cũng là một hiện tượng trong ngành dịch thuật VN - hiếm có tác giả đương đại nào được dịch nhiều và kỹ nhưng lại ít được giới thiệu, nghiên cứu đầy đủ như Milan Kundera.

 

Khi mới bắt tay vào, anh thấy cái khó của công việc dịch là gì?

 

Dịch thuật là một công việc tuần tự. Khó khăn đầu tiên mà bất kỳ người dịch nào khi mới bắt đầu đều gặp phải là không biết dịch tên sách ra sao. Tại sao tôi lại dịch là Cuộc sống không ở đây trong khi từ nguyên bản cho đến các bản tiếng Anh, tiếng Pháp đều là “Cuộc sống ở chỗ khác” (“Life is elsewhere” và “La vie est ailleurs” - nhà văn Nguyên Ngọc trước dịch là “Cuộc sống ở mãi ngoài kia”)?

 

Nếu không giải quyết được vấn đề này thì tôi nghĩ mình sẽ không bao giờ có dũng khí dịch vào nội dung. Tên nguyên bản tiếng Czech là Zivot je jinde, giống như một câu thơ. Tôi quyết định dịch tên truyện là Cuộc sống không ở đây để nó mang cái tinh thần thơ của Milan Kundera, khi ông vừa “thoát” khỏi vai trò nhà thơ để quyết liệt trở thành tiểu thuyết gia.

 

Những ý kiến về các vấn đề cụ thể của thế hệ dịch giả đi trước cũng giúp ích không nhỏ. Tôi còn nhớ mình đã sung sướng thế nào khi đọc trên tạp chí Văn Học Nước Ngoài số đầu tiên, năm 1996, một bài phỏng vấn trong đó dịch giả Phan Ngọc phân biệt hai từ “những” và “các”. Không dễ mà phân biệt được những điểm tế nhị đó.

 

Kể từ khi đọc bài báo, tôi cũng tự đặt cho mình nhiệm vụ suy nghĩ về những cặp từ gần nhau, chẳng hạn “không” và “chẳng”, và nhận ra hiện nay các dịch giả VN có xu hướng dùng rất nhiều “chẳng” thay vì “không”, qua đó đưa quá nhiều ngôn ngữ nói vào ngôn ngữ viết, trong khi theo nhận xét của riêng tôi, phần lớn các ngôn ngữ châu Á, trong đó có tiếng Việt, đều có sự khác biệt không nhỏ giữa ngôn ngữ nói và ngôn ngữ viết.

 

Còn bây giờ, sau khi dịch một thời gian đủ lâu và đã có kinh nghiệm, anh thấy cái khó là gì?

 

Sinh năm 1980, học cấp III tại Trường Hà Nội - Amsterdam, tốt nghiệp Đại học Ngoại thương Hà Nội năm 2002.

 

Từ 2002 là sinh viên Trường École Normale Supérieure ở Paris - nơi xuất thân của những tên tuổi lớn của thế giới như Louis Pasteur, Jean-Paul Sartre… và của Việt Nam như Phạm Duy Khiêm, Trần Đức Thảo… - đồng thời cũng là nghiên cứu sinh cao học tại Đại học Sorbonne, khoa văn học hiện đại. 

Những khó khăn mà công việc đặt ra trước mắt người dịch thì nhiều vô kể. Cho đến giờ, khi đã có ít nhiều kinh nghiệm, tôi cho rằng cái khó nhưng cần thiết mà mỗi người dịch phải làm là có một tư thế dịch đúng đắn, và kiên quyết đi theo nó. Nói nôm na mỗi dịch giả tự xây dựng cho mình một lộ trình và một lý thuyết, một khoa học riêng vì dịch thuật không thể là một công việc tùy ý, tuân theo bản năng. Hãy thử đặt câu hỏi tại sao trước kia ta đã có “Mai Nương Lệ Cốt”, đã có “An Na Kha Lệ Ninh” mà sau này đều phải đổi lại theo tên nhân vật trong nguyên bản?

 

Theo tôi hiểu, khi xảy ra tiếp xúc văn hóa ở giai đoạn đầu tiên, người ở vị thế “nhận” nhất định sẽ có xu hướng cố kéo cái văn hóa lạ thành ra của mình, một thao tác hết sức lôgic, nó giúp người đọc dễ chấp nhận cái mới hơn. Nhưng sau khi nền văn hóa kia đã trở nên phần nào quen thuộc, cái tâm lý đó không thể giữ được nữa.

 

Ngày nay hiếm dịch giả nào còn phiên âm tên nước ngoài. Có thể nhiều người nghĩ việc đó là tự nhiên, nhưng tôi nghĩ đây là một vấn đề rất thú vị: nhiều chuyên gia về dịch thuật thế giới đã gọi chính xác tên của xu hướng “vơ tất cả cho mình” dưới cái tên “ethnocentrisme”, lấy văn hóa của mình làm thước đo cho mọi nền văn hóa khác.

 

Anh có thể cho một ví dụ cụ thể hơn?

 

Tôi có thể lấy một ví dụ về thái độ dịch này: Bùi Giáng ngày xưa dịch Sylvie của Nerval thành Mùi hương xuân sắc chẳng hạn. Tôi cũng thích cái tên đó, đơn giản vì nó hay, nhưng không thể biến cái tên Sylvie vốn rất nổi tiếng của Nerval thành Mùi hương xuân sắc được. Như thế là trong tam giác quan hệ: văn bản gốc - dịch giả - độc giả; một dịch giả như Bùi Giáng đã coi trọng quan hệ dịch giả - độc giả hơn là quan hệ giữa ông và tác giả. Xu hướng này ở VN đến nay vẫn vô cùng phổ biến.

 

Theo tôi nghĩ, trong dịch thuật có hai thái cực: một giống như tình trạng dưới cái tên “ethnocentrisme” kia, mà tôi gọi nôm na theo lối Vũ Trọng Phụng là Tyvn (Tôi yêu Việt Nam), một là tôn sùng quá mức văn bản gốc.

 

Trước năm 1975 ở Sài Gòn có bản dịch kịch Les Mouches của J.P. Sartrel (Phùng Thăng dịch) thành Những ruồi, gây ra bao lời chê bai. Đó là một ví dụ về tôn sùng quá mức văn bản gốc. Nhưng ngược lại, ví dụ phải chọn giữa Những ruồiRuồi bâu (Việt hóa tối đa), bản thân tôi sẽ chọn cách trung thành với Sartre. Lý tưởng của dịch thuật là nằm được ở chính giữa hai thái cực trên. Đó cũng là con đường đi của tôi, vì dù thế nào đi nữa dịch giả cũng không thể bỗng nhiên mà biến thành tác giả được.

 

Tôi cũng đã chịu nhiều chỉ trích vì cách dịch, nhưng trong công việc này tôi coi trọng cái mà tôi tạm gọi là “đạo đức dịch thuật”: tôi buồn vì khi dịch làm sai đi một chi tiết nào đó trong bản dịch hơn là vui vì được khen vì đã làm ra được một bản dịch “nhuần nhuyễn về tiếng Việt”, dù tôi luôn tìm cách trau dồi tiếng Việt, kể cả bỏ ra không ít thời gian học Hán - Nôm.

 

Theo anh, chỉ giỏi ngoại ngữ thôi, có dịch được không?

 

Thật ra dịch cũng giống như việc ca hát: nhiều người hát được nhưng hiếm người trở thành ca sĩ, thành ca sĩ giỏi lại càng khó. Hiện nay nhiều người biết ngoại ngữ, thậm chí biết nhiều ngoại ngữ, nhưng người dịch văn học thì hiếm. Điều đó vô cùng dễ giải thích. Việc gì phải đâm đầu hàng tháng trời dịch hàng trăm trang sách mà kết quả thì kẻ chê người khen ì xèo hết cả, tiền công thì không đủ ăn phở một tháng, trong khi giá dịch tài liệu cho các dự án nước ngoài (công việc mà thỉnh thoảng tôi cũng làm, nếu có người giao cho) là 9 hay 11 USD một trang gì đó, sau khi “lại quả” cho người trung gian, vẫn còn nặng túi!

 

Vả lại, tôi cũng đã từng gặp những trường hợp học ngoại ngữ rất nhiều năm, thực hành thường xuyên, nhưng không dịch đúng nổi dù chỉ một câu của một văn bản khó hơn bình thường một chút. Điều đó giải thích vì sao người biết ngoại ngữ thì nhiều mà dịch giả thì vẫn hiếm như xưa.

 

Những dịch giả và bản dịch ra tiếng Việt mà anh thấy tâm đắc hoặc yêu mến?

 

Tôi kính trọng và học được nhiều từ các dịch giả lứa trước và cả những người bạn cùng làm chung công việc với tôi. Cao Xuân Hạo, Phan Ngọc, Dương Tường, Trần Đình Hiến đều có dịch phẩm để đời, các dịch giả cũ của Sài Gòn đem lại những làn gió rất mới mẻ. Hiện nay cũng không ít bạn dịch mà tôi hết sức quí trọng và trao đổi được nhiều vấn đề: Trần Tiễn Cao Đăng, Đinh Bá Anh, Hải Ngọc, Phùng Ngọc Kiên…

 

Cuối cùng, anh nghĩ gì về môi trường và thực trạng dịch thuật hiện nay ở VN?

 

Trong lịch sử VN hiếm khi nào dịch thuật trở thành một đề tài cho cả xã hội quan tâm như ngày nay. Báo chí đã lên tiếng rất nhiều nhưng mới chỉ là gãi được lớp vỏ bên ngoài của dịch thuật. Công việc thì rất nhiều, nếu phải góp một ý kiến với các bạn dịch khác thì tôi xin phép được nhắc lại “dịch thuật là một công việc tuần tự” và có khả năng được hoàn thiện dần theo thời gian. Những lời khen chê chỉ thuần túy là chuyện bên lề.

 

Theo Văn Bảy
Tuổi Trẻ