“Bụi” đã thành người

Ngủ bờ bụi cũng giỏi, ăn trộm vặt cũng rành, đánh đấm cũng chẳng ngán ai, mười mấy năm sống lang bạt nơi đầu đường xó chợ vậy mà Phong “thổ địa” vẫn chưa mất đi ước mơ được bước vào giảng đường đại học.

Tuổi thơ dữ dội

Đám trẻ bụi đời chợ Cầu Muối (quận 1, TPHCM) hồi ấy gọi Phùng Ngọc Phong là “thổ địa”. Ngoài chợ Cầu Muối, “thổ địa” còn lang thang đến chợ cá Hòa Bình, khu Mả Lạng, Chợ Lớn... với công việc “ai để hở thì... lượm” (!). Cuộc sống giang hồ mạnh được yếu thua, có lần Phong bị một băng bụi đời khu Bùi Viện chặn đánh “hội đồng” đến gãy tay, bầm mình mẩy.

Ở trường giáo dưỡng, Phong được cử làm trưởng phòng, dưới trướng có tới 60 quân. Mỗi tối thứ bảy, một “võ đài” được dàn ra, mọi ân oán trong suốt một tuần chung sống sẽ được giải quyết bằng vũ lực. Luật ngầm: kẻ thua phải chịu phục tùng, cấm tiết lộ chuyện đấu võ đài. Hồi ấy, Phong chưa bao giờ từ chối bất cứ lời thách đấu nào: “Tụi nó còn có gia đình, tôi đâu có gì để mất”. Thậm chí, tuần nào nội bộ yên ổn thì phòng cử vài tay sang phòng khác thách đấu, và Phong “thổ địa” luôn là một trong các “đấu sĩ” được chọn.

Đi tìm ánh sáng

Thời thơ ấu, Phong theo ba mẹ đi kinh tế mới ở Bình Phước, sau đó lưu lạc sang tận Campuchia. Đời “bụi bặm” của Phong bắt đầu từ phía bên kia biên giới khi ba mẹ chia tay.

Theo chân dân buôn chuyến biên giới, Phong về được Sài Gòn. Đêm đầu tiên Phong vớ được chiếc bao tời ai đó đậy hờ trên một xe nước mía rồi chui vào đó ngủ ngon lành. Hồi ấy suốt ngày cậu lang bạt đến các khu chợ để “làm ăn”, tối đến đụng đâu ngủ đấy.

Tuy vậy, ký ức bụi đời của Phong có những hình ảnh được người dưng cho tấm áo giữa đêm Sài Gòn cuối năm; nhớ mãi tô cơm có món khổ qua chiên trứng của một chủ nhà tốt bụng trên đường Nguyễn Tri Phương: “Hôm đó đói lắm, ăn một lèo sạch trơn, từ đó về sau chẳng còn sợ món khổ qua đắng nghét”.

Bước ngoặt cuộc đời đến khi Phong được các anh chị giáo dục viên rủ đến mái ấm Tre Xanh (quận 1). Bài học đầu tiên: chữ “nhẫn”. Đi làm thợ hồ, bị “ma cũ” ép làm nhiều việc, Phong tức nghẹn cổ, nhưng cố nhịn nhục để cuối tuần được nhận 100.000 đồng.

Sau cả năm trời trộn hồ, phụ làm cửa sắt, phục vụ tiệc cưới, Phong ra ngã sáu Phù Đổng mua được chiếc xe đạp mini làm phương tiện để đi học... sửa ôtô. “Người ta làm được thì mình phải làm được” - Phong đã từng động viên mình như vậy.

Ngày làm, tối đi học bổ túc văn hóa, đều đặn suốt sáu năm trời, giờ đây Phong đã có thể “vọc” thoải mái vào các loại ôtô đời mới. Vui hơn, “Tôi vừa tìm được việc làm cho hai trẻ đường phố” - Phong “thổ địa” khoe.

Phong “thổ địa” giờ đã là một kỹ thuật viên lành nghề của Công ty AMC (chuyên bảo trì, sửa chữa ôtô, đại lý phân phối xe Mitsubishi). Mấy năm trước, Phong tìm được cha ruột đúng vào lúc ông sắp giã biệt cõi đời. Sau đám tang, cậu lặn lội tìm về quê mẹ ở Thừa Thiên - Huế, nhưng bà Nguyễn Thị Thạnh giờ vẫn còn biền biệt phương trời. “Chắc là mẹ nghĩ tôi đã chết!” - chàng trai trẻ rưng rưng.

Dù trong đầu chưa hình dung nổi hương vị hạnh phúc gia đình, nhưng Phong nghĩ “chắc là không khổ nhục như cuộc sống đầu đường xó chợ”. 26 tuổi, Phong mới tốt nghiệp THCS và đang hăm hở vào học lớp 10; rồi tự đặt mục tiêu xa hơn: “Sẽ cố gắng vào ĐH ngành ôtô”. Mỗi khi cùng bạn gái thong dong qua những con phố ngày xưa, Phong khẽ rùng mình khi nghĩ tới chuyện nếu phải quay về đời bụi ngày nào...

Theo Thái Bình
Tuổi Trẻ

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm