Biệt danh gây sốc

Chuyện trêu đùa nhau của teen, bên cạnh những niềm vui sau giờ học căng thẳng thì cũng còn nhiều điều cần phải lên tiếng.

Biệt danh gây sốc   - 1

Tuổi hoa có nhiều kỷ niệm để chia sẻ, ngay cả những biệt danh cũng vậy. Tuy nhiên, đừng biến tướng những lời nói thành những vết thương cho bạn bè mình. (Ảnh minh họa)
 

Từ những câu trêu đùa dễ thương…

 

Lớp 12A1 trường TVK (Tân Bình) là một ví dụ cho một…vườn thú di động. Các thành viên trong lớp được đặt tên dựa theo hình dáng bề ngoài hay tính cách. “Ví dụ như bạn nào mập mập tròn tròn thì được gọi là Bé Heo, hai đứa thì là Heo Anh và Heo Em. Có bạn đồ sộ quá thì gọi là Khủng Long Ăn Cỏ. Đứa nói nhiều sẽ gọi là Vịt Con, đứa nào hay nhăn nhó thì gọi là Khỉ Gìa…”, T. Tiên (biệt danh là Sóc ù) nói. Vì thế, những Heo Anh Heo Em hay Khủng Long Ăn Cỏ đều cảm thấy vui khi mình là một thành viên của gia đình Sở Thú A1 khi tất cả những cái tên được đặt ra đều phản ánh một phần nào tính cách và chan chứa yêu thương.

 

Cũng tương tự thế, lớp 11 P3 (trường NTMK) thì lại là một gia đình với…Ông Bà Ngoại hay Ông Bà Nội, bên cạnh đó, các cặp đôi ếch con trong lớp sẽ là Cô Dì Chú Thím Cậu Mợ với nhau cùng chăm sóc đàn…con cháu. “Trách nhiệm là có thật, vì là một gia đình nên không có chuyện bỏ mặc Chú ngồi buồn xo khi bị điểm kém hay Ông ngoại buồn vì bị Bà Ngoại giận. Ngoài ra, cả đám cuối tuần thường rủ nhau đi ăn kem hay xem phim để củng cố tình cảm gia đình hay tụ nhau học nhóm trước khi thi học kỳ”, Trang (thường được gọi là Thím Bảy) cười hớn hở kể.

 

Những tình cảm dành cho nhau đằng sau những cái biệt danh đó đã góp phần làm cho các thành viên lớp đoàn kết và gắn bó hơn.

 

…đến không thể chấp nhận được

 

Nhưng đôi khi trêu đùa không có điểm giới hạn đã dựng lên một vách tường và đẩy những tình bạn ra xa hơn.

 

Cô bạn T.Tâm (trường H.T) là một ví dụ cho khả năng “nhìn mặt đặt tên”. Lớp của Tâm xuất hiện những Mặt Rỗ, Sáu Thẹo hay Nhóc Móm, Cá Khô đều từ cô nàng. “Tớ nhìn vào vẻ ngoài và đặt biệt danh cho dễ nhớ và ấn tượng”, Tâm nhún vai giải thích. Nhưng Mặt Rỗ (H.Quang, bạn cùng lớp) nói: “Mặt tớ có khá nhiều mụn cho dậy thì, dù là con trai nhưng tớ cũng cảm thấy mặc cảm vậy!”. Còn các bạn gái thì bị tổn thương nặng hơn vì những cái biệt danh gợi ra điểm yếu như TiVi Siêu Mỏng - Q. Như kể: "Giữa sân trường mà gọi toáng lên Tivi Siêu Mỏng là mọi người quay lại nhìn, tớ chỉ có biết đỏ bừng mặt lủi đi thôi”. Vì thế, chả trách sao Tâm chỉ có lủi thủi đi về một mình, vì không ai muốn mình đi cạnh một người lúc nào cũng săm soi và cười vào khuyết điểm của người khác.

 

Hay H. Thành (trường M) lại nổi tiếng vì những câu nói sốc và nhận xét về người khác rất vô tình. Lâu ngày không gặp nhau, các bạn cũ cấp hai ai cũng thay đổi ít nhiều. Thành buông thõng một câu: “Bà Nga mập thấy ghê quá, mốt thất nghiệp có tướng đi…bốc vác nuôi chồng!” hay cười một bạn nữ khác: “Bà bị lão hóa nhanh quá, về lo lấy chồng đi, vài năm nữa là ế cho coi”. Rồi phá lên cười trước sự sửng sốt của hội bạn và vẻ mặt tức giận của hai bạn nữ. Kết quả là buổi đi chơi mất hẳn vui và không hề hứa hẹn có lần sau.

 

Q. Tuấn (trường BTX) thì lại hay cười cợt vẻ ngoài của người khác. Đã từng có một bạn nam mới chuyển vào lớp, ngày đầu tiên đã nghe Tuấn oang oang: “Mặt thằng này y như Cá trê, không biết giống bố hay mẹ”. Tí nữa thôi là xảy ra ẩu đả giữa thành viên cũ mới nếu không có sự can thiệp của thầy giám thị.

 

Ngược lại, trò đùa của H. Vinh (trường LHP) lại được hưởng ứng của cả nhóm bạn Vinh trong lớp 12/4 khi thay nhau gọi tên…cha mẹ. “Bọn họ mở sổ liên lạc của nhau ra và biết tên cha mẹ, thế là có chuyện khi cô kêu Khoa lên bảng trả bài thì cả đám ở dưới cười rúc rích Khải ơi, lên trả bài. Cô giáo không hiểu nhựng tụi tớ biết đó là tên cha của Khoa” - M. Ngọc bức xúc kể. “Hay khi giảng bài Hóa có mấy câu dung dịch là tụi nó cười ầm lên, vì có một đứa có mẹ tên là Dung!”...

 

“Trò đùa lôi tên cha mẹ ra là quá đáng không thể, chấp nhận được. Có một bạn trong lớp cha bỏ hai mẹ con đi từ ngày bạn ấy năm tuổi, thế nhưng mọi người cứ hay gọi tên cha bạn ấy ra làm trò cười thì rất nhẫn tâm!”, M. Thủy nói.

 

Theo Đặng Thị Hạnh Dung

Mực Tím