Bình phẩm ngoại hình nữ giới: Ranh giới giữa khen ngợi và quấy rối tình dục

Vũ Anh

(Dân trí) - Từ những câu hỏi "Em ơi em đi đâu đấy?", "Xinh thế này mà đi một mình à?", đến những lời khiếm nhã không tưởng "Em đi nhà nghỉ với anh không?", "Ngon ghê, chân trắng thế"...

Từ điển Merriam Webster đã dành riêng một từ để chỉ hành động quấy rối nêu trên, đó là "cat-calling". Hai kiểu phổ biến nhất của "cat-calling" là huýt sáo (wolf-whistling) và hò hét bình phẩm (shout comments). Đây được xem là một dạng quấy rối tình dục đường phố và nạn nhân thường là nữ giới. 

Tuy nhiên, trong xã hội hiện nay có không ít người cảm thấy "cat-calling" không phải vấn đề gì quá nghiêm trọng. Những kẻ quấy rối ngụy biện rằng đó chỉ là hành động mang tính trêu đùa, chọc ghẹo, không gây bất kì tổn thương nào cho nạn nhân. Thậm chí, họ còn mang tư tưởng "đẹp mới được khen". Bởi vậy, ranh giới giữa quấy rối và tán dương dần trở nên mong manh hơn bao giờ hết.

Trải nghiệm kinh hồn khi gặp phải cat-calling

Theo khảo sát ActionAid Việt Nam kết hợp cùng Trung tâm Nghiên cứu Giới, Gia đình và Môi trường trong Phát triển (CGFED) thực hiện năm 2018, kết quả cho thấy 87% phụ nữ và trẻ em tại hai thành phố Hà Nội và Hồ Chí Minh từng là nạn nhân của "cat-calling".

Bình phẩm ngoại hình nữ giới: Ranh giới giữa khen ngợi và quấy rối tình dục - 1

87% phụ nữ và trẻ em từng là nạn nhân của "cat-calling" (Ảnh minh họa: Manisha Yadav).

"Tôi nhớ trong một lần đi học về buổi trưa, đột nhiên có một người chạy áp sát xe tôi rồi nói mấy câu trêu chọc, tán tỉnh. Lúc đó tôi chỉ biết kéo ga chạy thật nhanh, người kia cũng đuổi theo một đoạn nhưng gặp đèn đỏ nên cắt đuôi được. Về đến nhà mà tay chân tôi vẫn bủn rủn…", Quỳnh Chi (21 tuổi, Hà Nội) chia sẻ về trải nghiệm "khó quên". 

Trên thực tế, Quỳnh Chi cũng rất sốc trước sự thờ ơ của người xung quanh. "Sau khi về nhà, tôi có phàn nàn với một bạn cùng lớp. Những tưởng bạn ấy sẽ mắng người đàn ông đó cùng tôi thì bạn ấy lại hỏi ngược lại: "Sao nghe giọng mày có vẻ vui thế, lại chẳng thích quá còn gì?". Đến bây giờ, tôi vẫn không thể tin nổi người thân thiết với mình lại có thể thốt ra câu đó".

Trường hợp của Quỳnh Chi không quá xa lạ, bởi thay vì lên án, tố cáo gay gắt kẻ thực hiện hành vi quấy rối bằng ngôn ngữ, nhiều người lại có xu hướng đổ lỗi cho nạn nhân. Họ khuyên người bị hại nên ăn mặc kín đáo, cố gắng thao túng tâm lý phụ nữ bằng những định kiến độc hại, biện minh rằng "trai nào mà chẳng trêu gái". Thậm chí, khi nạn nhân bức xúc kể lại chuyện mình đã trải qua, còn bị cho là "phản ứng thái quá".

Cat-calling chưa bao giờ là thước đo nhan sắc

Một số người nghĩ rằng các cô gái phải cảm thấy vinh hạnh khi "được khen". Những lời bình phẩm thiếu lịch sự chẳng biết từ khi nào đã trở thành một tiêu chuẩn để "công nhận vẻ đẹp".

"Ngày còn nhỏ, các bạn nữ cùng lớp hay khoe rằng khi đi ra đường được nhiều bạn nam khen xinh, vì không được vậy nên tôi tự ti lắm. Hồi đó có biết "cat-calling" là gì đâu, chỉ thấy mình không xinh bằng các bạn", Thu Trang (19 tuổi, Hà Nội) tâm sự. 

Khi trưởng thành và tiếp xúc nhiều hơn, Thu Trang đã có suy nghĩ khác: "Mãi sau này tôi mới biết, "cat-calling" không phải là khen ngợi, càng không phải là thước đo sức hấp dẫn của một người phụ nữ. Nói một cách chính xác thì đó là hành vi sai trái được ngầm chấp nhận một cách rộng rãi".

Bình phẩm ngoại hình nữ giới: Ranh giới giữa khen ngợi và quấy rối tình dục - 2

"Cat-calling" là hành vi quấy rối tình dục, không phải lời khen hay thước đo nhan sắc (Ảnh minh họa: Hemera Technologies).

Khác với tán dương, "cat-calling" được thực hiện với mục đích duy nhất là thỏa mãn những kẻ quấy rối. Đối với người nghe, hành động này chỉ đem lại cảm xúc khó chịu và thù ghét. Tuy nhiên, nếu nạn nhân thể hiện thái độ không hài lòng hoặc phản ứng lại, họ sẽ phải đối mặt với những lời bình luận khiếm nhã hơn như "Kiêu thế", "Trêu tí có gì mà căng"..., hay thậm chí còn bị tấn công. 

Ám ảnh tâm lý lâu dài 

Một nghiên cứu mới đây của tờ Silive News đã chỉ ra rằng, hầu hết đàn ông đều cảm thấy lời nhận xét của họ hoàn toàn vô thưởng vô phạt, không phải vấn đề to tát. Trong khi đó, đối với phụ nữ, "cat-calling" có thể gây ra ám ảnh lâu dài, tệ hơn là dẫn đến một số bệnh tâm lý như chứng sợ đám đông, nỗi lo về xâm hại, hay hành hạ, chán ghét cơ thể của bản thân.

Cũng trong nghiên cứu trên, hơn một nửa số người khi tham gia khảo sát cho biết, họ đã phải thay đổi quần áo, từ chối tham gia một số sự kiện xã hội, chọn phương tiện di chuyển khác và cảm thấy mất tập trung tại nơi làm việc/trường học vì bị quấy rối tình dục. Trong số đó, một vài người phải thay đổi cả công việc và thành phố nơi mình đang sống.

Chia sẻ về vấn đề này, Nhật Nguyệt (18 tuổi, Hà Nội) thừa nhận, nỗi ám ảnh từ những lần bị quấy rối tình dục đã khiến bản thân thay đổi rất nhiều. "Tôi không dám ra đường vào buổi tối. Chỉ cần đi qua đoạn đường vắng là người tôi lại run cầm cập, sợ đột nhiên có ai đó xuất hiện, động chạm vào người. Nhìn thấy các bạn nữ khác tự tin mặc đồ ngắn tôi hâm mộ lắm. Tôi không dám mặc như vậy". 

Thay vì lên tiếng, người bị hại thường chọn cách thay đổi bản thân để có cảm giác an toàn hơn, hạn chế tối đa nguy cơ bị quấy rối tình dục nơi công cộng. Tuy vậy, không có sự thay đổi nào là đủ để ngăn cản hành vi "cat-calling". 

"Ngay cả khi tôi mặc kín từ đầu đến chân, tránh những nơi vắng người, không bao giờ đi về khi trời tối, tôi vẫn bị quấy rối tình dục. Khi ấy tôi nhận ra rằng, điều cần thay đổi không phải bản thân, mà là nhận thức, quan điểm và hành vi của cộng đồng", Nhật Nguyệt nhận định. 

* Tên nhân vật đã được thay đổi