Cai game cho con, bố thử rồi… nghiện
(Dân trí) - Quá bực tức thằng con ngập đầu trong trò “bấm bấm vô vị”, anh Hải quyết tâm thử chơi cho con thấy… đừng mơ mà bố nghiện. Thế mà giờ đây, tối nào đứa con cũng ấm ức phải ra xem ti vi vì bị bố giành máy tính để… bắn máy bay.
Trước tình trạng con “chìm” trong game online ảnh hưởng đến sức khỏe, bỏ bê học hành, nhiều ông bố bà mẹ phải bắt tay vào công cuộc cai game cho con. Thế nhưng, do chính phụ huynh cũng thiếu hiểu biết về nguy hại của một số trò chơi trực tuyến không lành mạnh nên nhiều trường hợp dẫn đến tác dụng ngược.
Thử cho biết “đẳng cấp” của bố
Khi vợ đã quá mệt mỏi với cậu con trai lớp 10 bỏ bê học hành vì nghiện chơi điện tử, anh Hải (ngụ ở P.9, Q.11, TPHCM) được trao lại trách nhiệm cai game cho con. Nhận nhiệm vụ, anh Hải đã áp dụng đủ cách từ nhỏ nhẹ đến quát mắng nhưng đứa con chỉ “hứa đầu môi” rồi đâu lại vào đó.
Chuyện như phim hài diễn ra khi hai bố con thường xuyên giành máy tính với nhau. Thế là ông bố này còn xách luôn thêm chiếc laptop mới về để trong phòng ngủ để tiện “luyện” tay súng. Kế hoạch cai game cho con không chỉ bị đỗ vỡ mà giờ trong nhà lại thêm người nghiện… đổ lên đầu người vợ.
Bảo vệ mình với trước vợ, anh Hải nói nói trò của mình lành mạnh, không độc hại thế nhưng nó lại giết thời gian và ảnh hưởng đến sức khỏe, đặc biệt là không thể “răn” nổi con nữa vì thấy bố cũng chơi thì đứa con càng làm tới!
Từng không tin trò chơi online có “phép thuật” gây nghiện, ông Tiến nhà ở Q. Bình Thạnh cũng vật vã vì game một thời gian dài bắt nguồn từ việc cai game cho con. Mới đầu ông thử chơi cờ tướng với máy tính nhưng không ngờ càng chơi càng nghiện. “Đêm nào cũng vậy, tôi tự hứa với mình chỉ chơi khoảng 15 phút giải trí thôi nhưng rồi cứ ván này kéo theo ván khác, khi nhìn đồng hồ thì trời đã sáng”, ông nhớ lại.
Ông Tiến ngộ ra rằng, trẻ bị mê muội vì game không chỉ vì trò này hấp dẫn mà do các nhà sản xuất trò chơi rất tinh vi, đánh vào máu “ăn thua” của người chơi. Gần nửa năm trời, thấy nghiện game ảnh hưởng đến công việc, sức khỏe nên quyết tâm lắm ông Tiến mới dứt ra được. Tuy nhiên từ đó, lời nói của ông với con giảm giá trị đi thấy rõ nên việc cai game cho con khó khăn hơn trước nhiều lần.
Do không hiểu hết về tác hại của game nên các phụ huynh đưa ra những phương án cai game cho con không phù hợp như cấm con chơi tuyệt đối, không cho tiền… chứ không bắt nguồn từ việc giáo dục về tác hại của game cho con. Họ không lường được rằng, nếu khi đã nghiện thì đứa con sẽ tìm mọi cách để có thể chơi như nói dối, trộm cắp…
“Không cho tiền đố lấy gì mà chơi”, với suy nghĩ như vậy nên khi biết cô con gái hay trốn học chơi game, cô Lương, nhà ở Q.1 cắt hẳn mọi khoản tiền chi tiêu của con. Ăn sáng, nước nôi cô phục vụ cho con ở nhà, còn các khoản chi tiêu cá nhân khác cháu cần gì cô sẽ mua chứ không đưa tiền trực tiếp.
Cô Lương còn khoe với mọi người “cai game cho con dễ ợt” nên không khỏi choáng váng khi biết tin cô con gái của mình trộm tiền và điện thoại của bạn bán lấy tiền chơi game. Chẳng những thế, trong thời gian bị mẹ “cắt” tiền tiêu đó, con gái cô đã vay mượn cả triệu của bạn bè “nộp” cho quán điện tử.
Phụ huynh cũng cần hiểu biết
Theo các chuyên gia tâm lý, muốn con dứt khỏi game cần một quá trình chứ không phải ngày một ngày hai. Trước hết bố mẹ cần giáo dục cho con biết tác hại của game, nhất là các game có tính chất bạo lực, không lành mạnh. Điều quan trọng hơn, để lôi con ra khỏi “thế giới ảo” đầy hấp dẫn này, phụ huynh cần dành thời gian để hướng con đến các hoạt động bổ ích khác chứ không thể chỉ cấm bằng… lời hay có những hành động cấm không phù hợp.
Anh Toàn, nhà P. Bến Nghé, Q.1 chia sẻ kinh nghiệm để “lôi kéo” hai đứa con ra khỏi trò chơi game online, hàng tối vợ chồng anh gác hết công việc để bày cờ vua, thi kể chuyện… cùng với con. Bên cạnh đó, họ tích cực cho con tham gia các hoạt động xã hội, vui chơi chơi khiếu và giao trách nhiệm học tập cũng như việc nhà cho con để các cháu “nới lỏng” dần với game.
“Thật khó để cấm cháu chơi game hoàn toàn nhưng mình có thể hướng đến các game lành mạnh, giảm dần thời gian chơi để con không bị ảnh hưởng đến sức khỏe, học hành”, anh Toàn nói.
Theo thống kê của Sở GD-ĐT TPHCM, số HS nghiện game của toàn TP là 2.850 em (trong đó có 668 HS nữ). Việc chơi game không những tiêu tốn tiền bạc, sức khỏe mà các em còn bị sa sút học hành, đạo đức bị ảnh hưởng. Điều đó cho thấy, rất nhiều gia đình đang phải “đối đầu” với vấn nạn con nghiện game. Hơn nữa, để giảm những tác hại từ việc HS - SV chơi game còn là trách nhiệm chung của cả nhà trường và xã hội.
Bắt đầu từ năm học tới, HS - SV trong cả nước sẽ tham gia chương trình hành động phòng chống tác hại của trò chơi trực tuyến có nội dung bạo lực, không lành mạnh đối với HS - SV giai đoạn 2011- 2015. Theo đó, 100% HS - SV sẽ được tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức kỹ năng để phòng, tránh tác hại của trò chơi trực tuyến.
Hoài Nam