Cần thay đổi thói quen chơi thể thao ở thanh thiếu niên
(Dân trí) - Tích cực tham gia các trò chơi, hoạt động thể thao ở trường có thể giúp thanh thiếu niên trở nên năng động và trưởng thành khỏe mạnh.
Theo khảo sát của Viện Aspen, một tổ chức nghiên cứu nhiều vấn đề quan trọng, trong đó có thể thao trong giới trẻ thì đa phần học sinh trung học tại Mỹ không chơi các môn thể thao ở trường. Tuy nhiên, việc không vận động, không tham gia các hoạt động thể chất lành mạnh là một lý do chính khiến nhiều thanh thiếu niên không phát triển toàn diện.
Các nghiên cứu chỉ ra rằng trẻ em tích cực hoạt động thể chất ít có nguy cơ bị béo phì (thừa cân ở mức độ gây nguy hiểm cho sức khỏe). Tham gia các hoạt động thể chất lành mạnh cũng giúp trẻ tránh xa các thói quen sử dụng chất kích thích trong tương lai.
Ngoài ra, những đứa trẻ hoạt động thể chất có xu hướng đạt thành tích học tập và khả năng đỗ vào các trường đại học cao hơn.
Vấn đề là hầu hết học sinh đều ngừng chơi thể thao khi lên trung học, đồng nghĩa với việc thế hệ trẻ không tập thể dục và vận động đầy đủ.
Viện Aspen gần đây đã khảo sát gần 6.000 đối tượng là học sinh trung học tại Mỹ. Có quá nhiều bài tập về nhà là lý do số một mà những thiếu niên này đưa ra khi được hỏi tại sao không chơi thể thao ở trường trung học. Có lẽ trường học nên giao ít bài tập về nhà hơn để học sinh có thời gian dành cho các hoạt động thể chất.
Một lý do khác mà các thiếu niên đưa ra cho việc tránh không tham gia các hoạt động thể chất ở trường trung học là trường không có các môn thể thao mà học sinh yêu thích.
Điều này không vô lý. Nếu trẻ quan tâm đến các môn thể thao như trượt ván, leo núi, thì tại sao trường học không đưa các môn thể thao đó vào chương trình, bên cạnh các môn truyền thống như bóng đá, bóng rổ hay cầu lông.
Trong khi Viện Aspen đề xuất các giải pháp như hợp tác cộng đồng và đào tạo huấn luyện viên tốt hơn. Ở Mỹ, có vẻ như vấn đề nằm ở việc các môn thể thao cho thanh thiếu niên thường đề cao việc tìm kiếm những vận động viên "giỏi nhất" thay vì khuyến khích càng nhiều người tham gia càng tốt.
Đáng lẽ các môn thể thao dành cho thanh thiếu niên cần phải tập trung vào số lượng người tham gia ngay từ khi trẻ còn nhỏ. Điều đó có thể giúp nhiều trẻ tiếp tục tham gia các môn thể thao thay vì ngừng chơi ở tuổi 13.
Số học sinh chơi thể thao trong trường cấp 2, cấp 3 tăng lên có thể giúp tăng số lượng các môn thể thao và câu lạc bộ trong trường hơn. Bởi hiện các câu lạc bộ bên ngoài trường học thường chỉ đáp ứng nhu cầu của một nhóm nhỏ các bạn trẻ.
Ngoài ra, các trung tâm thể thao của thành phố và quận cũng nên khuyến khích giới trẻ chơi thể thao bằng cách tổ chức nhiều giải đấu và hoạt động giải trí hơn cho thanh thiếu niên ở độ tuổi trung học.
Những đứa trẻ đam mê thể thao cũng nên có cơ hội phát triển tài năng của mình một cách tối đa trong môi trường cạnh tranh lành mạnh. Giống như việc những đứa trẻ có giọng hát thiên phú hay năng khiếu diễn xuất cũng sẽ được chú ý hơn trong các vở nhạc kịch hoặc tiết mục biểu diễn của trường.
Mục đích cuối cùng là mang lại những trải nghiệm thể thao bổ ích cho càng nhiều thanh thiếu niên càng tốt để giúp thế hệ trẻ ngày nay trở nên năng động hơn khi trưởng thành.