"Bông hồng" của ĐH Bách Khoa: Định kiến con gái ngành kỹ thuật cần xóa bỏ
(Dân trí) - “Hầu hết các bạn nữ có nguyện vọng học trường kỹ thuật được khuyên là không nên vì ngành này vất vả. Nhưng sau 5 năm em thấy không có điểm nào cản trở nữ giới phát triển trong ngành", Diệu Hường nói.
Hoàng Lê Diệu Hường là sinh viên năm cuối ngành Điện tử - Kỹ thuật máy tính, Viện Điện tử - Viễn thông, ĐH Bách khoa Hà Nội. Cô là một nhân tố truyền cảm hứng học tập chăm chỉ, hoạt động Đoàn Hội năng nổ.
Đặc biệt. Hường đã có công trình nghiên cứu khoa học và mới đây nhất là 1 trong 20 người nhận được Phần thưởng Nữ sinh tiêu biểu lĩnh vực khoa học công nghệ năm 2019.
Thành tích nổi bật của Diệu Hường:
- 2 công bố khoa học/bài báo đăng trên kỷ yếu hội nghị khoa học quốc tế.
- Giải Nhất cuộc thi Sinh viên nghiên khoa học trường ĐH Bách khoa HN năm 2017, giải Nhì năm 2020.
- Phần thưởng nữ sinh tiêu biểu lĩnh vực khoa học công nghệ năm 2019
- Giải thưởng HONDA cho kỹ sư và nhà khoa học trẻ 2019
- Học bổng tài năng trường ĐH Bách khoa HN năm học 2018-2019, 2019-2020; Học bổng các kỳ cho sinh viên có kết quả học tập tốt ĐH Bách khoa HN năm học 2016-2017, 2017-2018
- Danh hiệu "Sinh viên 5 tốt" cấp Trung ương năm học 2016-2017
- Giải "Electronics Device Award" cuộc thi thiết kế phần cứng LSI tại Okinawa, Nhật Bản; Giải Nhì cuộc thi thiết kế sản phẩm điện tử Best Project 2017 trường ĐH Bách khoa Hà Nội.
- Tham gia chương trình Khoa học kỹ thuật 2018 GKS, đại học Chung-ang Hàn Quốc; trao đổi sinh viên với trường Temasek Polytechnic, Singapore.
- Chứng chỉ Tiếng Anh IELTS 7.0/9.0, Toeic 845/990
- Ủy viên BCH Liên chi Đoàn viện Điện tử - Viễn thông, trường ĐH BKHN (2016-2018); Ban quản trị CLB Sinh viên nghiên cứu khoa học Viện ĐTVT (2016-2018); Ủy viên Ban thanh niên tình nguyện - Đoàn trường ĐH BK HN (2015-2016).
“Bông hồng" giàu thành tích của ĐH Bách khoa
Khi còn học THPT, Hường là học sinh chuyên khối D tại trường THPT Nguyễn Tất Thành. Tuy rằng bản thân Hường cho rằng cô có thiên hướng học khối A hơn là khối D nhưng điểm ngoại ngữ Tiếng Anh của cô vẫn rất đáng nể, IELTS 7.0.
Hiện tại, ở bậc đại học, Hường có điểm CPA đạt 3.64/4.
Diệu Hường chọn học ngành Điện tử viễn thông vì cô thích học Toán, Vật lý. Khi đăng kí thi đại học, Hưởng chủ động tìm kiếm một ngành học yêu cầu sự vận dụng nhiều Toán - Lý và ngành điện tử viễn thông rất phù hợp với tiêu chí mà cô đặt ra.
“Sau 5 năm học, em nhận thấy đó là một quyết định rất đúng đắn vì khi học ngành này, em phát huy được hết khả năng và sở thích của mình. Em hi vọng trong tương lai em sẽ trở thành một kỹ sư nghiên cứu và phát triển (R&D).
Ngoài việc nghiên cứu, em luôn mong muốn có thể áp dụng những công trình nghiên cứu này vào sản phẩm thực tế, phục vụ cho các mục đích cụ thể, đem lại hiệu quả có thể nhìn thấy được”, 9x chia sẻ.
Bên cạnh học và nghiên cứu chuyên môn, Hường cũng dành thời gian học Tiếng Anh chuyên sâu vì cô xác định tiếp tục tiếp bậc cao học tại nước ngoài.
Hường nói: “Em nghĩ rằng khi đã có mục tiêu rõ ràng rồi thì việc học trở nên hiệu quả hơn rất nhiều”.
Chưa hết, Diệu Hường cũng là một “thủ lĩnh" của phong trào sinh viên ở trường. Hường chia sẻ: “Em nghĩ rằng lãnh đạo là một công việc khó và đòi hỏi nhiều kỹ năng. Người lãnh đạo phải là người có tầm nhìn, có trách nhiệm và biết cách tạo cảm hứng cho mọi người trong tập thể.
Em thấy rằng bản thân mình vẫn còn chưa tốt trong kỹ năng này, tuy nhiên em vẫn đang cố gắng hoàn thiện bản thân để có một phiên bản trong tương lai tốt hơn”.
Định kiến về vai trò của nữ giới trong ngành kỹ thuật
Đối mặt với thực tế là lĩnh vực kỹ thuật có thế mạnh với phái nam, gần như là nam chiếm số lượng tuyệt đối. Là một người con gái, Hường không lo ngại vị "lép vế" hoặc khó phát triển trong ngành này.
“Em nghĩ rằng đây là một định kiến của xã hội mà cần được loại bỏ. Hầu hết các bạn nữ khi nêu nguyện vọng học trường kỹ thuật thì thường được gia đình và bạn bè khuyên không nên vì ngành này vất vả cho con gái.
Nhưng qua quá trình học tập, làm việc và nghiên cứu 5 năm em nhận thấy rằng không có điểm nào cản trở các bạn nữ phát triển trong ngành này.
Trên thực tế, có một số ngành nghề đúng là phù hợp với nam giới hơn khi chúng yêu cầu sức mạnh về thể chất, vì mặt bằng chung nữ giới kém hơn nam giới tiêu chí này.
Tuy nhiên thì ngành học của em lại hoàn toàn không yêu cầu sức mạnh thể chất và em thấy rằng các bạn nữ đều có thể tài năng không kém gì các bạn nam.
Vì vậy em hi vọng trong tương lai các bạn nữ sẽ không vì định kiến xã hội mà ngần ngại đăng ký ngành học theo ước mơ của chính bản thân mình”, Hường nhận định.
Để làm rõ hơn quan điểm của mình, Hường nêu ra biện pháp cụ thể: “Em nghĩ rằng trước tiên xã hội cần loại bỏ định kiến về nữ giới làm việc trong ngành này, khi đó nữ giới sẽ mạnh dạn hơn trong nghiên cứu và cống hiến.
Em cho rằng Phần thưởng Nữ sinh tiêu biểu trong lĩnh vực khoa học công nghệ chính là một hình thức khuyến khích vai trò của nữ giới như vậy”.
Tuy nhiên, nữ sinh trường Bách khoa cũng nhìn thẳng vào vấn đề là làm việc với máy tính thường xuyên có hại cho sức khỏe, nhất là mắt và da.
Hường khắc phục bằng cách áp dụng quy luật 20-20-20, nghĩa là cứ mỗi 20 phút làm việc trên máy tính thì nhìn vào một vật cách xa 20 foot (tương đương 6m) trong vòng 20 giây và thường chăm sóc da vào buổi tối trước khi đi ngủ.
Sinh viên nghiên cứu khoa học
Tính tới thời điểm hiện tại đã có 2 xuất bản khoa học tại hội nghị quốc tế và đều nằm trong chủ đề “Truyền phát video qua mạng”.
Trong những năm gần đây việc học và họp trực tuyến đang dần trở nên phổ biến, đặc biệt trong dịch bệnh Covid-19 hiện nay. Tuy nhiên, chất lượng truyền phát video qua mạng chưa tốt như giật lag, đứng hình, video mờ,... khiến cho khả năng tương tác giữa thầy trò và đồng nghiệp kém hiệu quả. Đề tài nghiên cứu của Hường hướng tới giải quyết các vấn đề này.
Khi chất lượng truyền video qua mạng tốt hơn đồng nghĩa việc học và họp trực tuyến trở nên hiệu quả và phổ biến hơn, nhu cầu đi lại sẽ giảm đi, ô nhiễm môi trường sẽ giảm thiểu đáng kể.
Trải qua thực tiễn nghiên cứu, Diệu Hường thấy rằng nghiên cứu khoa học rất có ích cho sinh viên vì khi đó sinh viên có thêm kiến thức chuyên sâu về lĩnh vực mình nghiên cứu.
Hơn thế nữa thông qua nghiên cứu các bạn trẻ có thêm tư duy tạo ra công trình mới thay vì chỉ học theo những kiến thức có sẵn như việc học trên giảng đường.
Tuy nhiên nghiên cứu khoa học là một thách thức đối với sinh viên vì khối lượng học trên giảng đường đã là khá lớn, đặc biệt là sinh viên đang có tư duy học theo, bắt chước từ khi còn học tiểu học, vì vậy việc thay đổi tư duy, học thêm một công việc hoàn toàn mới mẻ là không hề dễ dàng.
Hiện nay các công trình nghiên cứu khoa học của sinh viên còn hạn chế. 9x này cho rằng việc này có nhiều nguyên nhân.
Trước hết là do việc học trên lớp đã tốn nhiều thời gian của sinh viên. Thứ hai là do việc thay đổi từ tư duy học theo sang tư duy tạo ra cái mới cần không ít thời gian. Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng đó là do sinh viên chưa được thúc đẩy làm nghiên cứu khoa học.
Nhìn chung tại các trường đại học ở Việt Nam hiện nay các phòng nghiên cứu cho sinh viên là chưa nhiều, và phong trào nghiên cứu khoa học trong sinh viên chưa cao.
Mai Châm