Cận ngày thi, sĩ tử không dứt được "cơn nghiện" Facebook

(Dân trí) - Chỉ còn vài ngày nữa là thi đại học nhưng N.K vẫn không thể từ bỏ cơn thèm khát mở điện thoại kiểm tra Facebook, dù rằng trước đó cậu bạn đã phải rút dây mạng để tập trung ôn luyện.

Theo thống kê hiện nay trên thế giới có khoảng hơn 1 tỉ người dùng Facebook và trung bình mỗi ngày có hơn 500 triệu người bấm Like trên mạng xã hội này. Cứ 10 người sử dụng Facebook thì có ít nhất 8 người là thanh niên đang trong độ tuổi học sinh, sinh viên.

 

Riêng Việt Nam có trên 8,5 triệu người dùng Facebook tính đến năm 2012 và trung bình cứ mỗi 3 giây lại có người đăng ký mới.

 

Các con số này không có gì đáng ngại nếu như các nhà khoa học không chỉ ra rằng mạng xã hội có khả năng gây nghiện hơn cả rượu và thuốc lá. Những cơn nghiện Facebook là dai dẳng và rất khó để từ bỏ.

 
Ảnh minh hoạ Facebook gây nghiện không kém gì chất kích thích.
Ảnh minh hoạ Facebook gây nghiện không kém gì chất kích thích.
 

Điều đó có nghĩa, hơn 8,5 triệu người Việt Nam có nguy cơ, hoặc là đã mắc nghiện Facebook. Trong số họ có hàng ngàn người đang ở độ tuổi 18,19 - độ tuổi chuẩn bị bước vào kì thi đại học, cao đẳng đầy cam go.

 

Vậy có bao nhiêu thí sinh của kì thi ĐH, CĐ 2013 đang bị dày vò bởi cơn nghiện Facebook? Chưa ai có thể đo đếm một cách chính xác, song qua trò chuyện trực tiếp các sĩ tử đã tiết lộ sự thật đáng lo.

 

Khi sĩ tử là "con nghiện" Facebook

 

“Mạng xã hội Facebook như một cuốn nhật kí mở Mọi người có thể cùng đọc để chia sẻ, góp ý. Em cũng mới sử dụng Facebook từ cuối năm lớp 10 nhưng ngày nào cũng vào để cập nhật thông tin và trò chuyện cùng bạn bè. Từ ngày dùng Facebook, em chẳng cần đọc báo nữa vì cái gì cần biết thì Facebook đều có cả rồi", bạn N.T.T học sinh lớp 12 THPT Nguyễn Đình Chiểu cho hay.

 
Ảnh minh hoạ Facebook gây nghiện không kém gì chất kích thích.
 

"Em thường xuyên online Facebook, dù không phải lúc nào cũng ngồi chát chít nhưng có thông báo gì mới trên trang là điện thoại em đều báo. Em vào xem, trả lời như tin nhắn vậy.

 

Chưa bao giờ em cộng thời gian cụ thể nên cũng không biết rõ là trung bình một ngày mất bao lâu. Nhưng chắc chắn là ngày nào cũng phải dành ít nhất 30 phút đến 1 tiếng để xem tổng thể hôm nay Facebook có gì", bạn T.V.A, thí sinh thi ĐH trường Ngoại thương chia sẻ.

 

"Một tháng trước kì thi em không đi chơi, không dùng máy tính. Nhưng vì cần trao đổi bài vở với bạn bè nên em vẫn sử dụng điện thoại, bố mẹ cũng thấy cần thiết nên để em dùng. Máy điện thoại của em vào mạng tốt nên em vẫn vào được Facebook. Hầu như ngày nào cũng vào vài lần, trò chuyện với bạn bè.

 

Em nghĩ là cũng không tốn thời gian lắm, nhưng đúng là bị phân tán sự tập trung. Nhiều lúc ngồi giải bài khó không ra, buồn buồn lại lôi điện thoại ra Facebook một tí. Nói chuyện linh tinh, không để ý thời gian một tí là mất cả vài tiếng", bạn D.N.T thí sinh khối B trường ĐH KHTN thành thật.

 
Ảnh minh hoạ Facebook gây nghiện không kém gì chất kích thích.
 

"Em không thể cai được Facebook. Em cũng đã cố lắm rồi, rút cả dây mạng trong phòng, tắt điện thoại nhưng mà cảm thấy bứt rứt lắm. Cứ phải lên Facebook một tí, "chém gió" với vài đứa bạn rồi mới có thể tập trung vào bài vở được. Cho nên em chọn giải pháp học khuya cho hiệu quả.

 

Vì ban ngày bạn bè nhộn nhạo chat chit trên Facebook nên em đợi mọi người đi ngủ hết, không còn ai nữa thì em học mới yên", bạn V.T.N.K học sinh lớp 12 THPT Nguyễn Đình Chiểu giãi bày.

 

Hầu hết các bạn trẻ được hỏi đều không thẳng thắn thừa nhận mình nghiện Facebook vì cho rằng bản thân vẫn hạn chế được. Tuy nhiên, đa số các bạn đều thú thật rằng nếu không vào Facebook một ngày thì khó có thể tập trung vào bài vở, hoặc cảm thấy ức chế, tù túng.

 

Nhiều bạn còn cho biết, ngồi học bài mà đầu óc cứ nghĩ tới việc viết status nào cho hay để than vãn về việc học hành căng thẳng, chuyện bà chị họ vừa chia tay người yêu hôm qua bây giờ ra sao...

 
Thạc sĩ Khắc Hiếu mách nước cách bạn trẻ từ bỏ Facebook trong mùa thi này.
Thạc sĩ Khắc Hiếu "mách nước" cách bạn trẻ từ bỏ Facebook trong mùa thi này.
 

Lời khuyên từ thầy giáo tâm lý Khắc Hiếu

 

Để giúp các sĩ tử "cai" Facebook cấp tốc, dành đầu óc thư giãn thảnh thơi trước ngày thi, Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu khuyên:

 

Cách tốt nhất là tự bản thân điều chỉnh, không sử dụng Facebook và các thiết bị điện tử có thể truy cập mạng trong những ngày này.

 

Hoặc là điều tiết việc sử dụng Facebook, thay vì khi nào rảnh thì tranh thủ (vì theo cách này lúc nào chúng ta cũng có thể cho mình rảnh) thì chúng ta cần vạch ra giờ giấc sử dụng cụ thể. Mỗi ngày, cho phép mình Facebook vào một giờ cố định, thời lượng cố định.

 

Nếu “nghiện nặng”, không còn tự chủ được, có thể nhờ người thân đổi password và khóa tài khoản Facebook của mình một thời gian để “dứt cơn” hoặc yêu cầu người ấy chỉ trả password sau khi thi xong. Không có password trong tay, ta muốn vào cũng không được.

Song song với đó, các bạn nên tham gia bù đắp cái “thiếu thiếu” khi không còn FB bằng vài hoạt động thú vị ngoài đời thực như thể thao, đọc sách, nấu ăn, chăm sóc gia đình, gặp gỡ bạn bè. Khi đã khám phá và cảm nhận những thú vị trong các mối quan hệ ngoài đời thực, nhu cầu giao tiếp của chúng ta sẽ được thỏa mãn mà cần phải thường xuyên bước vào Facebook.

 

Nhớ nhé, nếu Facebook mà ta còn không làm chủ được thì ta sẽ làm chủ điều gì trên cuộc đời này?"

 

Mai Châm