Bùng nổ làn sóng “sống trên mạng”

Thời buổi này, những công dân @, trừ những việc... sinh hoạt cá nhân không thể thực hiện được trên mạng, còn tất cả đều đã gắn bó mật thiết với mạng.

Trên mạng, họ kết bạn, chia sẻ những sở thích, thú vui cá nhân, gửi cho nhau những bản nhạc mới nhất của Kelly Clarkson, tranh luận về những vấn đề cùng quan tâm - từ chuyện tào lao như K. Homes liệu có phải là bến đỗ cuối cùng cho Tom Cruise, tới chuyện "vĩ mô" như kế hoạch chinh phục vũ trụ của Trung Quốc.

 

Trên mạng, họ học, làm và nhận kết quả kiểm tra cuối kỳ. Trên mạng, họ "đi" mua váy đầm, PC. Họ có thể trút nỗi buồn chưa gọi thành tên lên một trang nhật ký ảo, hay chát chít với bạn bè, rôm rả chẳng kém gì gặp nhau bằng xương bằng thịt.

 

Một trong những thế giới ảo đông "công dân" nhất hiện nay là MySpace.com, với lượng thành viên chỉ tính riêng ở Mỹ đã tăng lên gấp 4 lần sau 2 tháng, lên con số 40 triệu. Hàng triệu người khác cũng đang gắn bó với những "web xã hội" như www.facebook.com, www.xanga.com, www.buzz-Oven.com, www.classface.com, www.photobucket.com...

 

Ở Việt Nam, mặc dù chưa có các web xã hội tầm cỡ "triệu công dân" như trên, vô số các trang web như www.ttvnol.com, www.diendan.edu.net, www.tintuc.vnn.vn, www.asvnonline.net... với các diễn đàn về mọi chủ đề kinh tế - văn hoá - xã hội - giáo dục cũng đang thu hút hàng nghìn bạn trẻ lập account (tài khoản) để được trở thành một thành viên của một nhóm cộng đồng ảo, hoạt động sôi nổi không kém các trang web quốc tế.

 

Mặc dù các mạng này đều còn rất non trẻ, các chuyên gia cho rằng chúng đã đang tạo ra một hình thức ứng xử xã hội mới. Trong khi hầu hết người lớn coi web là sự bổ sung tiện ích cho cuộc sống hàng ngày của họ dễ chịu hơn và không thể thay thế những mối quan hệ trong thế giới truyền thống của họ; thế hệ @, ngược lại, không quan tâm đến lằn ranh giữa hai thế giới.

 

Ngày càng nhiều thanh niên thuộc tầng lớp thượng lưu và trung lưu coi các web xã hội như những nhóm cộng đồng ảo, một nơi để họ đến và ngồi xuống trong chốc lát (đôi khi là hàng giờ).

 

Trong khi người lớn chỉ truy cập mạng vì đòi hỏi của công việc, lớp trẻ đang làm cho thế giới ảo cũng được xã hội hoá như xã hội truyền thống.  

 

Sự lớn mạnh của các cộng đồng ảo khiến cho giới kinh doanh cũng đua nhau cạnh tranh mua lại các web xã hội nhằm quảng bá thương hiệu và tiếp cận một thị trường khách hàng trẻ đầy tiềm năng.

 

Theo Business Week, công ty News Corp đã chi 1,3 tỉ USD mua lại các trang web xã hội, trong đó riêng vụ mua lại công ty mẹ của MySpace.com đã có giá tới 580 triệu USD. Những nhà đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao tại thung lũng Silicon nay cũng quan tâm và đổ tiền vào Facebook.com và các mạng xã hội khác.

 

Đại đa số các diễn đàn Việt Nam hiện đều hoạt động vì mục đích phi lợi nhuận với kinh phí dựa vào các nguồn tài trợ, nhưng chắc chắn trong tương lai cũng sẽ là kênh quảng cáo hấp dẫn để các công ty hướng tới.

 

Tất nhiên, cuộc sống trên mạng không thể hoàn hảo. Số lượng thành viên tăng vọt trong khi hạ tầng công nghệ chưa kịp đáp ứng khiến cho mạng chạy với tốc độ... rùa bò, thường xuyên báo lỗi server error vào những giờ cao điểm. Không ít web xã hội chết yểu nhanh như tốc độ sinh ra.

 

Đó là còn chưa kể đến những mặt trái cố hữu: nhẹ thì là nạn spam bài (liên tục gửi bài viết với nội dung xấu lên trang web), gửi thư từ thiện; nặng thì là nạn lừa đảo, dụ dỗ trẻ vị thành niên, ăn cắp thông tin... Nhưng, như một xu thế tất yếu của xã hội hiện đại, mạng đang ngày càng trở thành một phần không thể thiếu, nếu không nói là thế giới mang bản sắc của họ - những người trẻ trong thời đại công nghệ thông tin.

 

Theo Lao Động