Cách nữ sinh Đại sứ Trường Ams "đập tan" tin đồn mua điểm, mua giải

Đinh Phương Nhung

(Dân trí) - Vừa đạt danh hiệu "Đại sứ Ams 2022", Lã Châu Giang (lớp 11 chuyên hóa) từng bị đặt nghi vấn mua điểm, mua giải. Đó là lý do vì sao Giang muốn rời xa các nền tảng mạng xã hội.

Lã Châu Giang là học sinh lớp 11 chuyên hóa của Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam. Ngày 17/2 vừa qua, Giang đã giành chiến thắng thuyết phục tại cuộc thi "Đại sứ Ams" năm 2022, một cuộc thi được tổ chức nhằm tìm ra cá nhân xứng đáng nhất để đại diện cho một thế hệ học sinh tài năng của trường.

Tuy nhiên, do kỳ thi học sinh giỏi quốc gia cách đêm Chung kết "Đại sứ Trường Ams" chỉ một tuần nên Lã Châu Giang chưa kịp ăn mừng chiến thắng cùng cả lớp đã phải "tăng tốc" ôn luyện cho kỳ thi học sinh giỏi quốc gia môn hóa học.

Cách nữ sinh Đại sứ Trường Ams đập tan tin đồn mua điểm, mua giải - 1
Màn ăn mừng ngắn ngủi và đơn giản của Châu Giang (váy dạ hội, ngồi giữa) trong vòng tay, sự công nhận từ thầy cô, bạn bè sau khi nữ sinh đạt danh hiệu "Đại sứ Ams 2022" (Ảnh: NVCC).

Học hóa khoảng 12 tiếng/ngày, "đấu tranh tâm lý" chọn lựa giữa hai cuộc thi

Ngay sau đêm Chung kết, Giang đã lập tức trở lại với nhịp sinh hoạt bình thường của một thành viên đội tuyển học sinh giỏi quốc gia môn hóa.

Với lịch học kéo dài khoảng 12 tiếng/ngày tương đương với 2-3 buổi học ở đội tuyển vào buổi sáng và một buổi học thêm vào buổi tối, Giang gặp không ít áp lực do thời gian ôn thi gấp rút và cả sự tiếc nuối vì không thể chia sẻ niềm vui chiến thắng cùng người thân, bạn bè một cách trọn vẹn.

Sau khi vừa kết thúc kỳ thi học sinh giỏi quốc gia môn hóa kéo dài trong hai ngày, nữ sinh chuyên hóa nhận xét, đề thi vào ngày đầu tiên là đề thi khó nhất trong 10 năm gần đây.

"Dù chưa nhận được kết quả nhưng em tự hào về bản thân rất nhiều vì đã không bỏ cuộc", Giang nói.

Giang cho biết, quá trình ôn luyện cho cuộc thi học sinh giỏi hóa cấp quốc gia vốn đã bắt đầu từ trước khi diễn ra cuộc thi "Đại sứ Ams". Do đó, nữ sinh phải cùng lúc chuẩn bị cho cả hai cuộc thi và không tránh khỏi có lúc "bỏ bê" việc học môn hóa.

"Việc tham gia thi "Đại sứ Ams" quả thật đã khiến em bất lợi hơn về thời gian so với các thành viên khác trong đội tuyển", Giang chia sẻ.

Tuy gặp nhiều áp lực và khó khăn trong việc sắp xếp thời gian cho cả hai cuộc thi nhưng khi nhìn lại Giang không hề cảm thấy hối hận vì quyết định của mình và xem đây là kỷ niệm khó quên trong đời học sinh.

Cách nữ sinh Đại sứ Trường Ams đập tan tin đồn mua điểm, mua giải - 2
"Đại sứ Ams 2022" luôn nỗ lực để đảm bảo chất lượng cho cả 2 cuộc thi quan trọng (Ảnh: NVCC).

Để thi "Đại sứ Ams", Giang phải tham gia nhiều hoạt động như: Chuẩn bị trang phục, đi tập và duyệt chương trình… vì thế mà lịch trình chuẩn bị cho "Đại sứ Ams" và học tập ở đội tuyển không tránh khỏi có lúc trùng nhau. Nữ sinh chuyên hóa lúc này lại rơi vào trạng thái "đấu tranh tâm lý" giữa việc chọn đi học đội tuyển hay tham gia chuẩn bị cho cuộc thi "Đại sứ Ams".

"Đã có nhiều ngày liên tiếp em vắng mặt trong buổi học đội tuyển để tham gia các buổi tập, buổi duyệt chuẩn bị cho cuộc thi "Đại sứ Ams", Giang chia sẻ.

Chính vì những buổi vắng mặt, Giang luôn phải tận dụng thời gian để lấp đầy những lỗ hổng kiến thức và kỹ năng mà bản thân đã bỏ lỡ ở đội tuyển. Câu chuyện của Giang không khỏi khiến các thầy cô hướng dẫn ôn thi cảm thấy bất an và lo lắng thay cho em.

Cách nữ sinh Đại sứ Trường Ams đập tan tin đồn mua điểm, mua giải - 3
Để chuẩn bị cho cuộc thi "Đại sứ Ams", Giang phải nhiều lần tham gia các hoạt động tổng duyệt, tập luyện văn nghệ (Ảnh: NVCC).

Từng là "mọt sách" và bị nghi ngờ mua điểm

Trước khi đến với cuộc thi "Đại sứ Ams 2022", Lã Châu Giang tự nhận xét mình là một "con bé mọt sách" và chỉ biết làm bạn với sách vở, những kỳ thi và thu mình, sống khép kín với mọi người. Giang thậm chí còn không sử dụng mạng xã hội.

Giang chia sẻ, em từng phải đối diện với áp lực dư luận rất nhiều mỗi lần đạt giải trong cuộc thi nào đó. Thậm chí, nữ sinh chuyên hóa từng bị đặt nghi vấn mua điểm, mua giải và xuất hiện những câu chuyện quy chụp, đánh giá sai về con người của em. Đó là lý do vì sao Giang muốn rời xa các nền tảng mạng xã hội.

Cách nữ sinh Đại sứ Trường Ams đập tan tin đồn mua điểm, mua giải - 4

Lã Châu Giang từng có nhiều trăn trở và sống khép kín trước khi trở thành nữ sinh năng động như ngày hôm nay (Ảnh: NVCC).

Cho đến năm lớp 11, khi nhận được sự động viên từ những người thân xung quanh, nữ sinh dần mở lòng, bắt đầu tham gia các hoạt động trên trường và tự đánh dấu sự thay đổi này của bản thân bằng việc đăng ký thi "Đại sứ Ams" năm 2022.

Mỗi vòng thi lại đem đến cho Giang những cung bậc cảm xúc riêng biệt và sau cùng, nữ sinh đã nhận ra ý nghĩa của cuộc sống.

"Em chợt nhận ra cuộc sống bên ngoài sách vở không quá đáng sợ và áp lực như em nghĩ. Trái lại, nó mang đến cho em những dư vị khác nhau, có niềm vui, có sự tự hào, có sự thất vọng và cả những khó khăn, tiếc nuối", Giang bày tỏ.

Sự thay đổi của Giang còn đến từ việc em nhận được rất nhiều sự trợ giúp từ người thân, bạn bè xung quanh. Bất kể ngày đêm, dù ngày thường hay ngày Tết, bạn bè luôn đồng hành cùng "Đại sứ Ams" trong việc chuẩn bị từ những việc nhỏ nhất như: Tìm phòng tập nhảy, lên ý tưởng chụp hình, đi gần như khắp Hà Nội để cùng em tìm trang phục biểu diễn…

Cách nữ sinh Đại sứ Trường Ams đập tan tin đồn mua điểm, mua giải - 5

Châu Giang của năm lớp 11 đã tự tin và mở lòng với mọi người hơn so với Châu Giang trước đây (Ảnh: NVCC).

Đặc biệt, Lã Châu Giang cũng là thành viên đầu tiên của khối chuyên hóa đạt được danh hiệu "Đại sứ Ams", đem về cho không chỉ riêng em mà cả khối chuyên hóa niềm tự hào to lớn.

"Dù là Đại sứ Ams hay Lã Châu Giang của khối chuyên hóa, em vẫn là em, là một học sinh còn nhiều thiếu sót và đang nỗ lực hoàn thiện mình qua từng ngày", Giang bày tỏ.

Ngoài danh hiệu "Đại sứ Ams", Châu Giang cũng từng đạt được nhiều giải thưởng trong các cuộc thi trong nước và quốc tế trước đó. Một trong số đó phải kể đến là thành tích đạt điểm cao thứ tư Thành phố Hà Nội và gia nhập đội tuyển học sinh giỏi quốc gia môn hóa học kỳ 2022-2023, Á khoa kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 môn chuyên hóa, đạt huy chương Vàng kỳ thi Khoa học trẻ quốc tế IJSO 2021…

Đáng chú ý, Châu Giang cũng là tác giả của nghiên cứu đạt hạng A trong Lumiere Education (Chương trình nghiên cứu kết nối học sinh với người hướng dẫn học bổng) được thành lập bởi giáo sư và học viên của Đại học Harvard.

"Nghe có vẻ "hoành tráng" nhưng bài nghiên cứu của em chỉ là trình bày lại mô hình và công cụ cổ điển, thường được sử dụng để tìm hiểu, mô tả và đánh giá động học enzyme, đồng thời giới thiệu tổng quát về Fumarase và chủng đột biến của Fumarase", Giang giới thiệu qua về bài nghiên cứu của mình.

Khi được hỏi về dự định sắp tới của mình, nữ sinh lớp 11 cho biết, dù thời điểm lên lớp 12 đã cận kề nhưng em vẫn chưa xác định được ngôi trường đại học mà em mong muốn.