Bị “gửi tay” khi đi xe buýt
(Dân trí) - Xe buýt là phương tiện đi lại của rất nhiều sinh viên nhưng nơi đây cũng là địa phận thuận lợi của những kẻ thuộc nhóm máu D (dê). Khổ nhất là sự lên tiếng của họ đôi lúc lại phản tác dụng…
Giờ cao điểm, hết các tuyến xe buýt đều quá tải. Vậy nhưng, đây cũng chính là lúc những gã có máu dê chen chân lên xe buýt để hoạt động. Lợi dụng cảnh chen chúc, chúng thỏa thê với các trò sờ mó của mình.
Gần hai năm đi học bằng xe buýt nhưng Quỳnh, ĐH Luật không quen nổi. Mỗi lần lên xe cô lại rùng mình, nghĩ mình có thể rơi vào tay những kẻ sàm sỡ nhưng đôi lúc muốn tránh cũng không được. Có lúc Quỳnh còn né được bằng cách dịch đi chỗ khác, nhưng phần lớn là cảnh đứng bằng một chân, biết dịch đi đâu. Thế là cô đành cắn răng chịu dựng.
Nhiều gã có máu D chọn xe buýt để dễ bề hoạt động nhưng sinh viên rất khó tránh. (Ảnh: H.N)
“Em đang tìm chỗ trọ gần để đi xe đạp nhưng tìm chỗ trọ bây giờ khó quá. Cứ sống chung với sự sợ hãi thế này không biết em trụ được đến bao giờ” - Quỳnh tâm sự.
Thuê nhà ở tận khu Cầu Diễn (Từ Liêm) cách trường gần 15 cây số nhưng Lan, ĐH Kinh tế Quốc dân vẫn chấp nhận thà lóc cóc đạp xe còn hơn đi xe buýt. Cũng đã một thời gian chịu đựng xe buýt, nhưng sau vài lần hoảng loạn Lan “cạch luôn”.
“Con gái đi xe buýt bị “gửi” tay là chuyện thường, khó tránh lắm. Em cũng chấp nhận nhưng cho đến hôm đi trên tuyến 32, em khiếp đảm vì có cánh tay thò sâu vào cạp quần. Hôm đó về em nghỉ học mất mấy ngày, mua được xe đạp rồi mới dám đến trường”.
Không chỉ nữ mà nam sinh cũng trở thành nạn nhân của những kẻ giở trò trên xe buýt. Đến bây giờ, H, cậu sinh viên năm hai ĐH KHTN vẫn chưa hết rùng mình nghĩ đến cảnh bị… người đáng tuổi mẹ cậu lạm dụng. Hôm đó, H đi tuyến xe 02, đứng ngay trước một người phụ nữ mập mạp chừng 50 tuổi. Đi được một đoạn, H cảm giác thấy “cảm giác lạ” ở đằng sau. Hóa ra tay bà ta đặt trên… mông cậu.
H nghĩ là bà ta vô tình, định nhích lên để tránh nhưng xe quá đông nên đành đứng yên. Thấy H không phản kháng, bà ta thản nhiên luồn tay ra phía trước… Lúc đó, H mới hoảng nhưng tránh đâu được mà lên tiếng thì ngượng chết nên đành “nhắm mắt làm ngơ”.
H nói: “Đến giờ tớ vẫn không tin nổi mình lại rơi vào cảnh như thế. Cứ nghĩ chỉ có đàn ông mới lộ liễu như thế, ai ngờ...”.
Lên tiếng, đâu dễ
Rơi vào cảnh bị lạm dụng trên xe buýt, hầu hết sinh viên chỉ tìm cách “né” chứ rất ít người dám lên tiếng. Tuy họ là nạn nhân nhưng khi bị lạm dụng họ lại thấy xấu hổ, e ngại nên chỉ biết “nuốt nước mắt vào trong”. Hơn nữa, việc lên tiếng của nạn nhân đôi lúc lại phản tác dụng, làm họ gánh thêm nỗi oan ức.
Có lẽ vì cao to, đẹp trai nên Cường, ĐH Xây dựng trở thành “đối tượng” của những một số tên đồng tính hay “lượn lờ” trên xe buýt. Cường đã không ít lần bị cả những cậu thanh niên trạc tuổi và người trung tuổi sờ mó trên xe. Uất ức quá, Cường quyết sẽ lên tiếng.
Hôm đó, đi trên tuyến 16, bị một gã đàn ông ngoài 40 tuổi tỉnh bơ đăt tay lên… “của quý”, Cường gạt tay ông ta ra, lớn tiếng: “Ông giở trò gì đấy”. Những người trên xe quay lại nhìn Cường, gã đàn ông kia càng cố tình áp sát vào người cậu, trở mặt: “Cậu thò tay vào quần tôi thì có”. Tiếng xì xào nổi lên : “Hai tên bệnh hoạn kia về nhà mà giở trò” rồi mọi người nhìn chằm chằm vào Cường như thể cậu là kẻ bệnh hoạn. Thế là Cường phải xuống luôn bến tới để “thoát thân”.
Nhiều lúc bị lạm dụng, Quỳnh cũng muốn lên tiếng vạch mặt kẻ xấu nhưng cô dẹp ý định này sang một bên khi được chứng kiến sự “phản pháo” của một một bạn nữ đi cùng tuyến xe với Quỳnh. Bị một người đàn ông sờ soạng, cô bạn này quay lại nhìn hắn ta: “Dê sổ chuồng à?”. Thế là mọi người trên xe cười ồ lên, nhìm chằm chằm vào dây áo con bị tụt của cô gái. Nhiều kẻ còn chêm thêm: “Cài áo vào em ơi”. “Thích quá còn giả bộ” làm cô gái bật khóc tức tưởi.
Quỳnh nói: “Lên tiếng đôi lúc lại trở thành trò cười. Em tránh bằng cách hạn chế đi lại vào giờ cao điểm như cố đi học sớm hơn, về muộn hơn, xe vắng thì không ai dám giở trò”...
H.N