Búp bê bằng rơm

Xóm nghèo nằm lọt thỏm trong xã vùng ven. Ban đêm, chị em Tí Nị nhìn về hướng thành phố vẫn thấy một vùng sáng lung linh như đó chính là nơi khởi nguồn những chuyện thần thoại.

Thỉnh thoảng vào ngày giỗ ông nội, ngày tết, chị em Tí Nị được má cho đi thành phố thăm bà nội.

 

Bà ở chung với chú Út trong căn nhà to, có rất nhiều phòng. Tí Nị không hiểu tại sao phải cần nhiều phòng như thế. Bà nội một phòng, vợ chồng chú Út và hai con chú thím cũng mỗi người một phòng. Lại còn vài phòng bỏ trống - nghe nói là để dành cho khách tới chơi.

 

Má con Tí Nị không phải là khách nên khi lên nhà nội được nằm chung trên bộ ngựa “gia bảo” bằng gỗ mun dày dặn, mát rượi.

 

Con chú thím Út - một trai một gái - “văn minh” lắm, mỗi đứa có một cái máy giống ti vi nhưng tụi nó gọi là còm-bíu- tờ, ngộ thiệt! Chẳng thấy hai đứa đó vui chơi bao giờ. Tụi nó ra khỏi nhà với cái cặp to đùng, rồi tất tả đi học thêm… đi học nữa… và sau đó ngồi trước còm-bíu-tờ bấm mỏi tay, mặt mày xanh lét, tội nghiệp!

 

Khi thím Út ở nhà, hai nhóc chỉ được nói chuyện với nhau bằng tiếng Anh để thím kiểm tra “kỹ năng nghe-nói”. Hai đứa hào hiệp lục tủ đưa cho chị em Tí Nị vô số đồ chơi điện tử để chơi cho đỡ buồn. Mấy thứ đó nhìn thấy bảnh, chớ chơi chút xíu là chán phèo.

 

Chú thím Út đi du lịch nước ngoài vào đúng tuần lễ đầu tiên của 3 tháng hè, bà nội dẫn bọn trẻ về quê chơi. Tí Nị làm cho các em mấy con búp bê bằng rơm thật đẹp theo cách ba đã dạy. Búp bê thơm mùi lúa, cột nhỏng mấy cọng rơm lên là thành “con gái”, xước mấy cọng rơm ra sau là thành “con trai”, cuộn tròn một cọng rơm như búi tóc ghim sau ót búp bê là thành “bà nội”… hai đứa trẻ thành phố thích mê tơi.

 

Nhảy nhót, leo trèo, chơi nhà chòi, chọi cỏ gà… một tuần trôi qua nhanh quá! Thím Út lái xe nhà về đón và sửng sốt khi nhìn thấy hai đứa con cưng áo quần xốc xếch, tóc xù cứng như cọng rạ, mặt rạng rỡ, hai má đỏ hồng, nâng niu những thứ kỳ dị mà tụi nó gọi là “búp bê”.

 

Tí Nị đã chọn những búp bê bằng rơm đẹp nhất cho hai em. “Tụi em cảm ơn nhiều. Bữa nào tụi mình gặp lại nữa nha!”. Mặc cho mẹ trừng mắt, hai đứa nhứt định không chịu nói: “Thank you very much! See you again!”…

 

Đó là lần đầu tiên trong đời, hai đứa trẻ biết thế nào là “vui chơi”, “nghỉ hè”…

 

Theo Kỳ Nguyễn
Sài Gòn Giải Phóng

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm