Các cô gái chi hơn 100 triệu đồng chỉ để la hét, khóc lóc

Nghi Phương

(Dân trí) - Một xu hướng chăm sóc sức khỏe mới đang thu hút sự chú ý của phụ nữ trên thế giới vì cách tiếp cận độc đáo, giúp giải tỏa cơn giận.

Xu hướng chăm sóc sức khỏe đang phổ biến với phụ nữ trên toàn cầu tên là "Nghi lễ thịnh nộ", có nguồn gốc từ Scotland. Nghi lễ này cho phép phụ nữ la hét, khóc lóc và đập gậy xuống đất trong khu vực rừng cây.

Nhà tổ chức Mia Banducci cho biết: "Cơn thịnh nộ thường ảnh hưởng tới sức khỏe tinh thần của mọi người, đặc biệt là phái nữ".

Cô bắt đầu nghi lễ bằng các bài tập thở, sau đó khuyến khích người tham gia giải phóng những cảm xúc tiềm ẩn và sự tức giận đối với bất kỳ ai đã làm họ khó chịu.

Các cô gái chi hơn 100 triệu đồng chỉ để la hét, khóc lóc - 1

Những người phụ nữ tham gia nghi lễ sẽ la hét, khóc lóc và đập gậy xuống đất (Ảnh: ShutterStock).

"Tinh thần của bạn là một ngọn núi lửa, hãy để nó phun trào!", Banducci hét lên, giọng cô dần bị át đi bởi tiếng la hét và tiếng đập gậy của những người phụ nữ cùng tham gia.

Nhiều phụ nữ bắt đầu khóc không ngừng, trong khi những người khác quỳ trên mặt đất, người đầy bùn đất. Một số người thậm chí còn có vết bầm tím trên tay và bị thương do "xả" cơn giận quá mức.

Banducci cho hay: "Khi mọi người làm điều này và cho phép bản thân giải tỏa cơn giận, sức khỏe tâm lý của họ sẽ được cải thiện".

"Nghi thức thịnh nộ" gây được tiếng vang rộng rãi trên TikTok và YouTube. Nhiều video liên quan đến xu hướng này nhận được hơn 39.000 lượt thích.

"Chúng ta đều cảm thấy muốn khóc khi xem những video giải tỏa cơn giận này, phải không? Tôi ước mình có đủ khả năng để đi đến nơi đó, được hét lên và khóc lóc thỏa thích", người dùng mạng xã hội TikTok để lại bình luận.

"Tôi thực sự đã khóc khi nhìn thấy điều này, tôi cần được tham gia nghi lễ", một người khác chia sẻ.

Phụ nữ tức giận, la hét trong rừng để giải tỏa cơn giận (Video: Reddit).

2,5 năm trước, Kimberly Helmus - kỹ sư an ninh mạng - lần đầu tiên tham gia "nghi lễ thịnh nộ" sau khi ly hôn. Kể từ đó, cô tham gia trải nghiệm này hai lần.

"Đó thực sự là nơi mà bạn có thể trở thành người phụ nữ hoang dã và không bị ai đánh giá", Kimberly Helmus nói.

Banducci đã tiến hành các nghi lễ giận dữ trong nhiều năm ở Scotland và xu hướng này đang bắt đầu lan rộng khắp thế giới.

Tháng 7 năm nay, buổi lễ "Cơn thịnh nộ thiêng liêng" được một cộng đồng chăm sóc sức khỏe địa phương lên kế hoạch tổ chức tại Alberta, Canada. Một sự kiện tương tự sẽ được tổ chức tại Bắc Carolina (Mỹ) vào tháng 6.

Tuy nhiên, việc hét lên để giải tỏa cơn giận dữ tại sự kiện không hề rẻ.

Các cô gái chi hơn 100 triệu đồng chỉ để la hét, khóc lóc - 2

Các chuyên gia nói rằng, những phụ nữ bộc lộ sự tức giận sẽ bị xã hội coi thường (Ảnh: ShutterStock).

Một khóa tu do Banducci tổ chức, bao gồm "nghi lễ thịnh nộ", có giá từ 2.000 USD (50,8 triệu đồng) đến 4.000 USD (101 triệu đồng). Trong khi vé một ngày có giá 222 USD (5,6 triệu đồng).

Chi phí này gây ra nhiều phản ứng trái chiều trên mạng xã hội. "Sao không tự mình hét lên miễn phí nhỉ?", một người cho biết.

"Tôi có thể làm rất nhiều thứ để mua được hạnh phúc với số tiền này", người khác nói.

"Tôi nghĩ nghi lễ này là một điều tốt. Phát điên để giải tỏa cơn giận thực sự giúp ích cho sức khỏe tinh thần", người khác bày tỏ quan điểm.

Phương pháp trị liệu bằng liệu pháp tiếng hét nguyên thủy, được nhà tâm lý học Arthur Yanov phát triển vào những năm 1970 để giải phóng những tổn thương bị đè nén. Đây là khía cạnh quan trọng của các nghi lễ thịnh nộ.

Trong thời kỳ đại dịch, những cảm xúc như giận dữ, lo lắng và đau buồn dẫn đến sự hồi sinh của liệu pháp này.

Năm 2020, The New York Times giới thiệu chương trình cho phép mọi người được la hét, khuyến khích những cá nhân bị ảnh hưởng tâm lý bởi đại dịch bày tỏ sự mệt mỏi, nỗi thất vọng của họ.

Theo nhà tâm lý học Stephanie Sarkis, các nghi thức thịnh nộ có thể có tác dụng giải tỏa tức giận, nhưng chúng không phù hợp với nhiều người. Cô cho biết, một số người có thể cảm thấy được xoa dịu tâm trí khi thực hành các bài tập như hít thở sâu, đi bộ hoặc nghe nhạc.