Cảnh giác mánh lừa “việc làm thêm cho sinh viên'”
Dịp hè, các trang tìm người trực tuyến, các tờ rơi, thông báo tuyển sinh viên làm thêm thực sự nở rộ. Đa phần trong đó là thông tin ảo và những chiêu lừa tinh vi núp danh "nhà tuyển dụng" với mức lương thưởng rất cao.
Ma trận việc làm
Đọc lướt qua một tờ báo chuyên đăng tin rao vặt, tôi đã lựa chọn được rất nhiều mẩu tin tìm người hấp dẫn. Đóng vai người xin việc, tôi tìm đến một địa chỉ nằm heo hút trong hẻm nhỏ trên đường Nguyễn Khang - Cầu Giấy. Đến nơi, biển hiệu lại ghi đây là một công ty kinh doanh địa ốc liền kề tầng hai thuộc quyền sở hữu của cửa hàng massage!?
Tưởng sai địa chỉ, định quay xe ra về thì tôi được một người phụ nữ trung niên đon đả chạy ra đón: "Em đến tìm việc hả? Vào đây không hết giờ làm!" (lúc đó mới 9h sáng).
Căn phòng làm việc chỉ rộng chưa đến 10m2 thực ra là khoảng sân trước xây thêm tường với một chiếc bàn và một cái quạt cũ kĩ.
Người phụ nữ giới thiệu tên là Hiển, yêu cầu tôi cho xem CMT. Đúng như trên quảng cáo, công ty đang cần tuyển từ 5-10 nhân viên bán vé rạp chiếu phim với mức lương 250.000đ/ca, có thể chọn một trong ba ca: sáng (8-11h), chiều (14-17h), tối (18-21h), tiền được trả sau ca làm.
Người đàn bà tên Hiển không quên nhắc tôi sau khi quen công việc có thể tăng ca làm mỗi ngày. Địa chỉ làm việc có thể tùy chọn giữa trung tâm chiếu phim quốc gia (TTCPQG) hoặc rạp Ngọc Khánh miễn sao tiện đi lại.
Sau khi nói hết "quyền lợi" có thể nhận được, "chị" Hiển mới đề cập đến "nghĩa vụ" khi xin việc. Cụ thể, mỗi người phải đóng 150.000đ phí làm hồ sơ. Khi hồ sơ được bên A (rạp chiếu phim) chấp nhận thì không được hoàn lại phí. Trong trường hợp hồ sơ bị trả lại thì "giờ này ngày mai" tôi có thể đến lấy lại tiền.
Viện lý do không mang đủ tiền, tôi chối khéo sẽ quay lại sau. Chị ta cố gắng kéo lại nài nỉ: " Em mang bao nhiêu thì cứ đóng trước, có gì chị sẽ bù ra cho em. Mai đến nộp nốt cũng được". Nhưng đến đây thì tôi chắc chắn chẳng có "nhà tuyển dụng" nào lại có lòng hảo tâm như vậy cả!
Vừa ra khỏi cửa, tôi gặp ngay hai bạn nữ hớt hải chạy đến nộp nốt số tiền còn thiếu. Giữa họ chẳng thấy tồn tại bất cứ một giấy tờ gì chứng nhận đã thu tiền hoặc hợp đồng lao động.
Trực tiếp gặp người quản lý về nhân sự tại TTCPQG, tôi được xác nhận hiện tại rạp không hề có nhu cầu tìm thêm nhân viên. Khi cần tuyển người, đơn vị sẽ trực tiếp thông báo trên website chính thức mà không phải qua đơn vị trung gian nào hết. Tại rạp Ngọc Khánh cũng tương tự.
Nhìn lại trang rao vặt, số điện thoại "chị Hiển" xuất hiện ở nhiều mục tìm người với danh nghĩa chị Linh, chị Hồng... mà tôi không biết đâu là tên thật!
Đến một vài địa chỉ khác, tôi lại bắt gặp "bài vòi tiền" như trên. Dạo quanh các trang tìm việc trên mạng, không khó để tìm ra cả ngàn thông tin mơ hồ kiểu như: "Tìm sinh viên làm thêm lương hấp dẫn, liên hệ anh X, sđt..." hay "Tìm sinh viên năng động làm việc theo ca lương thưởng cao, liên hệ chị Y, sđt...".
"Tiền mất, tật mang"
Với tâm lý muốn kiếm thêm thu nhập trong khoảng thời gian rảnh rỗi, không ít bạn sinh viên đã rơi vào "bẫy" của các công ty môi giới việc làm. Bạn Nguyễn Minh Hiếu (SV ĐH Sư Phạm) đã đến một trung tâm tuyển dụng trên đường Hoàng Quốc Việt xin một suất bán vé máy bay với mức lương 200.000đ/ca 2 tiếng.
"Người môi giới nói phải đóng 350.000đ phí hồ sơ nên mình đi vay giật tạm bạn bè để nộp. Ai ngờ 3 ngày sau quay lại nhận việc, mình bị bắt đóng thêm 500.000đ để nộp thuế thu nhập!? Khi biết bị lừa, mình đòi lại tiền đã nộp thì họ tráo trở bảo như thế là phá vỡ hợp đồng, không thể hoàn lại tiền!", Hiếu bức xúc.
"May mắn" hơn Hiếu, Phạm Thu Trang (SV ĐH Công Đoàn) sau khi "hoàn thành nghĩa vụ đóng góp" cùng với một khoảng thời gian chờ đợi, bạn đã được công ty môi giới trên đường Thụy Khuê bố trí việc làm.
"Khấp khởi đến nhận việc ngờ đâu khi tới mơi mình mới "té ngửa" khi biết công việc là bán xăng ở tận bên Gia Lâm mặc dù họ hứa hẹn sẽ tìm cho mình một chân thu ngân tại nhà hàng". Tất nhiên sau một vài ngày làm việc, Trang không thể chịu được khoảng cách làm quá xa nơi trọ và những mệt mỏi của công việc không mong muốn.
Hiếu và Trang chỉ là hai trong số nhiều bạn sinh viên dính mánh lừa của những trung tâm môi giới việc làm ảo. Đánh vào tâm lý muốn kiếm việc làm thêm, những "cái bánh vẽ" được họ tạo ra đẹp đẽ và hoàn hảo khiến cho sinh viên mắc bẫy. Dù cho các "quái chiêu" này không mới nhưng vẫn luôn có nhiều bạn trẻ mắc bẫy.
Kinh nghiệm chung cho sinh viên là khi kiếm việc, phải thật tỉnh táo nhận biết đâu là những địa chỉ không đáng tin cậy; trực tiếp đến cơ quan tìm người nộp hồ sơ, miễn trung gian. Bên cạnh đó, các bạn cũng cần kịp thời thông báo với các cấp chính quyền những trung tâm môi giới có dấu hiệu lừa đảo để tiến hành xử lý.
Theo Việt Thành
Vietnamnet