Cà phê cùng Hiếu “chí mén”
Cái tên “Hiếu chí mén” của Nguyễn Chí Hiếu có từ lúc học cấp II. Lúc đó người nhỏ xíu, còi cọc quá, bạn bè gọi là “chí mén”. Hiếu vừa tốt nghiệp ngành kinh tế Học viện Kinh tế và Chính trị Luân Đôn, đang học lên Tiến sĩ tại ĐH Stanford (Mỹ).
Tình cờ gặp Hiếu khi anh chàng về Quy Nhơn làm phiên dịch cho Liên hoan võ thuật cổ truyền toàn quốc tại Festival Tây Sơn Bình Định. Người được bầu là một trong “100 sinh viên giỏi nhất thế giới” năm 2006, thủ khoa trường LSE và 3 lần được vinh danh tại Anh đã vui vẻ “tám” chuyện với chúng tôi trong một quán cà phê dù đang bị khan tiếng vì… dịch quá nhiều.
Được biết bạn đã tốt nghiệp Học viện Kinh tế và Chính trị Luân Đôn (LSE-London School of Economics and Political Science), và đang tiếp tục học tiếp tại ĐH Stanford. Tại sao bạn không đi làm mà lại đi học tiếp?
Tôi thích đi học nữa vì còn lưu luyến cuộc sống sinh viên. Cuộc sống mà tôi thấy rất thoải mái, lôi tôi thoát khỏi những mục tiêu khác. Sau khi học xong ở Anh, tôi nộp đơn xin học bổng của ĐH Stanford và được chấp nhận. Tôi được các trường ĐH Stanford, Northwestern, Columbia (Mỹ) cấp học bổng 5 năm học tiến sĩ kinh tế. Tôi chọn ĐH Stanford vì trường này nổi tiếng về ngành kinh tế. Mức học bổng 375.000 USD vượt quá sức tưởng tượng của tôi. Chưa đi làm vì tôi muốn thay đổi môi trường học tập nên quyết định đến Mỹ. Tôi thấy mình vẫn còn... ham chơi, còn lười lắm.
Ngoài kiến thức văn hoá, bạn thu nhận được gì về cuộc sống sau những ngày sống tại Anh, Mỹ?
Sự độc lập trong suy nghĩ và tính tự chủ. Gia đình tôi không giàu nên tôi phải tự lo cho mình. Chúng tôi xin phụ chạy bàn cho một nhà hàng. Mỗi tuần kiếm không tới 150 bảng. Nhưng cảm thấy mình lớn hơn từ số tiền còm đó.
Giới trẻ Anh thường bị nghĩ là phớt tỉnh nhưng tôi thấy họ dễ hoà nhập hơn người lớn tuổi. Bạn có thể bắt chuyện, trao đổi về mọi lĩnh vực với họ. Họ thích bàn luận về chính trị.
Ở Mỹ, thanh niên quan tâm đến những vấn đề thuộc về cuộc sống, cộng đồng và con người. Các trường ĐH luôn có rất nhiều hội đoàn, CLB để thanh niên tham gia. Ai thích lĩnh vực gì thì chọn hội đó: CLB thể thao, CLB văn học, thiên văn, hoạt động xã hội và từ thiện...
Đâu là sự khác biệt trong giáo dục ĐH giữa Anh, Mỹ và Việt Nam?
Tôi chưa học ĐH ở Việt Nam, nhưng qua bạn bè cũng biết được Việt Nam giáo dục chú trọng chiều sâu trong khi phương Tây thiên về chiều rộng. Lúc mới qua, tôi bất ngờ về sự hiểu biết của thanh niên Anh. Một SV kinh tế có thể thuyết trình về văn hoá không thua gì SV chuyên ngành...
Những danh hiệu đạt được trong những năm học đại học có là áp lực cho bạn?
Khi nhận được những vinh dự đó, các báo tại Anh có phỏng vấn tôi nhiều nhưng tôi không cho rằng đó là đích đến cuối cùng của mình. Tôi có gọi điện về Quy Nhơn cho ba mẹ. Cả gia đình đều vui đến không ngủ được. Trường tôi sát cạnh đài BBC, tôi vinh dự được góp mặt trong một chương trình nói chuyện. Những giải thưởng trên là một phần để ĐH Stanford trao học bổng cho tôi. Đó là thu hoạch lớn nhất.
Bạn có ý định quay về Việt Nam làm việc?
Thật sự tôi không rõ lắm chính sách của nhà nước với du học sinh. Nhiều người đã quay về nhưng một số quay ra nước ngoài. Có thể có nhiều lý do khiến họ chưa phát huy năng lực và có cảm hứng làm việc. Tôi cũng muốn về Việt Nam nhưng đó là việc sau này. Sau khi học xong, tôi muốn làm việc tại các nước xung quanh Việt Nam như Singapore, Malaysia... rồi mới tính tiếp.
Ở lĩnh vực chuyên môn của mình là kinh tế tài chính, giả sử bạn về Việt Nam và tham gia làm quản lý, bạn ưu tiên giải quyết vấn đề nào nhất?
Chứng khoán! Thị trường VN đang giống Hồng Kông ở những năm 1996, 1997. Đội ngũ nhân lực có trình độ chưa nhiều. Thị trường dễ bị chi phối và tâm lý “ăn theo”, thấy người ta mua mình cũng mua... rất phổ biến. Nó giống một canh bạc, người chơi ăn nhiều và thua nhiều vì tham gia kiểu “say bạc” chứ không có sự phân tích.
Theo Hiếu, cách nào để Việt Nam thu hút và tận dụng nhiều hơn trí tuệ của các du học sinh?
Muốn có nhiều nhân tài cho đất nước, ngoài các chủ trương hiện nay, nhà nước phải có chủ trương về đào tạo. Cũng cần xây dựng kế hoạch trọng dụng nhân tài một cách minh bạch và nhất quán. Những du học sinh chúng tôi muốn mình có cảm giác “được làm việc”, thấy mình hữu ích trên “mảnh ruộng nhà”...
Theo Khoa Tư
Sinh Viên Việt Nam