Bi hài chuyện toilet sinh viên
Không quá nóng bỏng như nhà trọ, phòng ở KTX hay giá cả leo thang, nhưng những băn khoăn xung quanh nhà vệ sinh cũng làm không ít sinh viên phải ngậm ngùi than vãn hay nhăn mặt kêu ca.
Những “buồng tử thần”
Không thể phủ nhận một điều rằng hệ thống WC của các trường ĐH và CĐ hiện nay đã được cải thiện rất nhiều so với ngày trước. Tuy thế, giờ đây, nhắc đến cái WC ở các trường ĐH, CĐ vẫn còn hai thái cực: người thì vỗ ngực tự hào, người thì ca thán thấu trời.
Có “lịch sử hình thành và phát triển” gần như đồng thời với các giảng đường vì vậy mà nơi nào mới vẫn cứ mới nguyên, mà “đát” thì vẫn cứ “quá đát”.
Về khoản “phòng nhạy cảm” thì SV của ĐH Phương Đông, ĐH KTQG, Học viện Ngân hàng, ĐH QGHN… có thể “an tâm công tác” vì hệ thống WC khá đầy đủ và sạch sẽ của trường mình. Tuy nhiên SV của một số trường khác đang phải chịu những “tình cảnh đáng thương”.
Thiếu, đúng là rất thiếu. Một số trường dường như quá xem nhẹ cái phòng “nhỏ nhưng không thể thiếu” này. Nhiều khu giảng đường của các trường không có WC, muốn “đi” thì phải sang khu giảng đường khác, vô cùng bất tiện.
Học viện Báo chí tuyên truyền trang bị hệ thống WC rất hiện đại ở khu nhà chính nhưng lại lãng quên mất khu nhà phía sau, điều này khiến cho SV rất ngại mỗi khi “có vấn đề”. Rất nhiều trường trang bị WC cho khu cán bộ nhưng lại hờ hững với các giảng đường SV.
Bẩn, rất bẩn. Bằng chứng là trong một cuộc khảo sát hơn 10 trường ĐH tại Hà Nội, có nhiều khu WC “không thể… dùng được”, có những khu “đang phải dùng… tạm” và có những khu rất… oái oăm. Sau đây là một vài dẫn chứng cụ thể.
WC của nhà A1 - CĐ GT được mệnh danh là “phòng tử thần”. Không có cửa che, bồn rửa tay thì “chết yểu”, ngập rác rưởi, không được giội nước thường xuyên và tất nhiên là rất ít khi được SV “ghé thăm”.
Nếu so sánh với WC ở khu A2 đối diện, sáng bóng và đầy đủ thì đúng là một bức tranh đối lập… gay gắt.
Cùng chung tình trạng này là nhà vệ sinh ở khu D2, ĐHNNHN. Không đến nỗi thiếu cửa như trên nhưng bù lại các cửa đều bị mất nửa phần… phía dưới do mục nát. Chưa kể lúc nào cũng có nước chảy ra cùng với mùi xú uế.
Nếu như sạch sẽ hơn một tí, đầy đủ hơn một tí thì lại bị… ngập. Phòng WC nhà G - ĐH Thương mại ngập nước đến nỗi ai “lai vãng” vào đều phải lội bì bõm. Cũng giống như vậy là nhà vệ sinh A4, CĐ Công nghiệp 1, ngập nước đen do chất thải của các SV khi đi thực hành ở xưởng chế tạo máy về xả ra.
Chuyện cái WC không biết dành cho ai cũng trở nên phổ biến và việc vào… nhầm phòng của nhau cũng là chuyện thường xuyên. Nhà H1, ĐH Xây dựng mỗi tầng đều có phòng vệ sinh nam, nữ riêng nhưng khốn nỗi một số trong đó không thể phân biệt đâu dành cho nam, đâu dành cho nữ. Các biển hiệu cái thì mất chữ không nhận ra được “nam” hay “nữ”, cái thì… bốc hơi cả hai.
Thế mới có chuyện thỉnh thoảng SV nam ung dung “đi” thì lại gặp một… bạn nữ đang ngơ ngác trong đó! Khôi hài hơn, cả nhà C7, ĐH Bách khoa HN chỉ có đúng một phòng vệ sinh không biết dành cho ai nằm khiêm tốn ở góc cầu thang tầng 1. Không hiểu do tiết kiệm hay đó là “phòng đặc dụng” chỉ dành riêng cho nam hoặc nữ?
Chuyện WC và ý thức của giới trẻ
Thực tế không lấy gì làm vui vẻ nêu trên về cái phòng vệ sinh cho SV đã cho thấy sự xuống cấp của cơ sở vật chất tại một số trường ĐH, CĐ nhưng cũng cảnh báo sự đi xuống trong ý thức xử sự SV.
Một nhân viên dọn vệ sinh trong một trường ĐH than thở: “Các cô các cậu nhiều khi thiếu ý thức lắm. Xả rác vô tội vạ từ trong ra ngoài, không chịu dội nước và vệ sinh chung. Nhiều khi còn bị mất cả giấy vệ sinh nữa cơ”.
Lê Hữu Phong (SV năm thứ hai, Khoa Cầu đường, CĐ GT): “Tôi thắc mắc là tại sao lại để tồn tại cái phòng vệ sinh kì cục ở A1 như vậy. Người ta đã quá vội vàng khi nghĩ rằng, nhu cầu của SV trong chuyện này không lớn bằng nhu cầu của những người khác”.
Vệ sinh ở ngay khu… WC không còn là công việc của những nhân viên mà còn là thái độ ứng xử của những người trẻ tuổi. “ý thức của mỗi người mới chính là điều quyết định. WC dẫu có được xây mới trăm lần nhưng nếu chúng ta cứ cư xử tùy tiện thì nó cũng chẳng khác cũ là bao” - Phạm Như Hiệp (SV năm thứ hai, ĐH Xây dựng) bức xúc.
Thậm chí ít người lường trước được những hệ lụy do chính những phòng vệ sinh không rõ “giới tính” gây ra. “Mọi người không thể lường trước được nguy hiểm do những khu vệ sinh không rõ cho nam hay cho nữ gây ra. Những va chạm tế nhị và những nguy cơ tiềm ẩn do những động cơ không trong sáng gây ra” - Trần Lan Anh (SV Khoa Công tác xã hội, ĐH Lao động xã hội) băn khoăn.
Theo Minh Nguyễn, Mạnh Cường
Tiền Phong