Cám dỗ khó lường của nghề "hot" bartender

(Dân trí) - Làm việc ở môi trường sôi động, gắn với hình ảnh nhanh nhẹn, năng động và cơ hội tiếp xúc nhiều, nghề bartender (pha chế thức uống) đang là nghề “hot”. Nhưng công việc này không chỉ lung linh như vẻ ngoài.

Gian nan theo nghề

Nhu cầu cao nên sau khóa học, có tay nghề các bartender không khó để xin được việc tại nhà hàng, khách sạn, quán bar… Nhưng để có thể trải qua khóa học đó, biểu diễn pha chế một cách thuần thục trước khách hàng là một quá trình rất dài đòi hỏi sự khổ luyện.
 
Quá trình người học luyện tập các động tác múa chai, quay ly… để rót rượu vỡ hàng trăm cái chai, ly là chuyện bình thường và khó ai không bị các chấn chấn thương từ chai, ly thủy tinh.

Việc rèn luyện đòi hỏi người tập phải kiên nhẫn vì có khi phải hàng tháng trời mới thực hiện được các động tác nào đó. Không chỉ tập ở lớp, người học nghề còn phải mang về nhà, ra công viên tập… Ai không đủ kiên trì, đam mê thường bỏ cuộc ngay từ giai đoạn này.

Nghề bartender đòi hỏi quá trình học hỏi, luyện tập gian nan

Nghề bartender đòi hỏi quá trình học hỏi, luyện tập gian nan.

Quang, bartender đang làm việc tại một khách sạn tại TPHCM nhờ lại những ngày đầu luyện tập, cậu cầm vỏ chai cái ly cũng lúng túng và không biết bao nhiêu lần phải băng bó vì thủy tinh vỡ bắn vào người.
 
Nhiều hôm, không tập được một số động tác, cậu buông hết đồ nghề ngồi thở dài, cũng nghĩ đến việc xin công việc khác. Rồi sự đam mê, mong muốn thử sức vẫn hấp dẫn cậu, phải hơn một năm rưỡi luyện tập cậu Quang mới dần dần có được sự tự tin về nghề.

“Nhu cầu thưởng thức của khách hàng ngày càng cao nên pha chế cũng giống như một môn nghệ thuật vậy. Từ việc biểu diễn cho đến kỹ thuật pha chế, sáng tạo hương vị , màu sắc… cho thức uống không phải cứ học là biết mà còn yêu cầu có năng khiếu”, Quang nói.

Không chỉ khi luyện tập mới gặp sự cố mà kể cả khi đi làm họ cũng có thể gặp không ít tình huống xấu. Việc làm vỡ rượu là điều khó tránh và hiển nhiên bartender phải đền. Trúng chai rượu bình dân thì đỡ nhưng ở các quán bar, vũ trường chủ yếu là rượu đắt tiền thì đổi vài tháng lương là chuyện thường.

“Có người bạn của em, dù đã làm lâu năm nhưng một lần sơ sẩy làm vỡ luôn kệ rượu cả trăm triệu, làm cả năm không lương cũng không đền xong. Sau vụ đó, anh chàng này bỏ đi học lái xe”, một nữ bartender tại một nhà hàng ở Q.3 tâm sự.

Nghề bartender không chỉ đơn giản là biết cách pha chế như nhiều người nghĩ mà cần rất nhiều kiến thức khác như giao tiếp, cách nói chuyện, tư vấn đồ uống cho khách hàng vừa thân mật và phải lịch sự.
 
Một bartender được xem là chuyên nghiệp không chỉ về tay nghề mà còn phải có Ngoại ngữ, am hiểu văn hóa các nước trên thế giới để phục vụ hiệu quả cho cả khách nước ngoài.
 
Nghề bartender đòi hỏi quá trình học hỏi, luyện tập gian nan

Có tay nghề, bản lĩnh và đam mê, nghề bartender cũng mang đến rất nhiều cơ hội (Trong ảnh bartender Nguyễn Hoàng Đức, người từng đại diện cho Việt Nam thi tay nghề pha chế thế giới).

Nhiều cạm bẫy

Nếu trước đây, phần lớn người theo học nghề bartender chủ yếu là các bạn trẻ khó khăn kiếm kế sinh nhai thì nay được xem là nghề “hot”, thời thượng, nhiều người lựa chọn.
 
Để trở thành bartender chuyên nghiệp, có thâm niên trong nghề không phải dễ. Nghề khó đã đành mà môi trường làm việc nhạy cảm, nhiều cám dỗ nhiều người không vượt qua được phải sớm bỏ nghề hoặc trượt dài theo những cám dỗ đó.

Vì công việc, họ tiếp xúc với rất nhiều thành phần trong xã hội, có cả dân chơi, dân giang hồ… Ngay chiếc bàn pha chế nơi họ làm việc hàng ngày, hàng đêm của quán bar, vũ trường là đủ kiểu ăn chơi, quậy phá của khách hàng mà họ có thể thấy từng hành động, cử chỉ. Khách thường là dân có tiền, tiếp xúc nhiều nên họ cũng dễ bị ảnh hưởng, lôi kéo bởi hình ảnh xa hoa bên ngoài nếu như thiếu bản lĩnh.

Trần Đại Huynh, bartender có thâm niên, tham gia dạy nghề tại một số trung tâm ở TP.HCM cho hay muốn hay không thì bartender cũng là một nghề “nhạy cảm”. Thu nhập không cao nhưng lại khó tránh việc ảnh hưởng bởi lối sống xa xỉ từ những người mình tiếp xúc hàng ngày.
 
Thế nên nhiều người thiếu bản lĩnh sẽ dễ dính vào các tệ nạn như nghiện rượu, chơi thuốc lắc, chất gây nghiện, ăn chơi… Từ đó có thể lôi kéo họ trượt dài hơn nữa khi phải làm mọi cách để có tiền như buôn bán chất gây nghiện, hay cặp bồ để được chu cấp.

“Có anh bạn cùng nghề dù còn rất trẻ nhưng lâu nay cặp với quý bà hơn cả tuổi mẹ mình để được chu cấp tiền chi tiêu. Môi trường phức tạp quá, cơ hội gặp gỡ lại nhiều, có người lúc đầu cũng nghĩ sẽ “giữ mình” bằng được nhưng không phải cứ nghĩ được là làm được… “, Huynh nói.

Theo bartender này, đó cũng là lý do mà nhiều người học nghề nhưng người bỏ nghề cũng nhiều. Những người ở thì không phải ai cũng sống bằng chính nghề của mình. Có người đứng làm việc ở quầy pha thức uống nhưng lại tìm cách móc nối để đi khách, kiếm tiền bằng con đường bán thân.

Với kinh nghiệm của mình, Huynh cho rằng, bạn trẻ nào xác định theo đuổi công việc này thì trước hết cần trang bị cho mình kỹ năng sống, rèn bản lĩnh, ý chí để vượt qua được sự tác động từ môi trường làm việc. Có như thế mới tránh được cám dỗ, giữ được mình để chinh phục nghề nghiệp, theo đuổi đam mê.

N.H, một nữ bartender quê ở Đồng Nai tâm sự, trước đây cô cùng một người bạn đi học nghề,  đi làm gần ba năm nay. Chỉ sau một thời gian, cô bạn của H không chấp nhận mức lương vài triệu đồng khi bị cuốn vòng xoáy ăn chơi từ vũ trường, quán bar… đã sẵn sàng cặp kè người này người khác để có tiền. Rồi cô gái có thai mà không biết cha đứa bé trong bụng là ai cũng là lúc cô phát hiện mình mắc phải căn bệnh thế kỷ HIV.

“Giờ nhìn nó tàn tạ mà em thấy lo cho bản thân. Trước đây em làm ở vũ trường, giờ em xin qua làm ở nhà hàng lương thấp hơn nhưng cũng đỡ phức tạp hơn. Đây là công việc em yêu thích, lại là nghề để nuôi sống mình nên em mong mình có thể theo nghề, rèn luyện thành một bartender chuyên nghiệp”, H bộc bạch.

Tuy công việc nhiều khó khăn, nhạy cảm nhưng không thể phủ nhận nghề bartender vẫn có sức hấp dẫn nhất định, nhất là khi nhu cầu công việc này ngày càng cao. Công việc này ngày càng được coi trọng hơn, hiện nay có không ít thi lớn dành cho bartender để họ thể hiện trình độ, nghề nghiệp bản lĩnh của mình không chỉ trong nước mà họ cò nhiều cơ hội đi thi thố tầm quốc tế.

Hoài Nam