Bí thư chi đoàn nông thôn và mô hình kinh tế tiền tỷ

(Dân trí) - Trong thời gian đi xuất khẩu lao động, Trần Anh Đức vẫn nung nấu ý định về quê lập nghiệp từ ruộng đất. Sau 3 năm tích lũy vốn và kinh nghiệm, Đức về nước, mạnh dạn phát triển kinh tế bằng mô hình VAC. Đến nay, chàng Bí thư chi đoàn đã có trong tay mô hình kinh tế quy mô gần 8 tỷ đồng.

Trần Anh Đức (SN 1985, Bí thư Chi đoàn thôn 9, xã Thanh Thịnh, Thanh Chương, Nghệ An) là một trong hai thủ lĩnh đoàn của Nghệ An vinh dự được Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trao tặng giải thưởng Lý Tự Trọng năm nay. Không chỉ là Bí thư chi đoàn giỏi, Đức còn là điển hình làm kinh tế giỏi trong thanh niên nông thôn Nghệ An.

Trần Anh Đức - Bí thư chi đoàn thôn 9, xã Thanh Thịnh (Thanh Chương, Nghệ An) hiện là chủ mô hình kinh tế hiệu quả, mang lại thu nhập mỗi năm gần 600 triệu đồng. Đức cũng là 1 trong 2 cán bộ đoàn tại Nghệ An vinh dự nhận giải thưởng Lý Tự Trong toàn quốc năm nay
Trần Anh Đức - Bí thư chi đoàn thôn 9, xã Thanh Thịnh (Thanh Chương, Nghệ An) hiện là chủ mô hình kinh tế hiệu quả, mang lại thu nhập mỗi năm gần 600 triệu đồng. Đức cũng là 1 trong 2 cán bộ đoàn tại Nghệ An vinh dự nhận giải thưởng Lý Tự Trong toàn quốc năm nay

Hoàn thành thời gian quân ngũ, Trần Anh Đức quyết định đi xuất khẩu lao động. Chọn con đường này không phải để giải quyết nhu cầu công việc trước mắt mà chàng trai này có kế hoạch dài hơi hơn.

"Thực ra đất đai quê mình nhiều nhưng thời điểm đó còn khá manh mún. Do chưa được đầu tư, khai thác đúng cách nên giá trị kinh tế không cao. Tôi nghĩ tới việc tích tụ ruộng đất, xây dựng mô hình kinh tế nhưng ngặt nỗi chưa có vốn, chưa có nhiều kinh nghiệm.

Nếu thời điểm đó, quyết vay mượn để làm thì không khác nào đánh bạc với trời. Mình thiếu vốn thì trước hết phải đi tìm vốn đã...”, Trần Anh Đức chia sẻ.

Đức xuất khẩu lao động sang Đài Loan, làm việc trong một trang trại chăn nuôi lớn. Mức lương trung bình từ 15-18 triệu đồng đối với thanh niên nông thôn thì đó quả là một con số mơ ước.

Nhưng Đức không muốn cuộc sống của mình chỉ mãi gắn với công việc ăn lương hàng tháng ấy. Đức tranh thủ học hỏi, tích lũy kinh nghiệm chăn nuôi, phòng chữa bệnh cho gà.

Sau 3 năm làm thuê xứ người, có một số vốn kha khá trong tay cùng với những kinh nghiệm trong chăn nuôi, Đức quyết định về nước thực hiện giấc mơ làm ông chủ của mình. Cũng trong thời gian này, Đức được tín nhiệm bầu làm Bí thư đoàn thanh niên thôn 9.


Mỗi năm trang trại của Đức cho xuất chuồng khoảng 9.000 con gà thịt, 1.200 con lợn thịt... cho lãi ròng gần 600 triệu đồng

Mỗi năm trang trại của Đức cho xuất chuồng khoảng 9.000 con gà thịt, 1.200 con lợn thịt... cho lãi ròng gần 600 triệu đồng

Sau một năm "ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng" cộng với việc chịu khó khảo sát thị trường, thuê các mảnh đất manh mún của người dân trong thôn để tích tụ thành một thửa lớn, năm 2014 Trần Anh Đức bắt tay vào gây dựng kinh tế.

Dốc nửa tỉ đồng tiền vốn tích lũy của bản thân và vay mượn thêm, Đức bàn với gia đình cải tạo vùng đất năng suất kém để đào ao thả cá, trên bờ thì chăn nuôi gà, lợn.

Để giảm thiểu chi phí sản xuất, Đức quyết định kinh doanh thêm mặt hàng thức ăn gia súc, gia cầm, không chỉ phục vụ cho nhu cầu của mình mà còn cung ứng cho thị trường trong vùng. Đức cũng dành thời gian theo học lớp thú y để có thể tự mình kiểm tra, phòng trừ dịch bệnh cho vật nuôi.

"Chưa có vốn nên cứ phải làm lần lượt từng cái, lấy ngắn nuôi dài chứ không thể đầu tư ồ ạt, dàn trải được. Làm cái nào thì phải tính toán để ăn chắc cái đó. Vụ cá đầu tiên thắng lợi, tôi có thêm vốn để mở rộng chăn nuôi gà, lợn. Bán gà, lợn, lại lấy vốn quay vòng cho 10.000m2 ao cá. Cái nọ gối vào cái kia để mở rộng quy mô dần dần", Đức chia sẻ.

Làm ăn trong thời buổi kinh tế khó khăn, điều kiện khí hậu thất thường, nguy cơ dịch bệnh lớn... khó khăn đối với chàng Bí thư chi đoàn không phải là ít. Nhờ những kiến thức tích lũy được trong 3 năm kiếm cơm ở xứ người, cắt giảm tối đa chi phí sản xuất cùng với sự nhanh nhạy trong tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ, Trần Anh Đức dần tạo lập được chỗ đứng vững chắc trên đồng ruộng quê hương.

Trần Anh Đức (ngoài cùng bên phải) hướng dẫn quy trình chăm sóc vườn bưởi da xanh tới các đoàn viên thnah niên trong chi đoàn
Trần Anh Đức (ngoài cùng bên phải) hướng dẫn quy trình chăm sóc vườn bưởi da xanh tới các đoàn viên thnah niên trong chi đoàn

Trung bình mỗi năm, ông chủ trẻ này cho xuất chuồng khoảng 1.200 con lợn thịt, 9.000 con gà thịt, hàng vạn con gà giống, cung ứng trên 100 tấn thức ăn chăn nuôi và thuốc thú y cho người dân trong vùng. Tính ra, mỗi năm mô hình kinh tế có quy mô gần 8 tỷ đồng này mang lại cho Trần Anh Đức khoản lãi ròng lên đến 600 triệu đồng.

Không dừng lại ở đó, ông chủ Trần Anh Đức đã cho trồng 400 gốc bưởi da xanh để phục vụ nhu cầu thị trường trong tỉnh. Hiện, vườn bưởi đang phát triển tốt, dự kiến trong năm tới sẽ cho thu hoạch.

Bên cạnh đó, mô hình kinh tế của Đức còn tạo việc làm thường xuyên cho 6 lao động, chủ yếu là đoàn viên, thanh niên trên địa bàn với mức lương trung bình từ 4-5 triệu đồng/tháng. Không chỉ vậy, với kinh nghiệm đúc rút được sau 4 năm cộng với việc không ngừng học hỏi, Đức còn là chuyên gia tư vấn cho người dân trong vùng về việc lựa chọn cây, con phù hợp cũng như kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh cho vật nuôi.

"Đồng chí Trần Anh Đức là người có chí, dám nghĩ, dám làm, dám chấp nhận thất bại để quyết tâm làm giàu ngay trên đồng đất quê hương của mình. Hiện tại, mô hình kinh tế của đồng chí Đức có quy mô và hiệu quả nhất xã, có thể nói là nhất cụm.

Không chỉ làm kinh tế giỏi, trên cương vị thủ lĩnh Đoàn thanh niên thôn 9, đồng chí Đức luôn nhiệt huyết đi đầu gây dựng phong trào đoàn và hoạt động tình nguyện...”, anh Nguyễn Văn Vượng – Bí thư Đoàn thanh niên xã Thanh Thịnh đánh giá.

Hoàng Lam