Bình Gấm vé số, khoai lang trở thành bác sĩ

(Dân trí)- Cha mẹ làm ăn thua lỗ, nợ nần chồng chất, dân “anh chị” ngày ngày đến thúc nợ, hăm dọa… Trần Bình Gấm phải “cắp rổ khoai lang”, “ôm tập vé số” đi bán dạo để phụ giúp gia đình. Nhưng bằng nghị lực của bản thân đến nay cô đã trở thành một bác sĩ.

Tới đường Trần Văn Đang (TPHCM), hỏi nhà Bình Gấm từ bác xe ôm đến chị bán hàng rong ai cũng nói như vỡ òa “a… là nhà bác sĩ Gấm”. Một chị hàng rong với đôi gánh trên vai dẫn tôi đến số nhà 291 trong một con hẻm nhỏ thuộc phường 11 quận 3 “đây là nhà cô Gấm đấy!”.

 

Bình Gấm cô bé của khoai lang, vé số ngày xưa

 

Nhìn dáng người nhỏ bé của Hồng Gấm, thật khó có thể tin được Gấm lại đủ sức để vượt qua mọi khó khăn vất vả ngay từ khi còn là một đứa trẻ. Học đến lớp 6 cô bé Gấm đã trở thành một lao động, môt trụ cột quan trọng của gia đình.

 

Hình ảnh cô bé “nhỏ tẹo” đầu trần, chân đất trở về nhà lúc phố xá đã vắng người qua lại vẫn còn in sâu trong tâm trí của nhiều người dân trên con đường Trần Văn Đang. Mỗi ngày bình quân 6 tiếng Gấm đi bán vé số hoặc bán khoai, vì thế khi cô về đến nhà đã là lúc nửa đêm. Tuy nhiên số tiền kiếm được hàng ngày khoảng 10 - 15 nghìn đồng của Gấm cũng chẳng thấm vào đâu so với khoản nợ khổng lồ lên đến hang chục triệu đồng mà gia đình cô đã vay mượn.

 

Cha đạp xích lô, mẹ bán hàng vặt vãnh ngoài chợ, hai chị em đi bán vé số… cả gia đình gồng mình kiếm tiền nhưng nợ nần ngày càng lớn thêm bởi lãi mẹ đẻ lãi con cứ sinh ra trong ngày.

 

Gấm tâm sự: “Với sức lao động của cả nhà khi đó nếu không nợ nần gì thì cuộc sống cũng chẳng có gì khó khăn, nhưng thiếu nợ nhiều quá nên cả nhà phải chật vật mà cũng chưa đủ để trả tiền lãi chứ chưa nói gì đến tiền gốc.”

 

“Có hôm đi bán chẳng được vé nào, măt buồn so mà khổ nỗi cái nghề đó càng buồn thì càng …ế”. Tàn nhẫn hơn “Một hôm có ông khách gọi vào, ông ấy chỉ mua có đúng một vé nhưng khi kiểm lại thì mất đến cả hàng chục vé…” và những cạm bẫy chờ sẵn: “Hôm ấy có một người khách kêu lên xe, ông ấy nói chở đi dạo mấy vòng sau đó sẽ cho 4 trăm nghìn, khi đó còn ngây thơ nên thấy tiền là muốn đi lắm. Nhưng nghĩ đến việc mẹ sẽ không vui nên quyết định từ chối… Giờ nghĩ lại vẫn còn sợ”, đó là những lời tâm sự rất thật của Bình Gấm.

 

Bình Gấm với những nỗ lực học tập không ngừng

 

Mỗi ngày lội bộ đến hàng chục cây số khắp thành phố, trở về nhà thì trời đã khuya, nhưng Gấm vẫn chong đèn ngồi học, sáng nào cũng dậy sớm hơn mọi người trong gia đình để… học.

 

Cô học ở mọi nơi, học ở mọi lúc. Khi đang đi trên đường cũng là lúc nhớ lại bài, khi ngồi bán khoai cho mẹ Bình Gấm cũng tranh thủ mang sách theo để học. “Có hôm mải học quá người ta bê mất cả khoai lẫn hộp kẹo khi nào không biết… Nhưng cả lần mất vé lẫn lần mất khoai mẹ đều không nói gì cả… vì mẹ hiểu”.

 

Tại trường lớp không phải là không có sự kì thị, phân biệt. Khi học ở trường Lương Thế Vinh cũng như khi đã thi đỗ vào trường chuyên Lê Hồng Phong có nhiều bạn sau khi biết hoàn cảnh của Gấm đã tỏ ra lạnh lùng, xa lánh… Gấm ý thức được hoàn cảnh của mình nên cô luôn cố gắng học tập vươn lên và mở rộng lòng mình để đón nhận những tình cảm tốt đẹp từ phía bạn bè. Có lẽ vì thế mà cô luôn được đa số bạn bè, thầy cô yêu quý và giúp đỡ.

 

Năm Bình Gấm học lớp 11 cũng là lúc người cha lâm trọng bệnh do lao lực. Viêm phổi đã cướp đi người cha của các chị em cô sau một tháng nằm viện. Người mẹ đã phải chạy đôn chạy đáo tiếp tục vay nặng lãi với hy vọng cứu được chồng, nhưng tất cả đều vô vọng. Gia đình lâm vào một bi kịch mới chủ nợ, dân “anh chị” đến thúc nợ dọa đốt nhà chỉ là chuyện thường ngày. Chị em Gấm đến cơm ăn cũng không đủ no nhưng tất cả đếu quyết đến trường với suy nghĩ “chỉ có học mới thoát khỏi cảnh khổ”.

 

Những suất học bổng dành cho học sinh nghèo vượt khó luôn đến với Trần Bình Gấm học sinh xuất sắc của trường. Thầy cô biết hoàn cảnh gia đình Gấm nên luôn tỏ ra ưu ái để khuyến khích đông viên, những bạn khác mỗi suất học bổng chỉ trị giá 500 nghìn đồng nhưng với Gấm nhà trường trao tặng cho 1 triệu đồng.

 

Với khoản hoc bổng đó, để bù vào việc không được đến trường đi học bồi dưỡng như bạn bè Gấm xin mẹ hơn 100 nghìn đồng để mua sách cũ về nhà tự học. Những chỗ không hiểu Gấm thường lên lớp hỏi lại bạn bè hoặc thầy cô.

 

Quyết định thi Đại học được xem là quyết định táo bạo nhất trong đời của Bình Gấm. Gấm đã chọn thi cùng lúc 3 trường Đai học là Đại học Y và hai ngành thuộc trường Kinh tế với hai khối thi là A và B. “Nhiều đêm lo quá nên tôi đã khóc, khóc vì sợ mình sẽ rớt vì mình đâu có được học nhiều như các bạn, cũng không biết phải làm bài ra sao nữa nếu chỉ dựa chủ yếu vào sự mày mò của bản thân”.

 

Mẹ Gấm cho biết: “Khi nó nói thi Đại học hàng xóm ở đây bảo: “Kêu nó ở nhà mà đi làm cái kinh tế khoai lang khoai mì đi, con người ta đi ôn cả mấy năm còn không đậu nói gì con bà suốt ngày đi bán khoai lang với vé số”.

 

Bình Gấm vé số, khoai lang trở thành bác sĩ  - 1
 

 

Bình Gấm vé số, khoai lang trở thành bác sĩ  - 2
 Bình Gấm trong buổi trò chuyện với học sinh trường THPT Trần Phú (TPHCM)

 

Bằng chính nghị lực phi thường của bản thân, Gấm đã ghi tên mình vào danh sách trúng tuyển của ca ba trường đại học. Nhưng tiền đâu để học lại là câu hỏi lớn với cả gia đình Gấm lúc đó.

 

Sau đó, nhờ sự hỗ trợ của những bài báo, Gấm may mắn đã nhận được sự giúp đỡ của những nhà hảo tâm để có thể bước chân vào đại học. Dù trong suốt 5 năm học còn rất nhiều khó khăn, thậm chí có lúc cả chị và mẹ phải trốn xuống tận Củ Chi tránh nợ thì một mình Gấm vừa học, vừa làm để lo cho các em ăn học.  

 

Từ tấm gương của chị, người em kế là Trần Bình Quý cũng đã học hết CĐSP hiện đã là giáo viên dạy môn toán, hai người em trai hiện cũng đã vào Đại học. Bản thân Gấm sau khi tốt nghiệp chị đã tiếp tục chương trình đào tạo sau ĐH của trường ĐH Y. Hiện tại Bình Gấm là bác sĩ của bệnh viện Gia Định.

 

Liên tiếp trong hai năm 2006 - 2007 & 2008 - 2009 Bình Gấm được Hội khuyến học TPHCM lựa chọn là gương sáng tiêu biểu của TP trong chương trình “Mang gương sang đến học đường” Bình Gấm đã cùng với những tấm gương khác tạo nên sức mạnh tinh thần to lớn cho các thế hệ học sinh. 

 

Bác sĩ Bình Gấm và dự định cho tương lai

 

28 tuổi, cái tuổi không còn ít nữa với người phụ nữ, nhưng chị Gấm vẫn đang còn phải lo cho các em. Khi được hỏi về những dự định tương lai, chị cho biết: “Trước tiên mình còn phải lo cho hai đứa em ăn học nên người đã, sau đó sẽ kiếm cho cả gia đình môt nơi ở rộng rãi hơn”.

 

Nhưng điều làm chị trở nên hoạt bát một cách đặc biệt là khi nhắc đến mô hình phòng khám bệnh miễn phí của mình: “Gấm đã ấp ủ từ rất lâu, ý định sẽ mở một phòng khám tư để có thể tự tay khám chữa bệnh cho mọi người. Có thể mình sẽ dành ra 1 hoặc 2 ngày trong tuần để khám bệnh miễn phí cho mọi người”.

 

“Hiện tại mình vẫn chưa thể thực hiện được ước nguyện này vì chưa có vốn, chưa có mặt bằng, nhưng có thể mình sẽ bắt tay hợp tác với mấy người bạn để thực hiện nó trong thời gian sớm nhất”. Hồng Gấm chia sẻ: “Mình có được ngày hôm nay là nhờ sự giúp đỡ của mọi người, đã mang ơn của xã hội rất nhiều nên có lẽ cũng đã sắp đến lúc mình chung tay giúp đỡ cho những người có hoàn cảnh khó khăn”. 

 

Vân Sơn