Coi chừng "bóng cười" thành "bóng khóc"

Hiện nay, ở nhiều quán karaoke, quán bar, thậm chí là ở một số quán café, bóng cười đang trẻ thành “mặt hàng” thu hút giới trẻ. Bóng cười được một số bạn sử dụng để tăng sức hấp dẫn, vui vẻ ở các bữa tiệc. Tuy nhiên, tác hại của nó là khôn lường, đặc biệt là có thể bị tổn thương não vĩnh viễn.

Thú vui nguy hiểm của giới trẻ

Hiện nay, bóng cười đã khá phổ biến tại các quán bar, vũ trường, quán karaoke và tràn ra cả những quán café vỉa hè. Ngay cả trên các trang mạng cũng rao bán công khai bóng cười, trên trang web Bongcuoi.com quảng cáo "bao phê khắp Hà Nội". Từ các ống thép trong hộp bán lẻ cho tới bình 5kg và to nhất là bình 20kg...


Nhiều bạn trẻ thổi xem bóng cười như một thú vui...

Nhiều bạn trẻ thổi xem bóng cười như một thú vui...

Theo D, một dân chơi thì bóng mua không khó nhưng phải là những người trong giới có cùng "tần số" mới có thể "bắt sóng" để giao dịch. Những kẻ ngoại đạo muốn mua phải qua giới thiệu, có mật khẩu riêng trong giới mới tìm được mối "cấp hàng". Cũng theo D, giới trẻ, nhất là các cô chiêu cậu ấm khi khúc mắc chuyện gia đình, bị bố mẹ mắng, bất hòa với bạn bè, gặp gỡ, tụ tập, làm quen hay thậm chí chí... bỗng dưng buồn chán đều tìm đến "bóng cười" để có thể cười và quên đi tất cả.

Theo các chuyên gia, bóng cười là loại bóng chứa chất khí N2O khiến người hút vào có cảm giác phấn khích tạm thời, gây ảo giác cười trong khoảng 15 giây tới 1 phút. Dân chơi bóng cười cho rằng, bóng không gây nghiện mà chỉ gợi cảm giác "nhớ nhung", sự vui vẻ và sự hưng phấn tạm thời này là vô hại.

Tàn phá não bộ

"Bóng cười" (hay còn gọi là Funkyball) thực chất là một quả bóng bay được bơm căng chất Nitrous Oxide (N2O) có khả năng tác động mạnh tới một điểm của hệ thống thần kinh gây cười, tạo cảm giác lâng lâng, sảng khoái cho người sử dụng.

Chỉ cần dùng hai chiếc hộp nhựa đựng bóng, một ống sắt dài và một bình khí nén nhỏ bơm bóng thật căng là có thể hút bóng. Người sử dụng ngậm đầu quả bóng như thổi bóng bay nhưng làm động tác hít vào thật sâu, sau đó lại nín thở bằng mũi và thở khí vào làm cho quả bóng to lên.

Người hít điêu luyện có thể lặp đi lặp lại hai hành động hít - thở cho quả bóng căng phồng rồi xẹp lép là lượng khí N2O đã xâm chiếm và lan tỏa khắp cơ thể. Có người hít xong, mồ hôi vã ra. Khí N2O ngấm đến đâu, tế bào cơ thể tê đến đấy. Sau cảm giác đê mê sẽ là những tràng cười bất tận. Chỉ khi nào thuốc tan hết thì người sử dụng mới ngừng cười.

Theo phân tích đánh giá của các chuyên gia y tế ở Việt Nam và nước ngoài, N2O không phải là dạng khí độc, nó chỉ có tác dụng giảm đau, gây tê, có vị ngọt và không làm mất tri giác. Ngoài ra, nó khiến người ta phấn khích, luôn trong trạng thái lâng lâng, thiếu tỉnh táo. Nếu dùng nhiều sẽ gây hại cho cơ thể khi tạo một sức cuốn hút nhẹ nhàng khiến người dùng luôn nhớ và muốn tự nguyện sử dụng.

Hơn nữa, N2O sẽ khiến con người bị lệ thuộc vào nó, chẳng khác gì một dạng ma túy luôn mang đến ảo giác và sự phấn khích cao độ. Khả năng dẫn đến tử vong khi sử dụng "bóng cười" là có thật, vì nếu sử dụng quá liều trong một thời gian dài sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới các dây thần kinh, phổi, tim, tàn phá bộ não.

Theo bác sĩ chuyên khoa 2 Huỳnh Thanh Hiển, Trưởng khoa T3, Bệnh viện Tâm thần TP HCM: Sau khi hít 10-30 giây, N2O sẽ gây một hiệu ứng sảng khoái, vui vẻ và duy trì trong 2-3 phút, làm giảm nhẹ sự tỉnh táo.

Tuy nhiên nếu sử dụng thường xuyên “khí cười” thì có thể gây ra các rối loạn như: cảm giác châm chích ở đầu chi và đi đứng loạng choạng; các rối loạn khí sắc; rối loạn trí nhớ; rối loạn giấc ngủ và các rối loạn nhịp tim và hạ huyết áp; thiếu máu, thiếu B12.

Ngoài ra, việc dùng quá liều N2O sẽ dẫn đến rối loạn vận động, suy giảm nhận thức hay co giật. Với liều sử dụng cao, N2O gây suy hô hấp cấp.

Theo Mai Khôi

Tuổi trẻ thủ đô