Bóng cười, shisha: Giới trẻ thản nhiên sử dụng dù đã bị cấm (P.1)
(Dân trí) - Mặc dù đã có nhiều lời cảnh báo và cấm sử dụng được đưa ra, thế nhưng vẫn có nhiều bạn trẻ bất chấp lao vào thú vui hít bóng cười, shisha… với nhiều hình thức che đậy tinh vi và khó bị phát hiện hơn.
Từ thú vui tới hậu quả đáng buồn
Tại bệnh viện Tâm thần Trung ương I, không khó để bắt gặp những ca bệnh nhân bị di chứng do sốc thuốc kích thích cần điều trị tâm lý, nguyên nhân được gia đình cho biết là các bạn trẻ này sử dụng bóng cười và shisa.
Một trường hợp bệnh nhân được đưa vào nhập viện ngày 17/8, em T.T.Huyền., học sinh lớp 11 (một trường THPT khu vực nội thành Hà Nội) có những biểu hiện rối loại tâm lý.
Cụ thể cách đây ít lâu, em Huyền thường xuyên rơi vào trạng thái lơ mơ, bỏ ăn, tinh thần bất ổn, dễ cáu giận khi không được bố mẹ đồng ý cho ra ngoài chơi.
Sau khi nhận được lời khuyên từ mọi người, gia đình đã đưa cháu thăm khám tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương I do nghi ngờ cháu bị trầm cảm hoặc rối loạn tâm lý.
Chị T.T. Lan mẹ bệnh nhân cho biết: “Khi đến đây, các bác sĩ có hỏi thì cháu cũng có nói là khoảng 4 tháng trở lại đây cháu có hay đi chơi với bạn.
Trong một lần cháu được bạn cho hít bóng cười. Kể từ đó cứ cuối tuần cháu xin phép sang nhà bạn học nhóm rồi tụ tập rủ nhau mua bóng cười về hút trong phòng và mở tiếng nhạc rất to.
Gia đình vẫn nghĩ cháu đi học với bạn. Về sức khỏe thì thấy cháu cũng bình thường nhưng khoảng vài ngày gần đây cháu có dấu hiệu bị trầm cảm hay cáu gắt với bố mẹ, đập phá đồ. Gia đình tôi rất lo nên mới quyết định đưa cháu đi khám”.
Mặc dù không đến mức phải nhập viện như Huyền nhưng V.T.Long (đã thay đổi tên), sinh viên năm nhất một trường kinh tế ở Hà Nội cho biết, cậu thường xuyên sử dụng bóng cười với tần suất khoảng 6 ngày/lần, mỗi lần cứ phải từ 3 quả trở lên.
Long chia sẻ cậu tìm đến bóng cười trong những trường hợp đi cùng bạn bè hoặc tâm trạng không tốt. Do áp lực từ gia đình và cuộc sống bức bối nên Long coi bóng cười là một thú vui để giải tỏa.
“Lần đầu tiên em hút bóng cười là trong ngày 8/3/2018 với bạn cùng lớp học. Khi sử dụng thấy rất là thoải mái, lâng lâng. Nhưng hút lâu sẽ gây ra những triệu chứng như đau đầu, ho khan, đặc biệt là hút phải bóng dỏm thì cái mùi nó khét như nhựa bị đốt cháy và rất nhức óc.
Em thừa nhận việc hút bóng cười lâu ngày cũng gây ảnh hưởng đến sức khỏe vì bản thân em đã từng trải qua. Tuy nhiên thiếu bóng cười cuộc sống em vô vị kiểu gì ấy”.
Trò chuyện với tôi, cậu sinh viên năm nhất ấy tỏ ra rất sành sỏi khi kể về cách phân biệt bóng cười “xịn” và “nhái” khác nhau như thế nào. Không những thế Long cũng giới thiệu rất nhiều địa điểm các quán cà – phê, quán trà sữa hay các quán bar phố cổ có phục vụ bóng cười “xịn và rất phê”.
Chứng kiến tận mắt một nhóm học sinh đang hút bóng cười tại một quán cafe trên đường Nguyễn Hữu Huân.
Và mánh chào hàng hút bạn trẻ
Thành phố Hà Nội cũng đã có chỉ đạo cấm bán và sử dụng các chất kích thích như bóng cười, shisa, … và nhiều quán cafe, quán karaoke cũng bỏ các quảng cáo bán mặt hàng này. Thế nhưng, ẩn trong đó, các quán lại trở nên tinh vi, nhiều mánh khóe hơn thu hút khách bằng những lời giới thiệu rỉ tai của các dân chơi.
Cậu sinh viên V.T.Long dẫn PV đến một quán cafe bóng cười trên đường Nguyễn Hữu Huân (Hà Nội). Vào vai một học sinh, chúng tôi ngỏ lời muốn đặt một tiệc sinh nhật có bóng cười bà chủ đon đả chào mời, “bạn của em khoảng 20 người thì chị sẽ cho các em thuê nguyên tầng hai, không gian kín, không lo ai quấy rầy, phục vụ đầy đủ và chu đáo các dịch vụ kèm shisa, nước uống, nhạc thì bao phê.
Còn bóng cười thì mỗi bạn dùng 1-2 quả chị tính giá là 70.000 đồng/ quả. Bên chị đang có chính sách giảm giá 20% cho tất cả dịch vụ của quán”.
Khi đặt ra vấn đề rằng hút bóng cười có bị cấm, bị bắt không, bà chủ khẳng định chắc nịch, “Cái này thì cấm gì em, nó có phải là ma túy đâu mà sợ nghiện. Quán của chị mở bao nhiêu năm chưa bị bắt bao giờ, các em cứ yên tâm, tầng hai, tầng ba đều có cửa cách âm đàng hoàng. Cứ yên tâm”.
Rời quán cà-phê, chúng tôi hòa mình vào đường phố đêm Hà Nội nhộn nhịp, đông đúc ngày cuối tuần. Cậu Long lại dẫn tôi đi đến một quán bar nổi tiếng nằm ngay trên phố Mã Mây. Bước chân vào cửa, tiếng nhạc sập sình, âm thanh rít lên ù cả hai bên tai, các “nam thanh, nữ tú” tấp nập vào ra, vẻ rất sành điệu.
Cảnh tượng đầu tiên tôi nhìn thấy là những thanh niên rất trẻ, miệng vừa ngậm trái bóng bay màu trắng tròn, vừa lắc lư đầu theo điệu nhạc lên xuống dưới ánh đèn nhấp nháy đủ màu sắc. Ghé sát vào tai tôi, Long nói, bar này có bóng cười với shisa thuộc loại “ngon nhất phố cổ”. Thế nên lúc nào cũng phải đặt bàn từ sớm không là hết rất nhanh.
Các bạn trẻ lên bar thản nhiên sử dụng bóng cười và shisa như một thức chơi sành điệu.
Khi được hỏi, chơi vậy có sợ bị bố mẹ phát hiện, Long thản nhiên, hít bóng thì có gì hại đâu, không mùi, không vị, chỉ vui chút thôi, 1, 2 tiếng là hết, về nhà bố mẹ sẽ không biết gì.
Điểm trong biển người đang nhảy theo nhạc, nhìn theo hướng tay Long chỉ cho tôi ở những góc quán, vài bạn trẻ nằm vật ra ghế, đầu tóc xõa xượi hoặc cười ngặt nghẽo nhưng mắt cứ đờ đẫn kia là đang bị phê bóng cười. Phải ngồi ghế 30 phút mới hết phê; nếu không, hít một quả và lắc lư theo nhạc thì sẽ phê được 1, 2 tiếng trở lên.
Một lúc sau, chen giữa biển người, một bạn nhân viên trẻ cầm menu ra hỏi chúng tôi muốn uống gì? Cô nhân viên trẻ giới thiệu cho chúng tôi như điều hiển nhiên “anh có thể bia, rượu, hoa quả kèm bóng cười hoặc shisa sẽ được giảm giá 50%” tất cả các combo đều có hai chất kích thích phổ biến mà giới trẻ tưởng chừng như vô hại này.
Thấy tôi từ chối dùng bóng cười và shisa, cô nhân viên có vẻ rất ngạc nhiên và vẫn cố nài chào mời “bóng cười chỗ em không bị đau đầu, thử đi anh, em giảm giá cho. Đi bar mà không chơi bóng cười thì còn gì là vui, vậy mới dân chơi chứ anh”.
Câu nói ấy khiến tôi chợt suy nghĩ, có phải chính những lời chào mời của bà chủ quán cà-phê, của cô nhân viên trẻ quán bar này mà không ít các bạn học sinh, sinh viên “nhẹ dạ cả tin” cứ thế mà dấn thân vào lối chơi tưởng như không hại ấy ngày càng nhiều…
H.Cường