Biến truyện tranh thành phòng chiếu bóng

Với mong muốn tăng tính tương tác giữa bố mẹ và con cái, Nguyễn Thùy Anh (cựu sinh viên trường ĐH Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội) đã đưa ra sản phẩm: Một cuốn truyện cổ tích dưới dạng chiếu bóng trong đồ án tốt nghiệp “Thiết kế minh họa truyện cổ tích Việt Nam Cây tre trăm đốt”.

Ý tưởng độc đáo này không chỉ giúp Thùy Anh giành điểm số cao cho bài thi tốt nghiệp mà còn hứa hẹn sẽ là một sản phầm được nhiều phụ huynh và các em nhỏ đón chờ.

Truyện tranh và “phòng chiếu bóng”

“Năm thứ ba đại học, mình được thầy giáo cho xem một cuốn sách chiếu bóng của Pháp. Mình đã rất ngạc nhiên vì chưa bao giờ mình được tiếp cận với một loại truyện như thế. Khi ấy, mình đã nghĩ, sao mình lại không thử áp dụng nó cho một truyện của Việt Nam. Và đến khi đăng ký đề tài đồ án tốt nghiệp, mình đã chọn truyện cổ tích Cây tre trăm đốt rất gần gũi với trẻ em”, Nguyễn Thùy Anh chia sẻ.

Khác với những thiết kế truyện tranh dạng phẳng thông thường, thiết kế minh họa truyện cổ tích Cây tre trăm đốt của Nguyễn Thùy Anh ẩn chứa một bí mật có thể khiến nhiều em nhỏ reo lên vì thích thú. Chỉ cần dựng cuốn sách lên và chiếu đèn pin đi kèm, các bậc phụ huynh đã có một màn chiếu bóng mini minh họa cho truyện cổ tích mà các em đang theo dõi.

Biến truyện tranh thành phòng chiếu bóng - 1

Thùy Anh bên bản đồ án tốt nghiệp “Thiết kế minh họa truyện cổ tích Việt Nam Cây tre trăm đốt”.

Thùy Anh cho biết: “Ưu điểm của bộ truyện này đó là thu hút được sự chú ý của trẻ em, khi theo bố mẹ đi ra hiệu sách. Các em sẽ thấy bộ sách này lạ và muốn khám phá nó.

Bên cạnh đó, với cuốn truyện này, mình muốn tăng tính tương tác giữa trẻ và bố mẹ. Bố mẹ có thể dùng quyển sách này như một cách để trò chuyện với trẻ và ngoài ra, cuốn truyện cũng kích thích trí tưởng tượng của các em”.

Sẽ có nhiều hơn một cuốn truyện

Thiết kế truyện Cây tre trăm đốt được Thùy Anh sử dụng 100% chất liệu màu nước, kết hợp các mảng nét và các yếu tố trang trí. Nhân vật trong truyện được thể hiện tính cách ngay trên khuôn mặt, cũng như vóc dáng, cử chỉ, cho dù có là nhân vật phản diện thì những khuôn mặt trong câu chuyện vẫn có nét thân thiện, đáng yêu. Ý tưởng này của Thùy Anh đã được các giảng viên ở trường ĐH Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội đánh giá cao và là một trong số những tác phẩm đạt điểm cao của khóa ra trường năm nay.

Hơn nửa năm là quãng thời gian mà Thùy Anh đã dồn nhiều công sức và tâm huyết cho bản thiết kế đồ án truyện tranh này. Qua nhiều phác thảo, nhiều phương thức thể hiện khác nhau và lựa chọn cuối cùng là hình thức chiếu bóng.

“Để cho ra đời một sản phẩm với hình thức chiếu bóng thì bạn sẽ mất nhiều công sức hơn so với làm một cuốn truyện thông thường. Đầu tiên, bạn phải xây dựng sao cho hình ảnh chiếu bóng liên quan đến nội dung câu chuyện. Ngoài những bước thông thường như vẽ, scan, chỉnh sửa trên máy tính thì bạn còn phải có thêm những bước xử lý phần chiếu bóng. Đây cũng là bước mình thấy khó khăn nhất, khi xây dựng bộ truyện này”.

Hiện tại, Thùy Anh đang nỗ lực để ý tưởng của mình sớm trở thành sản phẩm chính thức. Và không chỉ dừng lại ở truyện Cây tre trăm đốt, Thùy Anh còn muốn “chiếu bóng” hóa những bộ truyện cổ tích, những bộ truyện kể lịch sử Việt Nam, để các bạn nhỏ có thể tiếp cận với lịch sử và văn hóa dân tộc một cách dễ và độc đáo.

Theo Tâm Trang

Hoa học trò

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm